Chủ động ứng phó thiên tai
Môi trường - Ngày đăng : 09:27, 23/05/2023
Kho vật tư tại Cụm chống lụt Ba Hàng (Chi cục Thủy lợi tỉnh) luôn sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó thiên tai. Ảnh: Trần Hiền
Khó lường
Thời gian qua, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên phạm vi cả nước. Tại Hải Dương, năm 2022 xuất hiện một số loại hình thiên tai như giông lốc, mưa lớn, lũ, bão, sét làm 2 người chết, gây thiệt hại hơn 130 tỷ đồng. Thiên tai gây ra 3 sự cố đê điều phải xử lý khẩn cấp và 4 sự cố công trình nội đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là những ngày cuối tháng 4 và trong tháng 5 này, nắng nóng gay gắt đến sớm, ngắt quãng bởi những đợt không khí lạnh, gây mưa dông, nhiệt độ thay đổi thất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân. Nắng nóng đầu mùa cũng gây ra một số vụ chập điện, hỏa hoạn. Như vụ cháy đường dây điện trên đường Thống Nhất (TP Hải Dương) ngày 6.5. Đây là đường dây hạ thế cấp điện cho khu vực Bình Lâu A. Nguyên nhân được xác định do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến phát nhiệt tại điểm tiếp xúc từ đường dây nối công tơ. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2023, nền nhiệt các khu vực trong tỉnh có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 5 đến tháng 8, nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Dự báo thiên tai diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới, nhất là hiện tượng dông, lốc, sét nguy hiểm. Nhiều đợt mưa lớn cục bộ sẽ gây ngập lụt ở khu vực đô thị và hoa màu, cây trồng ở các vùng trũng thấp.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự báo năm 2023 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, 5-6 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền, các tháng đầu mùa bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc.
Xử lý các sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu
Để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm nay, tỉnh Hải Dương đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo ngay sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày 20.4 vừa qua, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các cấp, ngành không chủ quan, lơ là trước những tình huống thiên tai. Các cơ quan, đơn vị phải chủ động bám sát diễn biến, tình hình thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời.
Tính đến đầu tháng 5, 12 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập xong các lực lượng phòng chống thiên tai gồm 318 đội tuần tra canh gác đê với tổng số 4.014 người; 235 đội xung kích phòng chống thiên tai với 29.649 người; 44 đội cắm cừ, đào mò có 1.025 người; 18 đội giao thông hoả tốc có 185 người. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bố trí lực lượng xung kích ứng cứu gồm 43.625 người và 655 phương tiện. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều, thuỷ lợi, các khu vực xung yếu để xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm.
Là địa phương có nhiều khu vực thường xuyên bị ngập úng mỗi khi mưa lớn như các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Nguyễn Thị Duệ, Cô Đông, TP Hải Dương chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước. Địa phương cũng đang gấp rút thi công các hạng mục trong Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực có tổng vốn đầu tư hơn 1.774 tỷ đồng, trong đó triển khai cải tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Thanh Bình. Cải thiện hệ thống thoát nước mưa chống ngập úng bằng việc kè kênh T1 và xây trạm bơm Lộ Cương mới, cải tạo hệ thống thoát nước mưa phía bắc đường sắt Hà Nội-Hải Phòng… Toàn bộ dự án sẽ phải hoàn thành vào giữa năm 2025. Đến nay, một số hạng mục của dự án sắp hoàn thành. Trong đó, gói thầu số 1 hoàn thiện hạ tầng các đường Nguyễn Lương Bằng, Thanh Bình sẽ hoàn thành trong tháng 5 này, sớm hơn dự kiến khoảng 2 tháng. Điều này sẽ góp phần làm giảm tình trạng ngập úng tại các khu vực trũng thấp của phường Thanh Bình mỗi khi có mưa lớn.
Tại thị xã Kinh Môn, năm 2022, có nhiều điểm sạt lở và vị trí kè, bờ lở xung yếu trên các tuyến đê hữu Kinh Thầy, tả Kinh Môn, hữu Đá Vách, tả Hàn Mấu. Trước tình hình này, thị xã có kế hoạch tu bổ hàng nghìn mét đê, kè, cống, điếm thuộc địa bàn các xã, phường: Lạc Long, Minh Hòa, Hiệp An, Hoành Sơn, Phạm Thái, An Phụ, Phú Thứ, Minh Tân, Tân Dân... trong giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 137 tỷ đồng.
Các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan chuyên môn đang tiếp tục rà soát các trọng điểm phòng chống thiên tai, đề xuất phương án xử lý, ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuỷ lợi, đê điều làm ảnh hưởng tới năng lực, chất lượng công trình. Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công phụ trách để nắm bắt và đề xuất phương án xử lý các sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu.
VĂN NGHIỆP