Sự bình dị vĩ đại của một nhân cách lớn

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 11:29, 19/05/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nguyên thủ quốc gia để lại nhiều ấn tượng đặc biệt cho nhân loại.

Bàn chân trần Hồ Chí Minh

Đâu dễ gì thấy được bàn chân trần
Những nguyên thủ quốc gia
Có thể cả những người gần gũi nhất
Hồ Chí Minh thì khác
Bàn chân thèm buông dép lốp
Xắn quần sục vào bùn đất quê hương

Bàn chân trần Hồ Chí Minh
Đạp gai sâu những ngày tháng chiến khu
Người lính già vẫn băng ra trận

Bàn chân trần Hồ Chí Minh
Đạp nước lên đồng chống hạn
Thực thụ một nhà nông

Bàn chân trần Hồ Chí Minh
Khi cần bước cao đàng hoàng đĩnh đạc
Trên chính trường

Có những bàn chân trần
Đặt nghiêng lịch sử.

THAI SẮC

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nguyên thủ quốc gia để lại nhiều ấn tượng đặc biệt cho nhân loại. Ấn tượng ấy không chỉ từ sự nghiệp cách mạng cao cả của Người, từ những dấn thân để cứu lấy một dân tộc lầm than trước chế độ cường quyền thực dân, đế quốc mà còn là sự bình dị, thanh cao tỏa ra từ tâm hồn và nhân cách vĩ đại. Vẻ đẹp độc đáo ấy trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.

"Bàn chân trần Hồ Chí Minh" của nhà thơ Thai Sắc là một thi phẩm được người đọc yêu thích bởi cấu tứ độc đáo, ngôn ngữ chắt lọc, hàm súc, từ đó dựng lên chân dung Hồ Chủ tịch giản dị, gần gũi mà vĩ đại xoay quanh hình tượng bàn chân trần với những góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau.

Mở đầu tác phẩm, nhà thơ Thai Sắc đã làm phép so sánh để người đọc nhận diện vẻ đẹp độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với nguyên thủ quốc gia ở các nước khác. Lẽ thường, mấy ai nhìn thấy được bàn chân trần của những vị đứng đầu đất nước, bởi lẽ mọi sinh hoạt đời thường đều ẩn khuất phía sau, chỉ khi họ xuất hiện ở chính trường ta mới quan sát được. Nhưng với Hồ Chí Minh - Chủ tịch của nước Việt Nam lại khác và dường như là duy nhất không giống với bất kỳ nguyên thủ nào trên thế giới. Không giày vớ bóng loáng, thích mang dép lốp và thậm chí là “thèm buông dép lốp” để lộ bàn chân trần. Hơn thế nữa, với tấm lòng thương dân tha thiết, bàn chân trần ấy đã từng “sục vào bùn đất quê hương” khi đến với người nông dân hai sương một nắng: "Đâu dễ gì thấy được bàn chân trần/Những nguyên thủ quốc gia/Có thể cả những người gần gũi nhất/Hồ Chí Minh thì khác/Bàn chân thèm buông dép lốp/Xắn quần sục vào bùn đất quê hương".

Nếu bàn chân trần của Hồ Chí Minh trong cuộc đời thường gắn liền với dép lốp, bùn đất quê hương như một nhu cầu thiết yếu, tự nhiên thì vẫn bàn chân trần ấy lại được Thai Sắc khắc họa trong khói lửa chiến tranh mới hào hùng và đẹp đẽ biết bao. Cũng như hàng vạn người lính bình thường khác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã có những tháng ngày băng ngàn lội suối, vượt mọi gian lao trong chiến khu để cứu dân, đất nước. Bàn chân trần của Bác vượt lên khó khăn, nghịch cảnh, ngang dọc chiến trường như một người lính thực thụ. Vẫn bàn chân trần ấy, nhưng ở góc nhìn này, Hồ Chí Minh hiện lên với tư thế và phong thái thật mạnh mẽ. Hai động từ “đạp” và “băng” đã dựng lên một chân dung lẫm liệt, một khí thế quật cường, một xả thân vì nghĩa lớn: "Bàn chân trần Hồ Chí Minh/Đạp gai sâu những ngày tháng chiến khu/Người lính già vẫn băng ra trận".

Sau kháng chiến gian khổ, về lại cuộc sống đời thường, nhà thơ Thai Sắc lại làm người đọc chú ý khi khắc họa bàn chân trần Hồ Chí Minh ở góc nhìn là một lão nông thực thụ. Bác sinh ra và lớn lên giữa một làng quê nghèo, gia đình gắn với ruộng đồng mùa vụ, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với người nông dân, Hồ Chí Minh cũng biết đạp nước, biết hòa cùng nhân dân chống hạn trên đồng. Trên thế giới, có nguyên thủ quốc gia nào có thể am tường công việc đồng áng của nhà nông đến vậy? Bởi thế, Hồ Chí Minh được xem là một con người kỳ lạ, đặc biệt, rất gần gũi và dễ làm rung động trái tim của người đối diện. Đạp nước, chống hạn, đâu đơn thuần chỉ là kỹ năng thành thục mà còn là tấm lòng, tình cảm thương dân, hướng đến nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn. Nhà thơ miêu tả bàn chân trần Hồ Chí Minh nhưng người đọc lại thấy được tấm lòng, cảm được trái tim giàu tình yêu thương lớn lao của Bác: "Bàn chân trần Hồ Chí Minh/Đạp nước lên đồng chống hạn/Thực thụ một nhà nông".

Khép lại thi phẩm "Bàn chân trần Hồ Chí Minh", nhà thơ Thai Sắc làm người đọc một thoáng giật mình, sững sờ khi đưa bàn chân Hồ Chí Minh đĩnh đạc bước cao trên chính trường trong sự tương quan ngang hàng với các nguyên thủ khác. Sững sờ vì vẫn bàn chân trần ấy mới đây “sục vào bùn đất quê hương”, “đạp gai sâu những ngày tháng chiến khu”, “đạp nước lên đồng chống hạn”, giờ lại uy nghi đàng hoàng trên vũ đài chính trị. Chính sự sắp xếp, cài đặt mang cấu trúc thi tứ ấy mà bàn chân trần Hồ Chí Minh tỏa sáng những vẻ đẹp bất ngờ, thú vị. Bàn chân trần rất nông dân, rất chiến sĩ kia giờ đây có thể tiến vào hội nghị để luận bàn, thuyết phục, thương lượng những vấn đề trọng đại của quốc gia, dân tộc cùng bao nguyên thủ quốc gia khác trên toàn thế giới: "Bàn chân trần Hồ Chí Minh/Khi cần bước cao đàng hoàng đĩnh đạc/Trên chính trường".

Đặc biệt, có đặt hình tượng bàn chân trần Hồ Chí Minh trên chính trường vào những ngày đất nước chiến tranh, khi dân tộc ta phải đương đầu với các cường quốc lớn trên thế giới mới hiểu sâu sắc vai trò vượt bậc của Người. Chính Hồ Chí Minh với tầm tư tưởng của một con người vĩ đại mới có thể “đặt nghiêng lịch sử”, bắt lịch sử phải tuân theo ý chí và nguyện vọng làm người của nhân dân Việt Nam khát khao độc lập. Vì lẽ đó, bàn chân trần “đặt nghiêng lịch sử” chính là một thi tứ độc đáo, lóe sáng ở cuối bài thơ, khắc họa được cuộc đời cống hiến lớn lao của Bác Hồ: "Có những bàn chân trần/Đặt nghiêng lịch sử".

Thi phẩm "Bàn chân trần Hồ Chí Minh" đã khắc họa đậm nét chân dung Hồ Chí Minh với tư cách là một nguyên thủ quốc gia độc đáo và hiếm có trên thế giới. Sự thành công của bài thơ trước hết là nghệ thuật sắp xếp hệ thống động từ phù hợp để làm nổi bậc tứ thơ, mở ra cho người đọc cảm nhận về một lãnh tụ Hồ Chí Minh ở nhiều phương diện độc đáo, khác thường, giản dị, gần gũi mà không phải nguyên thủ quốc gia nào cũng hội tụ được.

LÊ THÀNH VĂN