Hành động cân bằng của Đức với Trung Quốc

Tin tức - Ngày đăng : 09:19, 21/06/2023

Đức cần Trung Quốc, nhưng cũng muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước này.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Đức và người đồng cấp Trung Quốc duyệt đội danh dự tại Berlin

Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào ngày 19.6, các bộ trưởng của cả hai nước gặp nhau vào 2./6 để tăng cường hợp tác trong một số vấn đề từ chống biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, trên cả Mỹ. Trong 10 năm qua, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc trên thực tế đã tăng gấp đôi lên khoảng 300 tỷ euro (327 tỷ USD). Bản chất đầy mâu thuẫn của mối quan hệ có thể được nhìn thấy trong thực tế là các tài liệu chính thức của Đức hiện nay thường xuyên đề cập đến Trung Quốc như một đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ chiến lược cùng một lúc.

Claudia Schmucker, người đứng đầu Trung tâm Địa chính trị tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) nhận định rằng việc dung hòa những lợi ích khác nhau này là một trong những “hành động cân bằng” quan trọng trong các cuộc tham vấn hiện tại.

Bà Schmucker giải thích: “Đức đang thực sự tìm cách cân bằng ở đây, không tách rời và không giảm thiểu rủi ro quá nhiều, đồng thời giữ mối quan hệ thương mại bền chặt và hướng nhiều hơn đến Mỹ”.

Các cuộc tham vấn của chính phủ Đức với Trung Quốc bắt đầu vào năm 2011, ban đầu nhấn mạnh quan hệ đối tác. Vào năm 2014, mối quan hệ này thậm chí đã được nâng lên thành "đối tác chiến lược toàn diện". Nhưng kể từ đó, một số đã thay đổi.

Mặc dù Đức đã có giọng điệu chỉ trích nhiều hơn đối với Bắc Kinh kể từ lần tham vấn trực tiếp gần đây nhất vào năm 2018, nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với khoảng 45,1% sản phẩm nhập khẩu đến nước này.

Trung Quốc vẫn là một thị trường cực kỳ quan trọng. Hơn 5.000 công ty Đức với 1,1 triệu nhân viên hoạt động tại quốc gia Đông Á này. Ngoài những tên tuổi lớn như Volkswagen và BASF, còn có vô số công ty cỡ trung bình. Tất cả đều được hưởng lợi từ lao động giá rẻ và thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc.

Đức đã tìm cách trung hòa khi chính phủ công bố chiến lược an ninh quốc gia được chờ đợi từ lâu vào tuần trước. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng ông không muốn cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc mà thay vào đó muốn “giảm thiểu rủi ro” – lặp lại bài phát biểu về Trung Quốc của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, ông Scholz vẫn chưa vạch ra chi tiết cho cách tiếp cận mới này, vì Đảng Dân chủ Xã hội do ông lãnh đạo vẫn đang vật lộn với việc định hướng lại chính sách đối ngoại của mình.

Trung Quốc đã là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong chiến lược an ninh quốc gia của Đức. Mặc dù tài liệu ban đầu được lên kế hoạch công bố vào tháng 11 năm ngoái, nhưng nó đã bị hoãn lại do những bất đồng về cách phản ứng với Bắc Kinh.

Những bất đồng giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền tại Đức cũng có thể thấy rõ trong chiến lược Trung Quốc mới của họ. Bản thảo đầu tiên của chiến lược đã bị rò rỉ vào tháng 11 năm ngoái và có giọng điệu đối đầu hơn.

Ví dụ, dự thảo chiến lược cho biết sẵn sàng ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ các khu vực của Trung Quốc bị cáo buộc “có vi phạm nhân quyền” và một cuộc thanh tra bắt buộc đối với các công ty liên quan đến rủi ro “từ Trung Quốc”.

Việc rò rỉ tài liệu đã gây ra sự phẫn nộ từ Chính phủ Trung Quốc, khi Bắc Kinh gọi tài liệu này là “di sản của tư duy Chiến tranh Lạnh”.

Trong khi các bộ ngoại giao và kinh tế do Đảng Xanh lãnh đạo áp dụng cách tiếp cận “diều hâu” hơn đối với Trung Quốc, thì Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz lại tỏ ra không hài lòng về vấn đề này.

Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô mang lại lợi nhuận lớn của nước này, SPD không dám gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế và vẫn đang tìm kiếm một quan điểm nhất quán về vấn đề này.

Tuy nhiên, các cuộc tham vấn cấp chính phủ ngày 20/6 cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với EU khi Ủy ban châu Âu chuẩn bị đề xuất chiến lược kiểm soát đầu tư và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thủ tướng Scholz đã tuyên bố rằng ông không phải là người ủng hộ các biện pháp như vậy, vì đã có đủ quy tắc để “đảm bảo an ninh cho nền kinh tế của EU”.

Trong khi đó, các chuyên gia đã cảnh báo về khả năng Đức sẽ có cách tiếp cận “một mình” khi nói đến Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có sự gắn kết trong châu Âu nhiều hơn nữa trong các cuộc thảo luận hoặc trong mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc so với hiện tại. Đức thường bị cáo buộc đi một mình ở đây”, chuyên gia Schmucker nói.

Theo Báo Tin tức