Khách hàng vừa mừng, vừa lo

Thị trường - Ngày đăng : 05:22, 02/04/2010

Mặc dù thực hiện lãi suất thỏa thuận sẽ khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, nhưng không ít khách hàng lo lắng phải đối mặt với tăng chi phí đầu vào.


Sản xuất, lắp ráp máy nông cụ tại Công ty TNHH Máy nông nghiệp Việt Trung (Bình Giang)

Ngày 26-2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 07/2010/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đây được xem là "bước ngoặt" đối với thị trường tín dụng, giúp khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng không ít khách hàng lo lắng khi phải đối mặt với khó khăn vì chi phí đầu vào bị đẩy lên cao.

Việc thực hiện lãi suất thỏa thuận với các khách hàng có khoản vay trung, dài hạn như hiện nay được nhiều doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng, dù trên thực tế, họ phải trả lãi suất cho ngân hàng cao hơn trước khá nhiều. Anh Đào Xuân Thép, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thép (Lương Điền, Cẩm Giàng), doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ cho biết: Việc các ngân hàng áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn phần nào giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn. So sánh cũng thời điểm này năm 2008, việc các ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn với lãi suất cao, nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay. Với lãi suất thỏa thuận thì mình có thể thực hiện theo cơ chế thị trường, miễn là ngân hàng phải có đủ vốn cho doanh nghiệp vay. Cũng theo anh Thép, Ngân hàng Nhà nước nên mở cơ chế với cả các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) bởi đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có nhu cầu vay vốn đầu tư đối với các dự án dạng này.

Tuy nhiên, việc thực hiện lãi suất thỏa thuận cũng khiến không ít khách hàng lo lắng khi phải đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào tăng cao. Đại diện lãnh đạo một công ty chuyên kinh doanh ô-tô tại huyện Gia Lộc cho biết: Mặc dù là khách hàng “ruột” của một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn và đang có hợp đồng tín dụng chuẩn bị đến thời gian đáo hạn nhưng ngay từ đầu tháng 3, phía ngân hàng đã mời đại diện công ty tới để thỏa thuận điều chỉnh lãi suất theo cơ chế thị trường và quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện công ty này cũng cho biết thêm, trước đây doanh nghiệp vay vốn với lãi suất trung bình 12-13%/năm, đây là mức lãi suất có thể chấp nhận được, vì lãi suất thường chiếm khoảng 30-40% lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng nếu thực hiện lãi suất theo cơ chế thỏa thuận với mức vay khoảng 16-17%, thậm chí 18%/năm thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Cũng chung quan điểm của lãnh đạo công ty kinh doanh ô-tô trên, ông Nguyễn Hữu Hoàn, Giám đốc Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương cho biết: Bên cạnh việc tăng giá điện, nước, than, xăng dầu… thì lãi suất ngân hàng luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp. Với việc thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận của các ngân hàng, cơ chế cho vay có “dễ thở” hơn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với lãi suất vay vốn quá cao nên khó có được lợi nhuận như kỳ vọng.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, nói là lãi suất thỏa thuận chứ thực ra khách hàng phải chấp thuận theo mức lãi suất mà ngân hàng đưa ra. Theo lý giải của một số doanh nghiệp thì dự án đang triển khai, hoặc máy móc, thiết bị, nguyên liệu chuẩn bị nhập về nếu không có vốn và nếu không chấp thuận thì doanh nghiệp khó có thể tiếp tục triển khai dự án.

Theo một số ngân hàng trên địa bàn, việc áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận là phù hợp với quy luật thị trường. Nhờ đó, các ngân hàng sẽ có sự cạnh tranh về lãi suất cho vay, chất lượng phục vụ. Ngân hàng nào có giá vốn thấp sẽ cho vay với lãi suất thấp. Và khi đó, khách hàng nào càng có uy tín, dự án khả thi… sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Mặt khác, cơ chế thỏa thuận cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong việc tìm các ngân hàng giá rẻ, ngân hàng cũng dễ tiếp cận các doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường trên thị trường tín dụng. Cũng theo các chuyên gia tài chính ngân hàng thì với cơ chế cho vay lãi suất thỏa thuận, các khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp cần chủ động sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính khả thi cao, có như vậy doanh nghiệp mới đạt được lợi nhuận kỳ vọng.

H.V