Giá cả hàng hóa tăng, cần chi tiêu tiết kiệm
Thị trường - Ngày đăng : 06:09, 10/03/2010
Trong khó khăn chung, mỗi người tiêu dùng cần biết chi tiêu tiết kiệm hơn, sử dụng điện, nước hợp lý để giảm chi phí. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát giá, tránh tình trạng "té nước theo mưa" trục lợi.
Việc xăng, điện tăng giá là nỗi lo của người làm nghề kinh doanh nhỏ |
Tác động rõ rệt nhất sau khi giá điện, nước đồng loạt tăng phải kể đến các mặt hàng thực phẩm. Giá các loại sữa tăng trung bình 15-30 nghìn đồng/hộp, tùy trọng lượng, nhãn hiệu. Giá các loại thịt, cá, rau, củ, quả cũng đang ở mức cao, do chi phí đầu vào, vận chuyển đều tăng. Đáng chú ý là đã xuất hiện tình trạng "té nước theo mưa", lợi dụng việc tăng giá điện, nước tăng giá. Cùng với các mặt hàng thực phẩm, giá gas từ ngày 1 - 3 cũng đã tăng 5 -10 nghìn đồng/bình. Đáng chú ý, mức giá cùng loại gas giữa các đại lý cũng chênh nhau 1.000 - 2.000 đồng/bình.
Giá điện, nước tăng đã và đang tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ dịch vụ gội đầu, rửa xe, đến tắc-xi… đều đồng loạt tăng giá. Đáng chú ý, đợt tăng giá điện, nước lần này đã tác động không nhỏ tới đời sống của đội ngũ công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên…
Với đồng lương eo hẹp, công nhân các khu công nghiệp phải trang trải chi phí từ nhà trọ, điện, nước, ăn uống, đi lại đến những chi tiêu vặt vãnh khác. Bởi vậy, mỗi khi nghe giá tăng là họ “mất ăn, mất ngủ”. Chị Tạ Thị Nhung (Chí Linh), công nhân may, hiện đang trọ tại phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), cho biết: “Nghe tin giá hàng hóa tăng chúng em thực sự lo. Tiền lương cùng tăng ca của em mỗi tháng được 1,5-1,8 triệu đồng. Em cùng ba người bạn thuê một căn phòng với giá 300 nghìn đồng. Bình quân mỗi tháng dùng hết 40-50 số điện, giá 2.000 đồng/số, 6 mét khối nước, giá 4.500 đồng/khối, chỉ để dành được khoảng 500 nghìn đồng mỗi tháng. Nay tăng giá, số tiền ít ỏi đó sẽ chẳng còn đáng là bao”. Ngay giá thuê một phòng trọ cũng tăng lên 400 nghìn đồng.
Cuộc sống của những công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước cũng chịu tác động không nhỏ. Một nữ công nhân thuộc Đoạn Đường bộ Hải Dương cho biết, giá xăng tăng đã ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình chị. Mỗi ngày chị đi làm, về 4 lần bằng xe máy, trung bình hết hơn 10 nghìn tiền xăng. Nay chi phí đã tăng thêm, giá các mặt hàng khác cũng tăng theo, chi tiêu của vợ chồng chị càng thêm eo hẹp.
Giá xăng, điện tăng cũng làm người nông dân đứng trước nỗi lo chồng chất. Tại một chân ruộng cao ở thôn Mật Sơn, xã Chí Minh (Chí Linh), anh Dương Đình Long đang loay hoay bên chiếc máy bơm nước loại nhỏ chạy xăng. Anh cho biết, cứ 3 ngày anh bắc máy bơm nước một lần, chi phí mỗi lần là 30 nghìn đồng. Với giá xăng tăng làm chi phí tăng tiền bán lúa lúc thu hoạch sẽ không biết có bù nổi. Ông Nguyễn Thế Vị, ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) thì cho biết, việc điện tăng giá, xét bề ngoài có vẻ không ảnh hưởng mấy, hộ dùng dưới 50kWh vẫn được hưởng giá bán 600 đồng/kWh, nhưng không hẳn vậy. Gia đình ông có ba nhân khẩu, với các thiết bị: đèn thắp sáng, ti-vi, quạt, tủ lạnh, mỗi tháng tiêu thụ hết 100 số điện. Theo giá điện mới, mỗi tháng ông phải trả thêm 7.000 đồng. Với người nông dân chỉ trông vào hạt thóc thì một đồng phát sinh cũng mệt. Theo ông Vị, giá các mặt hàng phục vụ nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi nhân giá xăng, điện tăng cũng tăng theo mới là điều nông dân lo ngại nhất.
Việc xăng, điện tăng giá còn là nỗi lo của người làm dịch vụ. Anh Nguyễn Văn Len, ở thôn Hòa Bình, xã Cổ Thành (Chí Linh) làm nghề xay xát thóc gạo cho biết, mỗi tháng anh tiêu thụ trên 200 số điện, giá 1.700đồng/số. Khi giá điện tăng, anh phải tính đến việc "giải nghệ". Một người bán hàng rong bằng xe máy ngụ tại phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) cho biết, giá xăng liên tục tăng khiến chi phí cũng tăng từ 20 nghìn lên 30 nghìn đồng mỗi ngày.
Trước tình hình biến động giá trên, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm đối phó, bình ổn giá. Trong khó khăn chung, mỗi người tiêu dùng cần biết chi tiêu tiết kiệm hơn, sử dụng điện, nước hợp lý để giảm chi phí. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiểm soát giá cả trên thị trường, tránh để xảy ra việc lợi dụng tăng giá xăng, điện, nước để "té nước theo mưa" trục lợi.
HÀ VY- NGỌC HÙNG