Đôi điều về đánh giá cán bộ

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 05:38, 05/04/2010

Người lãnh đạo dù có bản lĩnh chính trị vững vàng nhưng nếu thiếu nhữngkiến thức về khoa học quản lý, về chuyên môn nghiệp vụ, về khoa học - công nghệ, về pháp luật… thì cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ đượcgiao.

Mỗi khi chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc là anh chị em cán bộ từng cơ quan, đơn vị, các địa phương, ban, ngành lại bàn tán sôi nổi về vấn đề nhân sự. Họ đưa ra không ít nhận định nào là ông A kỳ này về nghỉ hưu, ông B sẽ lên thay, ông C chuyển về Trung ương công tác… Hết dự đoán, bố trí sắp xếp nhân sự, họ lại chuyển sang vấn đề tiêu chuẩn để lựa chọn người lãnh đạo sao cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Ai cũng nói đức và tài là tiêu chuẩn cần có đối với người lãnh đạo nhất là cán bộ chủ chốt, song cụ thể tài, đức như thế nào lại là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Các bậc lão thành cách mạng thường nhấn mạnh cái đức của người cán bộ phải đặt lên hàng đầu là phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng, lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và lợi ích của dân tộc. Những lập luận cụ thể cả về lý luận lẫn thực tiễn xem ra rất có sức thuyết phục. Các cụ không quên nhắc nhở bài học sâu sắc về Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, chỉ vì những người lãnh đạo đứng đầu mơ hồ, mất cảnh giác đã dẫn đến sự sụp đổ của CNXH và đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Liên hệ với tình hình thực tế cách mạng nước ta, khi mà Đảng ta thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa để hội nhập với thế giới, càng đòi hỏi người lãnh đạo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu của công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN, đi đúng con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tuy nhiên, yêu cầu cấp bách hiện nay của đội ngũ cán bộ là trình độ, năng lực công tác quản lý hành chính, kinh tế, xã hội… Vì thế, người lãnh đạo dù có bản lĩnh chính trị vững vàng nhưng nếu thiếu những kiến thức về khoa học quản lý, về chuyên môn nghiệp vụ, về khoa học - công nghệ, về pháp luật… thì cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rõ ràng cả yêu cầu phẩm chất chính trị và trình độ, năng lực đều không thể thiếu đối với người lãnh đạo. Song ai là người có đủ hai tiêu chuẩn đó? Có không ít ý kiến cho rằng, lớp cán bộ nhiều tuổi đã kinh qua chiến đấu gian khổ, nên rất vững vàng về chính trị, nhưng hạn chế về trình độ và học vấn. Ngược lại, lớp cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản chính quy thì lại chưa đủ thời gian thử thách, nên chưa thể nói là có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nói như vậy còn phiến diện. Có những cán bộ trẻ, được giáo dục chu đáo, bản thân có ý thức rèn luyện tốt nên rất vững vàng về chính trị. Còn lớp cán bộ lớn tuổi cũng không ít người có kinh nghiệm lại có tinh thần phấn đấu học tập nên có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Đây là lớp cán bộ đáng quý, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thiết nghĩ, từ thực tiễn nêu trên, chúng ta không nên quá nặng về phân biệt cán bộ trẻ hay cán bộ lớn tuổi để thẩm định về tiêu chuẩn mà phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo đã được đề cập trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa 7), các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 và 7 (khóa 8) và Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 4-8-2009 về Đại hội Đảng các cấp. Chúng ta nên nhìn vào từng con người cụ thể, xem xét họ trên từng tiêu chuẩn cụ thể, với một thái độ khách quan, trung thực, khoa học, vì lợi ích chung thì nhất định sẽ tìm được cán bộ xứng đáng vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, để đảm đương nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới mà Đảng và nhân dân tin cậy giao phó. Bên cạnh đó vẫn phải quan tâm đến việc đào tạo cán bộ trẻ qua thử thách thực tiễn để phục vụ lâu dài.

PHẠM NHƯ HÙNG(Hà Nội)