Giáo dục lòng nhân ái

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 04:13, 02/04/2010

Khi nhà trường trở thành “ngôi nhà tình thương” thật sự mới có thể cảm hóa được những tâm hồn học sinh, sinh viên non trẻ, nhằm tránh những hành vi phạm tội như đâm chém, cướp giật, cưỡng dâm...<!--Session data--><!--Session data-->

Năm 2009, cả nước có hàng trăm vụ phạm tội như đâm chém gây thương tích nặng, án mạng, cướp giật, cưỡng dâm... do lứa tuổi học trò và sinh viên gây ra.

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng nhức nhối ấy? Phải chăng những bài học đạo đức tại trường chưa đủ để hướng dẫn hành vi ứng xử hằng ngày? Tổ chức Đoàn, Đội chưa lôi cuốn học sinh vào các hoạt động mang tính cộng đồng cao? Phải chăng do hệ quả của sự cực đoan ở hai thái cực, hoặc quá nghiêm khắc với con cái hoặc quá buông lỏng trong việc giáo dục của gia đình và nhà trường? Xã hội công nghiệp đang tác động trực tiếp tới tuổi mới lớn, gây ra sự ngộ nhận về các giá trị, làm hiểu sai về đạo đức, chuẩn mực? Phải chăng tình trạng chọn trường, chạy điểm và tiêu cực trong thi cử cùng với việc dạy học theo kiểu nhồi nhét kiến thức đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng niềm tin, tự ti do không tiếp thu được bài học, dẫn tới chán nản và bỏ học. Đã đến lúc những người có trách nhiệm cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này, không cần thiết phải tô hồng những gì hiện có, mặc dầu đang có nhiều học sinh ngoan, giỏi, hiếu học.

Muốn xây dựng văn hóa học đường, cần có sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ giáo viên và trách nhiệm của gia đình, các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường và toàn xã hội. Học đường chính là môi trường nhạy cảm nhất, cần sự mềm mỏng và nghệ thuật giáo dục. Vì thế, xây dựng văn hóa học đường cần tập trung vào mục tiêu trọng yếu: giáo dục lòng nhân ái. Khi nhà trường trở thành “ngôi nhà tình thương” thật sự mới có thể cảm hóa được những tâm hồn học sinh, sinh viên non trẻ.

TRẦN THÔNG