Chữa “bệnh” hạt lép cho cây lạc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:07, 01/03/2010

Mặc dù vẫn bón phân, chăm sóc, lạc vẫn sinh trưởng tốt, lá xanh, thân mập, nhiềucủ nhưng lại không có nhân hoặc nếu có thì hạt lép. Vậy đâu là nguyên nhân và cách phòng chữa ra sao?

Sâu ban miêu hại lạc xuân. Nguồn internet

Chúng tôi cho rằng cây lạc không bị bệnh gì cả mà hiện tượng “cây vẫn phát triển tốt, lá xanh, thân mập, quả nhiều và to nhưng quả không có hạt hoặc hạt lép” là do bón phân không cân đối, có lẽ nặng về phân đạm mà ít chú ý đến các loại phân có chứa nhiều nguyên tố đa, trung và vi lượng khác như lân, kali, can xi, ma nhê v.v… rất cần cho sự hình thành quả, kết hạt và quyết định chất lượng của lạc thương phẩm. Đây là thói quen trồng lạc của nhiều bà con nông dân, đặc biệt là trên các vùng đất đồi bạc màu. Đặc điểm của các vùng đất đồi thường là chua, nghèo photpho; thiếu kali do dễ bị rửa trôi qua các mùa mưa. Mặt khác, lượng photpho, kali, can xi, manhê, và các nguyên tố vi lượng khác đã được huy động đến cạn kiệt qua nhiều năm bạn trồng chuyên canh lạc mà không được bón bổ sung hàng năm.


Các nhà khoa học ngành đất Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã chỉ ra rằng: Với năng suất trung bình, mỗi ha thu hoạch từ 1,5-2 tấn lạc vỏ thì nên bón 20-30 kg N, 60-90 kg P2O5 và 30-60 kg K2O. Nếu bón nhiều đạm thì cây chỉ tăng sinh khối chất xanh (thân, lá), trong khi làm giảm năng suất. Tỷ lệ N: P2O5 thích hợp có thể thay đổi từ 1:2 đến 1:3, nghĩa là cứ bón 1 kg N thì phải bón 2-3 kg P2O5 tùy loại đất. Tỷ lệ N: K2O có thể giữ ở mức 1:2 (30 kg N và 60 kg K2O).

Can xi cũng là một trong những nguyên tố quyết định năng suất mà cây lạc cần nhiều cho việc hình thành vỏ quả (củ), hạt (nhân). Dân gian có câu “Không lân, không vôi thì thôi trồng lạc”. Bón vôi là để cung cấp can xi nhằm làm giảm độ chua của đất, cải tạo đất, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Rhizobium hoạt động giúp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, tổng hợp được nhiều khí ni tơ từ khí trời thông qua các nốt sần trên hệ rễ, tăng cường lượng đạm cho cây. Ngoài ra, thiếu các nguyên tố vi lượng cộng với tác động thời tiết, sâu bệnh là những nguyên nhân góp phần làm nên hiện tượng lạc lép hoặc lạc không nhân nói trên.


* Để khắc phục hiện tượng trên, bạn và bà con nông dân cần chú ý làm tốt một số điểm sau đây:

1. Ngay từ vụ này, nên cày vùi toàn bộ diện tích lạc không có nhân hoặc nhân bị lép, kém chất lượng (kể cả trồng xen lẫn trồng thuần) kết hợp bón rải từ 400-500 kg vôi bột/ha để cải tạo đất.

2. Không nên trồng chuyên canh lạc nhiều vụ, nhiều năm liền trên một diện tích mà nên trồng luân canh với các cây trồng khác như đậu tương, đậu xanh, lúa nước, rau màu v.v… để vừa tận dụng được nguồn dinh dưỡng dư thừa của các cây trồng từ vụ trước, vừa để cải tạo đất và cách ly sâu bệnh gây hại trên cây lạc rất tốt.

3. Căn cứ theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lạc như đã nói ở trên mà bón phân cho cân đối giữa các nguyên tố đạm, lân, kali; không bón dư thừa nhiều đạm. Hàng năm bón bổ sung thêm vôi (400-500 kg/ha). Với đất vùng đồi bạc màu nên ưu tiên sử dụng các loại phân lân nung chảy như lân Ninh Bình (có chứa thêm 10-15% oxit ma nhê trong thành phần) hoặc phân Photphát manhê nung chảy, Kieserit...

4. Sau khi lạc ra hoa, đâm tia làm quả có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá như Poly feet, MKP hoặc Nitrat can xi, phun 2-3 lần cách nhau 10-15 ngày, giúp lạc đậu quả, làm nhân tốt.

5. Theo dõi để có biện pháp phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là các loại sâu ăn lá, hại hoa như ban miêu, sâu khoang, sâu xám, sâu xanh...

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)