Xây dựng văn hóa giao thông trong trường học
Tin tức - Ngày đăng : 06:25, 18/03/2010
Một buổi tuyên truyền về pháp luật giao thông và xây dựng văn hóa giao thông của Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng tại Trường THPT Kim Thành |
Cách đây hơn 2 năm, dư luận xã hội hết sức bàng hoàng trước vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 37 khiến 2 học sinh trường THPT P.B.C (Nam Sách) chết tại chỗ và nhiều em khác bị thương nặng. Nguyên nhân tai nạn được xác định một phần lỗi do người điều khiển ô-tô gây ra, nhưng một phần cũng do các em học sinh chưa chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Vụ TNGT trên thực sự là hồi chuông cảnh báo về ATGT đối với học sinh ở tất cả các cấp học. Năm 2009, Ủy ban ATGT quốc gia đã phát động Tháng ATGT, với chủ đề "Tháng văn hóa giao thông". Tuy nhiên, chủ đề này không chỉ được thực hiện trong một thời điểm cụ thể mà phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đối với tất cả người tham gia giao thông ở các cơ quan, đơn vị, khu dân cư..., trong đó có các trường học.
Hằng năm, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đều tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong các trường học, tập trung vào các trường nằm ở các địa phương phức tạp về trật tự ATGT, các trường ven các quốc lộ, tỉnh lộ ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành... Dịp khai trường năm học 2009-2010, phòng cũng tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại 25 trường học với hơn 60 nghìn học sinh. Đơn vị còn phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật giao thông; các nhà trường thông báo rộng rãi các hình thức xử lý đối với những học sinh sau khi đã được tuyên truyền và ký cam kết mà vẫn vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Thầy giáo Vũ Văn Lập, Bí thư đoàn Trường THPT Kim Thành cho biết: Năm học 2009-2010, nhà trường có 1.486 học sinh. Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các thầy giáo, cô giáo tăng cường nhắc nhở, giáo dục học sinh chấp hành tuyệt đối các quy định khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho các em, cũng như cho những người cùng tham gia giao thông. Các học sinh vi phạm quy định như điều khiển xe gắn máy, đi xe đạp dàn hàng ngang trên đường... khi bị phát hiện đều bị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm. Theo em Bùi Thị Huyền, học sinh lớp 10C, xây dựng văn hóa giao thông trong trường học là việc làm cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Văn hóa giao thông phải xuất phát từ nhận thức của mỗi học sinh, thấy rõ mối nguy hiểm nếu xảy ra TNGT sẽ ảnh hưởng tới việc học tập, sức khỏe của bản thân, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Đối với bậc tiểu học, giáo dục văn hóa giao thông càng cần thiết, bởi lẽ ở độ tuổi này các em dễ tiếp thu và đang trong giai đoạn hình thành nhân cách nên dễ nghe lời thầy, cô hơn. Tuy nhiên, đối với lứa tuổi này tác dụng của giáo dục văn hóa giao thông cũng khó đạt hiệu quả như mong muốn, bởi ngoài việc rất hiếu động, các em còn chưa tự ý thức được những mối nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Gần đây, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông của ngành giáo dục và đào tạo trong các trường tiểu học được quan tâm hơn. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Trong khuôn viên Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có lắp đặt nhiều khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT, các biển báo hướng dẫn giao thông để giáo dục học sinh. Ngoài ra, hằng năm, nhà trường tích cực phối hợp với ngành công an tổ chức các buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Lồng ghép giữa nội dung tuyên truyền là các tiểu phẩm do các lớp tự dàn dựng và có các câu hỏi- đáp phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của các em. Do nằm gần quốc lộ 5 nên việc bảo đảm ATGT đối với học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Ngoài thường xuyên dạy dỗ, giáo dục học sinh, trong các buổi họp với phụ huynh vấn đề này đều được đưa ra thảo luận. Nhà trường đã yêu cầu phụ huynh học sinh ngoài sắp xếp thời gian đưa, đón để bảo đảm an toàn còn phải tích cực giáo dục và làm gương cho con em khi tham gia giao thông... Nhờ đó, không xảy ra tai nạn và va chạm giao thông đối với học sinh của nhà trường, các em đều nghiêm túc thực hiện các quy định về giao thông, đặc biệt là việc đội mũ bảo hiểm khi tới trường.
Xây dựng văn hóa giao thông trong các trường học cần được tiếp tục tăng cường hơn nữa. Việc phổ biến, tuyên truyền cần phù hợp với các lứa tuổi, cấp học. Các trường học cần có các đội tự quản, đội Cờ đỏ về ATGT để kiểm tra và đánh giá sự chấp hành pháp luật giao thông của học sinh. Ngành giáo dục - đào tạo cũng cần thường xuyên đánh giá tình hình học sinh, sinh viên và tình trạng vi phạm trật tự ATGT để có giải pháp, phương thức giáo dục văn hóa giao thông.
Bài và ảnh: TIẾN HUY