Nếp cũ Việt Nam qua những trang sách
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:38, 12/05/2023
Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bốn cuốn gồm Con người Việt Nam, Tín ngưỡng Việt Nam, Làng xóm Việt Nam, Hội hè đình đám của Toan Ánh. Bộ sách giúp độc giả biết lai lịch và sự tiến hóa của tổ tiên trên con đường dựng nước và giữ nước, khởi nguồn từ cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xóm đến huyện, tỉnh, quốc gia.
Với Nếp cũ - Con người Việt Nam, tác giả tìm hiểu các mối tương quan gia đình, tín ngưỡng, giao tế xã hội cùng tập quán, khảo xét sự thay đổi theo thời gian của những phong tục. Từ đó, con người Việt hiện lên với bản sắc riêng. Sách giới thiệu về cơ cấu gia đình người Việt, chuyện hôn nhân, sinh con, nhà cửa, thi cử...
"Nếu gia đình là một bụi cây nhỏ, gia tộc là cả một khóm rừng, khóm rừng che chở cho bụi cây, nhưng bụi cây dù nhỏ cũng góp phần vào để làm cho khóm rừng thêm rậm rạp. Muốn biết khóm rừng phải đi từ bụi cây, muốn hiểu xã hội phải đi từ gia đình. Chính vì lẽ đó, muốn hiểu phong tục Việt Nam, phải bắt đầu từ phong tục gia đình", tác giả viết.
Với tác phẩm Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam, tác giả sưu tầm và viết về tôn giáo, những nghi thức thờ phụng của các tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh tôn giáo, dân ta còn thờ kính tổ tiên, các anh hùng dân tộc.
Nếp cũ - Làng xóm Việt Nam cung cấp hiểu biết về tổ chức làng xóm xưa, từ cổng làng, đường làng, cây đa, lũy tre, cánh đồng, chợ. Dù những hình ảnh đó đã dần mất đi, tác phẩm lưu giữ các giá trị tạo nên tâm thức, con người Việt Nam. Sự khác biệt trong sinh hoạt cá nhân của bốn hạng người gồm sĩ, nông, công, thương được lột tả rõ. Dù có nhiều khác biệt, họ đều là con người hăng say trong lao động, chăm chỉ làm lụng vì sinh kế.
Tế tự cũng là một trong những vấn đề nổi bật tại các làng xã Việt Nam. Tác giả miêu tả chi tiết từ đối tượng thờ cúng, khảo tả những ngôi đình, đền, miếu mạo. Sách dẫn chứng nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, bài vè xưa khi miêu tả về cuộc sống làng xã Việt Nam.
Nhà thơ Phùng Tất Đắc nói bộ sách của Toan Ánh là công trình cần phải có để ghi lại những gì đã mất và sắp mất, giúp con người nhận chân và gìn giữ giá trị cũ, hiểu được gốc rễ của cuộc sống ngày nay, cho thấy hướng đi nhằm xây dựng tương lai phù hợp với bản chất dân tộc.
Nhà văn Toan Ánh (1915-2009) sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tên thật là Nguyễn Văn Toán, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao ở mỗi nơi đi qua và ghi chép cẩn thận. Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1935, truyện ngắn đầu tay Chiếc nhẫn quý được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy. Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam và để lại khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật.
Theo VnExpress