Thông dòng tín dụng
Kinh tế - Ngày đăng : 12:10, 29/04/2023
Khó khăn, vướng mắc được trao đổi giữa ngân hàng và doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động đối thoại. Trong ảnh: Nhân viên Vietcombank Hải Dương trao đổi về lãi suất với khách hàng
“Hạ nhiệt” lãi suất
Đầu tháng 4, theo khảo sát của phóng viên Báo Hải Dương, chi nhánh trên địa bàn Hải Dương của nhiều ngân hàng như nhóm Big 4 (gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV), Sacombank, SCB, Bắc Á, VPBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn dưới 6 tháng đã được điều chỉnh giảm đồng loạt ở mức 5,5%/năm, kể cả gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy hoặc gửi online. Lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,5%/năm. Các mức lãi suất này giảm 0,5%/năm so với trước.
Đối với các kỳ hạn còn lại, dù nhóm Big 4 niêm yết mức lãi suất huy động thấp hơn nhóm các ngân hàng thương mại không có vốn Nhà nước, song nhìn chung, mặt bằng lãi suất đầu vào tại các ngân hàng đã giảm từ 1,5-2%/năm so với ít tháng trước đó.
Động thái giảm lãi suất huy động trên diện rộng diễn ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều quyết định liên quan đến giảm lãi suất điều hành. Theo nhiều chuyên gia tài chính-ngân hàng, 2 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chỉ trong chưa đầy 3 tuần lễ là bước đi cụ thể nhằm ổn định mặt bằng lãi suất chung.
Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BIDV Bắc Hải Dương chia sẻ: “Điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang chuyển sang trạng thái được nới lỏng, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn. Cũng từ điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng có cơ sở để giảm lãi suất huy động, tính toán giảm lãi suất cho vay thời gian tới”.
Trên thực tế, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng thời gian qua đã được điều chỉnh giảm đối với nhiều khoản vay mới. Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức từ 7,5-10%/năm đối với các khoản ngắn hạn, từ 9-12%/năm đối với các khoản trung, dài hạn. Giảm từ 1-1,5%/năm so với cuối năm 2022.
Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng trong tỉnh, lãi suất huy động và cho vay có chiều hướng giảm từ đầu quý II sẽ củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng. Từ đó tạo điều kiện khơi thông dòng vốn.
Doanh nghiệp cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp thực tế để sẵn sàng đón dòng vốn tín dụng ngân hàng. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD Green phân ca trực chăm sóc vườn rau, nâng cao chất lượng sản phẩm
Giải bài toán “bơm” vốn
Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hết quý I, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh hơn 123.200 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối năm 2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, kết thúc quý I.2022, tăng trưởng tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2021, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng tín dụng quý I thấp hơn nhiều lần so với năm trước cảnh báo khả năng hấp thụ chậm và yếu của nền kinh tế.
Bà Trịnh Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty CP Bao bì Xuân Cầu ở xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, lượng đơn hàng đầu ra của doanh nghiệp bị giảm khoảng 35% so với trước. “Doanh nghiệp đối tác gặp khó khăn nên lượng hàng tiêu thụ giảm. Từ đó kéo giảm nhu cầu tiêu thụ bao bì, ảnh hưởng đến những công ty trong lĩnh vực này như chúng tôi”, bà Lan nói. Cũng vì thế, doanh nghiệp này chỉ còn khoản vay lưu động gần 5 tỷ đồng, tất cả các khoản vay ngân hàng khác được cắt giảm để tiết kiệm chi phí cho hoạt động sản xuất.
Thủ tục, hồ sơ xét duyệt vay vốn cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng. Theo ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD Green ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc), dù doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên vay vốn nhưng đặc thù là lĩnh vực nông nghiệp nên một số giấy tờ chưa đáp ứng điều kiện của ngân hàng, đơn cử như việc ngân hàng không chấp nhận bảng kê hàng hóa xuất, nhập. “Ngoài ra, dù chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, công cụ dụng cụ gần 10 tỷ đồng nhưng những trang thiết bị này không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản bảo đảm. Vì thế khoản vay của chúng tôi tương đối hạn hẹp”, ông Thịnh nói.
Thực tế, nhu cầu tín dụng thấp cũng tạo áp lực lên chính các ngân hàng. “Bên cạnh những giải pháp để giảm lãi suất cho vay, chúng tôi cũng tích cực triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp vì nhiều khó khăn nên nhu cầu vay vốn không cao, dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn chung. Không thể giải ngân thì chính chúng tôi cũng gặp khó”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Hải Dương chia sẻ.
Thủ tục vay vốn, lãi suất, đầu ra của doanh nghiệp là những yếu tố then chốt, liên quan chặt chẽ đến nhau. Tắc nghẽn một khâu sẽ làm cả dòng tín dụng tắc theo. “Ngoài các nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, Vietcombank Hải Dương cố gắng nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc để kịp thời hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Vietcombank Hải Dương cho biết. Đối thoại ngân hàng-doanh nghiệp nhằm kết nối dòng vốn cũng là giải pháp được toàn ngành ngân hàng Hải Dương thực hiện thời gian qua.
Trong bối cảnh khó khăn chung, bản thân doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp thực tế. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng thẩm định khi cho vay vốn.
HÀ KIÊN