Giao tranh vẫn ác liệt dù lệnh ngừng bắn được gia hạn ở Sudan
Tin tức - Ngày đăng : 13:48, 29/04/2023
Lỗ thủng trên thân máy bay vận tải quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là do bị bắn khi đang hạ cánh xuống sân bay Wadi Seidna, gần thủ đô Khartoum ngày 28.4 (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khói đen bao trùm thủ đô Khartoum đang chìm trong những trận giao tranh mới. Liên hợp quốc cũng báo cáo về những cuộc giao tranh khốc liệt ở vùng Darfur khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một trong những máy bay vận tải quân sự của nước này đã bị bắn, cảnh báo những rủi ro khi các chính phủ nước ngoài nỗ lực hoàn tất việc sơ tán công dân.
Giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và RSF đã bắt đầu từ giữa tháng 4. Ngày 27.4, hai bên đối địch đã nhất trí kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 3 ngày sau cuộc hòa giải do Mỹ, Saudi Arabia, Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm bảo đảm một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hơn.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra các cuộc không kích và hỏa lực phòng không gần sở chỉ huy quân đội ở Khartoum, nơi nhiều cư dân chỉ dám cố thủ trong nhà trong tình cảnh thiếu thốn lương thực.
Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và gần 4.200 người bị thương trong cuộc giao tranh này và con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Hiệp hội Các bác sỹ Sudan đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế "đang cận kề" với hơn 12.000 bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì không thể chạy thận nhân tạo thường xuyên.
Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết chỉ 16% cơ sở y tế ở Khartoum vẫn hoạt động bình thường, khiến hàng triệu người không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Giao tranh cũng đã lan rộng khắp Sudan, đặc biệt là ở khu vực Darfur vốn bất ổn từ lâu, nơi các nhân chứng cho biết xung đột và vấn nạn cướp bóc bùng phát mạnh.
Hiệp hội Luật sư Dafur cho biết giao tranh đã lan rộng "gần như khắp thành phố", đồng thời kêu gọi các lực lượng đối địch "ngay lập tức chấm dứt xung đột."
Nhiều người nước ngoài vẫn bị mắc kẹt ở Sudan trong khi các nỗ lực sơ tán công dân đang được đẩy nhanh. Ngày 28.4, Bộ trưởng An ninh quốc gia Nam Phi Khumbudzo Ntshavheni cho biết hiện còn 5 công dân nước này bị mắc kẹt tại Sudan do không liên lạc với đại sứ quán trong quá trình sơ tán.
Hiện Chính phủ Nam Phi đang nỗ lực để đưa những người này trở về nhà.
Trước đó, Bộ Quan hệ và Hợp tác quốc tế đã hợp tác chặt chẽ với Lực lượng không quân Nam Phi để đưa 77 công dân nước này bị mắc kẹt ở Sudan về nước sau khi xung đột nổ ra.
Trong quá trình này, Nam Phi cũng đã cố gắng hỗ trợ các công dân Zimbabwe, Angola, Lesotho, Namibia và Brazil tại Sudan.
Cùng ngày, Vương quốc Anh thông báo sẽ kết thúc các chuyến bay sơ tán công dân khỏi Sudan trong ngày 29.4. Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden cho biết các chuyến bay sơ tán cất cánh từ sân bay Wadi Saeedna gần thủ đô Khartoum sẽ kết thúc vào lúc 17 giờ chiều 29.4 (theo giờ quốc tế).
Trước đó, Anh đã đưa được hơn 1.573 người, phần lớn là công dân Anh và thân nhân của họ, rời khỏi Sudan kể từ khi triển khai các chuyến bay sơ tán hôm 25.4.
Theo TTXVN