Khẩn trương đối phó với nắng nóng, khô hạn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:14, 01/03/2010

Hiện nay, việc lấy nước vào đồng ở tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn do lượng nước xả ít. Các địa phương cần tận dụng nước ở các kênh trục, sông ngòi và sử dụng nước tiết kiệm để có nước tưới dưỡng cho lúa.


Bón phân tập trung, cân đối để lúa đẻ nhánh nhanh, gọn. Trong ảnh: Nông dân xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) bón phân đạm cho lúa
Mấy ngày nay trời nắng nóng như giữa mùa hè. Nhiệt độ trung bình ngày cao nhất đạt mức 35oC. Số liệu quan trắc của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh cho thấy: Tổng tích nhiệt từ tháng 11-2009 đến hết tháng 1 năm nay đạt gần 1.785oC, cao hơn cùng kỳ năm trước 127oC, cao hơn trung bình nhiều năm 102oC; tổng lượng mưa đạt 124,6mm, ít hơn cùng kỳ năm trước 300,3mm. Theo dự báo, nền nhiệt độ của tháng 3 vẫn cao hơn trung bình nhiều năm và lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm.

Toàn tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước Tết Canh Dần; với 63.733ha lúa, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, trà xuân sớm chiếm khoảng 20% diện tích, còn lại là trà xuân muộn. Sau những ngày rét đậm trong Tết Canh Dần, thời tiết đã ấm lên, tạo thuận lợi cho nông dân chăm sóc lúa xuân. Hai vấn đề quan trọng nhất trong việc chăm sóc lúa hiện nay là biện pháp đối phó với nắng nóng và bảo đảm đủ nước tưới dưỡng cho lúa.

Để đối phó với vụ xuân hạn và ấm, ngay từ đầu vụ, tỉnh Hải Dương chủ trương giảm diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn; làm tốt thủy lợi đông xuân, tạo nguồn cấp nước thuận lợi; tranh thủ các con triều, tận dụng các đợt xả nước, tích trữ và sử dụng tiết kiệm nước tưới... Thời tiết nắng nóng kéo dài nên lúa có thể trỗ sớm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dự báo nếu không còn các đợt rét đậm thì lúa có thể trỗ vào tháng 4. Trong khi đó, thời gian lúa trỗ đúng lịch thời vụ là từ đầu đến giữa tháng 5. Lúa trỗ sớm khiến năng suất không cao. Để khắc phục tình trạng trên cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa.

Đối với diện tích lúa xuân sớm: Bón phân thúc sớm ngay khi lúa bén rễ, hồi xanh, bón tập trung để lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh sớm. Bón toàn bộ lượng phân đạm dùng cho cả vụ (không dành để bón đón đòng); bón bổ sung thêm 2-3kg phân lân/sào để tăng cường khả năng đẻ nhánh của lúa. Những chân đất chua nên bón vôi bột 10-15kg/sào (nếu chưa bón lót) và sục bùn để cho rễ lúa sinh trưởng thuận lợi. Đối với trà xuân muộn: Tiến hành bón phân thúc sớm ngay sau khi lúa bén rễ hồi xanh đối với diện tích mạ sân và mạ dày xúc. Đối với lúa gieo thẳng, chú ý bảo vệ chuột gây hại; khi lúa có 2-3 lá thật, cứng cây thì cho nước tưới láng, tránh để hạn, kết hợp bón phân. Phương châm bón phân là bón tập trung, cân đối, tăng cường sử dụng các loại phân vi lượng, hữu cơ và vi sinh. Cung cấp đủ nước tưới dưỡng cho lúa ở mức 3-5cm để lúa sinh trưởng, đẻ nhánh thuận lợi. Chủ động phòng, trừ các loại sâu, bệnh hại từ đầu vụ, đặc biệt là các đối tượng như: chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn.

Theo Phòng Kinh tế TP Hải Dương, các trà lúa ở thành phố đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển tốt. Nguồn nước tưới dưỡng được bảo đảm. Để đối phó với tình trạng nắng ấm và khô hạn từ nay đến cuối vụ, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc từ trước Tết Canh Dần. Còn tại huyện Thanh Hà, ông Ngô Bá Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết: Thời gian qua, do mực nước các sông thấp, nước thủy triều xâm nhập dẫn tới nhiễm mặn, nên không thể lấy nước vào nội đồng. Do vậy, nguồn nước cung ứng cho diện tích lúa ở một số vùng bãi bị thiếu cục bộ. Hiện nay, độ nhiễm mặn đã hạ xuống mức dưới một phần nghìn, nên Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện sẽ bơm nước vào nội đồng.

Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh, thủy điện Hòa Bình đã xả nước phục vụ cho tưới dưỡng lúa xuân. Tuy nhiên, việc lấy nước vào đồng ở tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn do lượng nước xả ít, mực nước ở sông Hồng thấp. Vì vậy, các địa phương cần tận dụng nước ở các kênh trục, sông ngòi và sử dụng nước tiết kiệm để có nước tưới dưỡng cho lúa.

Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Qua kiểm tra thực tế, nhiều chân ruộng ở các địa phương trong tỉnh bị khô nước. Sở NN-PTNT  chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lấy nước từ đợt xả nước thứ 3 của thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, từ đợt xả nước này tới đợt sau đó còn dài, nên việc  tưới dưỡng cũng sẽ gặp khó khăn.

NINH TUÂN