Thanh Hà giữ thương hiệu vải sạch
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:02, 21/06/2023
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đang được ưa chuộng cả trong và ngoài nước
Chăm chút
Vải thiều Thanh Hà đang vào cuối vụ, nông dân tất bật thu hái diện tích còn lại. Thế nhưng dù đầu mùa hay cuối vụ, gia đình bà Nguyễn Thị Lụa ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy vẫn đông khách đặt mua. Gia đình bà có 8 sào vải thiều chính vụ, thu khoảng 4 tấn. Năm nào cũng vậy, vải thiều của gia đình bà đẹp hơn hẳn những vườn vải khác. Vải chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Có được kết quả đó là cả một mùa vải dày công chăm sóc. Vườn của gia đình bà thuộc vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, Mỹ. Tham gia trồng vải sạch ngay từ những ngày đầu huyện và tỉnh triển khai, bà Lụa luôn áp dụng đúng quy trình sản xuất, theo dõi vải. Lúc đầu nhiều người chưa tin tưởng lắm vào các quy trình sản xuất vải sạch nhưng bà Lụa vẫn kiên trì áp dụng theo bởi ngay thời điểm đó bà biết thị trường sẽ sớm hướng tới sản phẩm an toàn. Vì thế, năm nào vườn vải của gia đình bà cũng bội thu, giá trị năm sau cao hơn năm trước.
Vườn vải của gia đình bà Lụa năm nào cũng được Công ty CP Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, EU và khách các nơi đặt làm quà biếu. Bà Lụa cho biết: “Từ chăm sóc đến thu hoạch vải, khâu nào cũng vất vả. Ngay khi thu hoạch xong phải cắt tỉa cành, tạo tán, chăm sóc bù lại chất dinh dưỡng cho cây. Bón phân, phun thuốc đúng kỳ nếu không là mất trắng”.
Vải làm quà biếu thường được bà Nguyễn Thị Lụa ở xã Thanh Thủy chọn lựa từng quả
Là người gắn bó với cây vải từ nhỏ, chị Quách Thị Phượng ở xã Thanh Xá luôn học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng nâng cao giá trị sản xuất. Theo chị Phượng, để quả vải bán được giá cao thì phải bảo đảm sạch. Từng có năm lô hàng vải thiều bị nước nhập khẩu trả về vì còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đó là bài học cho người sản xuất vải không được tái phạm khi muốn đưa đặc sản đến thị trường khó tính hơn. "Trong cả quá trình sản xuất vải phải phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn, đúng loại thuốc và đủ liều lượng. Trước khi thu hoạch phải ngưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 15-20 ngày. Đó chính là cách chúng tôi giữ gìn thương hiệu vải sạch”, chị Phượng nói.
Cả bà Lụa và chị Phượng đều là đại diện của các tổ sản xuất vải sạch. Họ vẫn từng ngày thầm lặng chăm chút cho quả vải ngày càng chất lượng hơn.
Huyện Thanh Hà hiện có 3.265 ha vải, khoảng 500 ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2023, toàn huyện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số xuất khẩu, trong đó 45 mã số xuất khẩu Trung Quốc, 40 mã xuất khẩu Úc, 39 mã xuất khẩu Hoa Kỳ, 36 mã xuất khẩu Nhật Bản và 8 mã xuất khẩu Thái Lan.
Năm nay chị Quách Thị Phượng ở xã Thanh Xá đã bán khoảng 2 tấn vải thiều cho khách làm quà biếu
Làm quà biếu
Mỗi năm chỉ có 2 tháng thu hoạch vải vào tháng 5 và 6. Để mua được vải ngon ắt phải về Thanh Hà chứ không đâu khác. Vì thế, vải thiều Thanh Hà chính là thương hiệu bền vững, uy tín. Khách mua vải của gia đình bà Lụa cũng ngày càng mở rộng hơn, người này giới thiệu cho người kia. Ban đầu khách đến tham quan, du lịch tại vườn vải thấy ngon thì lấy số điện thoại, sau đó năm nào cũng đặt hàng, có người 5 năm liền mua vải của gia đình bà.
Vải làm quà biếu được đặt theo ý của khách hàng. Những năm trước, vải chủ yếu được bó thành từng chùm, cho vào túi hoặc hộp có nhãn mác, thương hiệu nhưng năm nay nhiều nơi đã đặt hàng theo từng hộp nhỏ, cắt cuống, gọn hơn. Từ đầu mùa đến nay, chị Phượng đã bán hơn 2 tấn vải thiều chuyên làm quà biếu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. “Vải làm quà biếu phải chọn từng quả chứ không ồ ạt như đem cân ngoài chợ. Có hôm khách báo đột xuất, tôi phải huy động cả nhà ra bẻ vải để kịp giao hàng cho khách”, chị Phượng chia sẻ.
Không chỉ quan tâm về chất lượng sản phẩm, từ bao bì đến tem nhãn cũng được các hộ chăm chút. Các hộp vải đều có dán tem truy xuất nguồn gốc để khách hàng truy cập dễ dàng nguồn gốc vải thiều Thanh Hà.
Vải thiều Thanh Hà đang được nông dân gìn giữ với nhiều cách khác nhau nhưng có chung một tâm huyết. Bởi bao đời nay với người dân Thanh Hà, cây vải không chỉ mang lại “áo ấm, cơm no” mà còn là loại cây có giá trị đặc biệt về văn hóa, tinh thần.
MINH NGUYÊN