Tứ Kỳ tập trung phát triển công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 14:50, 20/01/2010
Huyện Tứ Kỳ hiện có hơn 100 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Lớn nhất là 2 cụm công nghiệp Kỳ Sơn và Nguyên Giáp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài huyện với thu nhập ổn định từ 1-2 triệu đồng/tháng.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đồng Tâm (Kỳ Sơn, Tứ Kỳ) có thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng |
Công ty TNHH Sees Vina có trụ sở tại xã Minh Đức cũng giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu là lao động của các xã Văn Tố, An Thanh, Cộng Lạc, Tiên Động, Minh Đức, Phượng Kỳ…
5 năm trở lại đây, khi các dự án phát triển công nghiệp được hình thành và phát triển tại Tứ Kỳ, hàng nghìn lao động địa phương trước đây không có việc làm ổn định, thường xuyên phải đi tìm việc tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội…; nhiều người phải làm thuê, làm mướn tại các tỉnh phía Nam nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống không bảo đảm, thì nay đã quay về làm việc ngay tại địa phương.
Song song với phát triển công nghiệp, Tứ Kỳ cũng chú trọng phát triển tiểu, thủ công nghiệp (TTCN). Một số nghề TTCN là thế mạnh được duy trì và phát triển. Toàn huyện có 7 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận là làng: dệt chiếu cói Thanh Kỳ (xã An Thanh); các làng thêu ren Xuân Nẻo, Ô Mễ, Lạc Dục (xã Hưng Đạo); làng thêu ren Nhũ Tỉnh (xã Quang Khải); làng mây tre đan An Nhân (thị trấn Tứ Kỳ), làng thêu ren Nghi Khê (xã Tân Kỳ)... Các làng nghề đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 6.000 lao động. Ngoài ba làng nghề thêu truyền thống mang lại doanh thu lớn, xã Hưng Đạo còn có 1 xưởng sản xuất gạch bê-tông; 1 xưởng sản xuất gạch blốc; 4 cơ sở làm hương và 125 cơ sở gò hàn, cơ khí, mộc, làm bún, đậu, xay xát gạo... mang lại doanh thu mỗi năm hơn 20 tỷ đồng.
Nhiều người dân ở các thôn Mỹ Xá và Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn có cuộc sống khá giả nhờ nghề làm bún và đóng gạch không nung. Gia đình anh Phạm Văn Tuyến, ở thôn Ngọc Lặc có truyền thống làm bún đã 3 đời nay. Với hệ thống máy móc liên hoàn, trung bình mỗi ngày gia đình anh làm 3-5 tạ gạo, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Dọc quốc lộ 391, qua xã Ngọc Sơn, hiện có hơn 150 hộ dân sản xuất gạch không nung. Người dân Ngọc Sơn có ít diện tích đất canh tác (trung bình 1,3 sào/ người) vì vậy với mức thu nhập 1-1,2 triệu đồng/người/tháng từ nghề đóng gạch không nung đã thu hút nhiều lao động tại địa phương.
Làng nghề dệt chiếu cói Thanh Kỳ giải quyết việc làm thường xuyên và việc làm có tính thời vụ cho gần 1.300 hộ nông dân. Sở dĩ nghề dệt chiếu thu hút đông đảo lao động tham gia vì chủ động được nguyên liệu đầu vào và sản phẩm dễ tiêu thụ. Giá trị ngày công cũng cao, trung bình 50-60 nghìn đồng/ngày, doanh thu từ làng nghề mỗi năm từ 5 đến 7 tỷ đồng.
Ông Dương Hà Hải, Trưởng Phòng Công thương huyện Tứ Kỳ cho biết: Trước đây, Tứ Kỳ là một vùng kinh tế thuần nông, giao thông khó khăn. Từ năm 2006, đường 391 được nâng cấp, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thu hút nhiều đối tác trong nước và quốc tế đến đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng cơ sở sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp của huyện phát triển. Để thu hút các nhà đầu tư, huyện luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; không phân biệt giữa các thành phần kinh tế; giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng… Tứ Kỳ còn có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ , lao động qua đào tạo ngày càng nhiều... Đó là những thế mạnh khiến các nhà đầu tư tìm đến. Thời gian qua, huyện cũng triển khai nhiều hoạt động để phát triển TTCN, như điều tra, khảo sát, đề xuất với Sở Công thương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề; đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển công nghiệp - TTCN và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2006-2010; Khuyến khích, hỗ trợ làng nghề phát triển; đề nghị tỉnh công nhận các làng nghề có đủ điều kiện... Nhờ vậy, dù khó khăn, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN năm 2009 của huyện vẫn đạt khoảng 379 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2008.
PHẠM THU