Sự nghiệp thơ ca gắn bó suốt đời với người lính
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 15:25, 21/01/2010
Cố nhà thơ Chính Hữu |
Với Đại tá Ngô Vĩnh Bình, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, việc nhà thơ Chính Hữu ra đi là một mất mát tình cảm. Bởi anh đã nhiều năm công tác dưới quyền của Đại tá Chính Hữu - khi đó là Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhớ lại những ngày ấy, nhà văn Ngô Vĩnh Bình xúc động: Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Chính Hữu là một nhà thơ không nhiều tác phẩm, nhưng dấu ấn của ông để lại với bạn đọc lại hết sức sâu đậm bởi những cảm xúc dồn nén, lắng đọng, ngôn ngữ chắt lọc, hình ảnh hàm súc. Nổi tiếng sớm, nhưng Chính Hữu luôn là người nghiêm cẩn trên cánh đồng chữ nghĩa. Sau 18 năm kể từ khi "Đồng chí" ra mắt bạn đọc, tập thơ đầu tay "Đầu súng trăng treo" của ông mới được xuất bản và sau đó là "Thơ Chính Hữu" và "Tuyển tập Chính Hữu", tổng cộng chỉ chừng dăm chục bài thơ. Thế nhưng, ngoài bài "Đồng chí" đã được giảng dạy trong nhà trường, được phổ nhạc và nổi tiếng từ lâu bởi nội dung sâu sắc, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ, những câu thơ bất hủ của "Ngày về", "Đi bộ", "Nụ cười" v.v… của ông vẫn mãi được bạn yêu thơ trân trọng. Có lẽ, những gì ông có được bắt nguồn từ quan điểm sáng tác mà sinh thời, có lần ông tâm sự: "Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói ít nhưng gợi nhiều những tưởng tượng, lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang. Tôi không thấy cần thiết phải làm nhiều, làm nhanh để rồi làm ẩu". Nhà thơ cũng tâm sự:"Tôi tự xác định nên là, và chỉ có thể là một người làm thơ nghiệp dư, tài tử, để có thể tự do. Để tự do viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết. Và tự do hủy bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý". Cẩn trọng trong sáng tác, nhưng nhà thơ Chính Hữu cũng là người cởi mở và dễ tính trong cuộc sống đời thường. Làm tuyên huấn nhưng ông ít nói, lại càng "lười" nói dài. Có lần, bài thơ của nhà thơ Anh Ngọc nói về một người lính Nga trước khi ra trận đã gặp một cô gái và anh tâm sự với mẹ về việc sẽ có con, đã không được duyệt (khi ấy, Phòng Văn nghệ của Cục Tuyên huấn duyệt bài của Tạp chí). Là thư ký của Tổng Biên tập, nhà văn Ngô Vĩnh Bình mạnh dạn đến xin ý kiến nhà thơ Chính Hữu. Khi được ông tin tưởng giao làm "Tuyển tập Chính Hữu", nhà văn Ngô Vĩnh Bình càng hiểu thêm con người nhà thơ. Là người cẩn trọng đến mức có những bài thơ đã làm được vài chục năm, ông vẫn còn sửa chữa. Có lẽ, lần "thỏa hiệp" duy nhất của ông khi làm tuyển tập là lúc ông định sửa tên bài thơ "Đồng chí" thành "Đầu súng trăng treo". Sau những tranh luận, ông mới đồng ý với nhà văn Ngô Vĩnh Bình về việc giữ nguyên tên cũ. Còn những bài khác, ông kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Thậm chí, nhiều đêm đã khuya, ông còn lên tận phòng nhà văn Ngô Vĩnh Bình để sửa một câu hoặc chỉ một từ. Dù Ngô Vĩnh Bình thuyết phục thế nào, ông cũng không chịu đưa bài "Ngày về" vào tuyển tập, mà chỉ đồng ý cho trích, vì cho rằng, giọng điệu "đao to búa lớn" của bài đó không hợp với tạng điềm đạm, quê kiểng của ông. Nhưng thật may sau đó, nhà văn Ngô Vĩnh Bình đã "bí mật" đăng bài thơ đó trên Báo Văn nghệ, bạn đọc mới được biết đến những câu thơ ám ảnh: "Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm/Bụi trường chinh phai lạt áo hào hoa". Nhớ về ông, Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương cũng bồi hồi ký ức đẹp: "Chính Hữu là một nhà thơ tài năng, có cảm hứng sáng tác độc đáo mà sâu sắc, chặt chẽ, cẩn thận trong từng con chữ, từng ý, từng vần. Gắn bó gần hết cuộc đời với Quân đội, toàn bộ sự nghiệp thơ của ông cũng chỉ viết về người lính và chiến tranh, với tư tưởng nhất quán và tình cảm cách mạng sáng trong, nồng hậu. Phông văn hóa rộng, sự lịch lãm và hào hoa của nhà thơ cùng tài năng và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của ông đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc và tình cảm sâu nặng, ký ức đẹp đẽ với bạn bè văn chương".
(Theo Văn nghệ Công an)