Hương rượu làng nghề Văn Giang những ngày cuối năm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:30, 13/02/2010
Nhờ phát triển tốt nghề truyền thống nấu rượu, đời sống người dân Văn Giang (Ninh Giang) ngày một nâng cao. Nhiều người dân có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ nghề này.
Theo nhân dân địa phương, nghề nấu rượu đã xuất hiện hơn 200 năm trước. Làng nghề này chưa nổi tiếng như làng Phú Lộc (Cẩm Giàng), song cũng quá quen thuộc với nhân dân các vùng lân cận. Bằng công nghệ thủ công truyền thống với nguyên liệu là gạo nếp quê cộng với nguồn nước tự nhiên và loại men tự tạo, qua quá trình ngâm ủ, chưng cất, người dân Văn Giang đã tạo ra một loại rượu ngon, mang đặc trưng của vùng quê này. Có thời kỳ, nghề nấu rượu bị mai một, từ khi mở cửa đổi mới, đặc biệt là sau khi UBND tỉnh công nhận làng nghề nấu rượu Văn Giang năm 2007, thì rượu Văn Giang ngày càng vươn xa.
Để duy trì và phát huy truyền thống của làng nghề, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Xuân Quyền cho biết: Hàng năm, xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để có nguồn nguyên liệu nấu rượu, xã quy hoạch diện tích gieo cấy lúa nếp từ 30-35% tổng diện tích; tạo điều kiện cho các gia đình vay vốn phát triển nghề. Bên cạnh đó, những người làm nghề nấu rượu rất quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn sản phẩm, quảng bá giới thiệu thương hiệu. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nghề nấu rượu ngày càng phát triển. Ước tính mỗi năm, Văn Giang cung cấp cho thị trường khoảng 300 nghìn lít rượu, mang lại thu nhập cho người dân trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động tại chỗ. Nghề nấu rượu phát triển kéo theo nhiều ngành nghề phụ khác cùng phát triển như xay xát thóc gạo, chăn nuôi.
Cả xã hiện có hơn 250 hộ làm nghề nấu rượu, chiếm 30% tổng số gia đình trong xã. Nhiều hộ kết hợp nấu rượu với chăn nuôi, cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, điển hình như các gia đình: Nguyễn Văn My, Nguyễn Văn Kiều ở thôn 1; Nguyễn Văn Trăng, Đỗ Văn Bạo, Dương Bá Đông ở thôn 2; ông Vũ Xuân Quyền, Nguyễn Hữu Đính, Trần Văn Tiệp ở thôn 3...
Bên bếp than hồng những ngày áp Tết, anh Dương Bá Đông ở xóm 3 thôn 2 nhanh tay dỡ mẻ cơm rượu tản ra nia, mùi thơm lan toả khắp nhà. Ở Văn Giang, anh là người nấu rượu ngon có tiếng. Anh Đông cho biết, một nồi rượu ngon phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Men rượu, gạo nếp ngon, nguồn nước, kể cả nhiệt độ lò than hợp lý... mới làm nên hương vị rượu nếp quê nhà. Vào những ngày áp Tết, lò than của gia đình anh lúc nào cũng đỏ lửa để có đủ rượu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bình quân mỗi ngày gia đình anh tiêu thụ khoảng 30 lít rượu, những ngày cuối năm số lượng tăng gấp đôi, gấp ba. Ngoài ra, tận dụng các phụ phẩm từ nấu rượu như bã rượu, nước gạo, gia đình anh Đông phát triển chăn nuôi lợn. Mỗi năm anh nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 50-70 con, trừ tất cả chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh Trần Sĩ Năng ở thôn 2 không trực tiếp nấu rượu mà lại đứng ra thu mua ở các lò nấu có tiếng đem về chưng cất lại và đóng chai với thương hiệu "Rượu Phú Quý Văn Giang", mỗi ngày 500lít rượu tới các tỉnh.
Những ngày cuối năm không khí làng nghề nấu rượu Văn Giang càng hối hả, tất bật, người nấu rượu bận rộn để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ người dân vui Tết đón xuân.
MINH PHƯƠNG