Mẹ tôi
Các em viết - Ngày đăng : 07:21, 27/02/2010
Tự nhiên trong lòng tôi nhớ về người mẹ tôi ở làng quê xa, người mẹ đã lo cho tôi được học hành để tôi có ngày hôm nay.
Thời gian trôi đi, từ cô bé đen đủi xấu xí với đôi mắt to, tóc lưa thưa, khuôn mặt vàng vọt, quần áo lấm lem cát bẩn ngày nào, giờ tôi đã trở thành cô gái trưởng thành. Những ký ức tuổi thơ dồn về trong tâm trí tôi là hình ảnh người mẹ tảo tần sớm hôm. Tôi đã làm mẹ tổn thương quá nhiều.
Khi tôi biết mình có mặt trên cuộc đời này cũng có nghĩa là tôi cảm nhận được cuộc sống xung quanh tôi với một làng quê lam lũ, với những người nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" và cuộc sống của gia đình tôi cũng không ngoại lệ - đói nghèo, khổ cực. Mẹ sinh ra 2 chị em tôi (tôi có 1 người chị sinh đôi) khi cuộc sống khó khăn vất vả, bố mẹ tôi ngoài làm việc đồng áng ra, còn đi làm thuê để nuôi chúng tôi lớn lên. Bố mẹ tôi đi đội than không kể ngày mưa, ngày nắng, không kể trời tối hay sáng, có những đêm mẹ tôi đi gánh gạch để có tiền sáng hôm sau mẹ đi chợ mua cho chị em tôi cái áo mới mà mẹ bảo khai giảng năm học chị em tôi sẽ mặc. Tôi hạnh phúc vì có chiếc áo trắng để khoe với bạn bè mà không nghĩ rằng đó là công sức, là mồ hôi, là những đêm không ngủ đi làm thuê của mẹ dành cho tôi.
Tôi còn nhớ, ngày tôi 8 tuổi, tôi leo lên bể ngồi không may rơi xuống, mẹ lấy thang leo xuống bế tôi lên, mẹ khóc, ôm tôi vào lòng mẹ bảo may mà con của mẹ không sao?... Còn tôi thì từ ngày đó rất sợ nước, sợ độ cao... Nhà tôi nghèo nhưng mẹ vẫn sinh thêm em bé nữa, em thứ 3 lại là con gái. Gánh nặng đè thêm lên trên đôi vai gầy gộc của mẹ. Một mình mẹ cấy 5 sào ruộng, tranh thủ mẹ đi đội than, gánh gạch thuê cùng với bố tôi để có thêm thu nhập. Mẹ đi làm về, mặt mũi đầy than, quần áo của mẹ đen bẩn vì bụi than để cho chúng tôi có cuộc sống như những đứa trẻ khác cùng làng.
Còn tôi, lớn lên với sự khinh thường của các bạn cùng lớp, chúng bạn thường gọi tôi là con nhà làm thuê, con nhà đội than, tôi xấu hổ vì bị gọi như vậy và tôi chán nản, chán học, chán cuộc sống xung quanh tôi. Tôi về trách mẹ: Sao mẹ không chuyển sang công việc khác làm, con chán cuộc sống nghèo khổ này lắm rồi...?
Mẹ tôi không nói, nước mắt cứ chảy xuống khuôn mặt sạm đen của mẹ. Mẹ đi nấu cơm trưa gọi tôi xuống ăn... Tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, mẹ bảo chúng tôi ra ngoài sân ngắm trăng (có rất ít khi mẹ tôi được nghỉ ngơi như tối hôm đó) và có gió mát, mẹ nói với tôi về ngày xưa mẹ ước mơ trở thành cô giáo, mẹ nói tuy công việc vất vả, khổ cực nhưng đó là những đồng tiền lương thiện, mồ hôi, nước mắt, công sức mẹ bỏ ra. Khổ cực như vậy mà vẫn không đủ ăn. Mẹ mong chúng tôi hãy cố gắng học giỏi để không vất vả như mẹ nữa. Tôi nhìn lên bầu trời đầy sao, những ngôi sao đó lấp lánh và tôi nghĩ tôi sẽ làm cho mẹ vui...
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong muốn, tôi chưa ý thức là tôi phải học như thế nào, học ra sao và làm thế nào để học giỏi được. Tôi vẫn cứ ra đồng cùng mẹ và ngày lại ngày tôi đến lớp và về nhà nhưng trong đầu tôi dường như không chứa bất kỳ kiến thức nào cả. Tôi đỗ cấp 3 với sự ngạc nhiên của bạn bè và ngay của chính bản thân tôi nữa vì tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ học cao hơn.
Một sự thay đổi lớn khi tôi học lớp 12. 12h trưa hôm đó bố mẹ tôi vẫn chưa đi đội than về, chị em tôi đợi bố mẹ về thì bác hàng xóm cũng cùng làm với bố mẹ về vào nhà tôi. Bác nói:
- "Các cháu cứ ăn cơm trước đi, mẹ cháu đang ở lại đó nghỉ một lúc vì hôm nay gió to, mẹ cháu đi trên thuyền bị cảm ngã xuống sông. Cố gắng học vào để không khổ như bác, như bố mẹ cháu".
Nước mắt tôi trào ra, tôi nhớ dáng mẹ mỗi khi bắt đầu đi làm với chiếc xe đạp cọc cạch và đằng sau là cái thúng để đội than, nhớ chiếc khăn đã sờn bạc, đen đúa và chiếc nón đã hỏng chóp mà mẹ không dám mua chiếc mới để dành tiền cho chúng tôi đi học. Tôi nhớ hình ảnh khi đi học về cùng các bạn trên đường, nhìn thấy bố mẹ đi đội than về tôi quay đi chỗ khác không chào bố mẹ tôi, tôi xấu hổ với bạn bè...
Nghĩ về những hình ảnh đó, tôi thật có lỗi với mẹ. Tôi lao vào học, để quên đi những thời gian tôi đã lãng phí, học để chạy đua với thời gian, học để thực hiện mong ước của mẹ ngày xưa đã nói với tôi, học để cho những giọt mồ hôi, nước mắt của mẹ không phí hoài.
Tôi và người chị sinh đôi cùng đỗ đại học. Cả nhà tôi ai cũng vui, còn mẹ tôi khóc, tôi biết mẹ hạnh phúc vì chúng tôi không phụ lòng của mẹ, nhưng lại một lần nữa, đôi vai của mẹ nặng thêm, đôi tay của mẹ không ngừng nghỉ để lo cho chúng tôi học đại học...
NGUYỄN THỊ THUẬN
(Đội 2, Hiệp An, Kinh Môn)