Biện pháp phòng, chống bệnh lợn tai xanh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:00, 08/04/2010

Hiện nay, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn đã xuất hiện rải rác trên một số đàn lợn ở địabàn tỉnh Hải Dương. Dướiđây là một số khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS - thường gọi là bệnh tai xanh) đã xuất hiện rải rác trên một số đàn lợn ở địa bàn tỉnh Hải Dương. Dịch bệnh thường diễn biến hết sức phức tạp. Dưới đây là một số khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch bệnh:

1. Đối với các địa phương chưa có dịch:

- Thường xuyên theo dõi sức khoẻ của đàn lợn trong các cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản để sớm phát hiện lợn có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tai xanh; cách ly xử lý kịp thời và gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn trong cơ sở chăn nuôi chưa có lưu hành bệnh. Trước khi tiêm cần tham khảo ý kiến của Chi cục Thú y tỉnh để biết trong khu vực trước đó có chủng vi-rút nào gây bệnh (châu Âu hoặc châu Mỹ) để lựa chọn vắc-xin thích hợp. Bởi vì vắc-xin không tạo được miễn dịch chéo giữa chủng chế tạo vắc-xin và chủng gây bệnh cho lợn ở trong vùng.
- Để loại trừ các bệnh kế phát do vi khuẩn ở lợn, tất cả đàn lợn phải được tiêm vắc-xin phòng 4 bệnh đỏ (dịch tả lợn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn và phó thương hàn). Trong điều kiện cần thiết có thể phải tiêm vắc-xin phòng một số bệnh đường hô hấp (bệnh xuyễn lợn, bệnh viêm phổi và màng phổi ở lợn).
- Khi nhập lợn giống phải mua lợn từ các cơ sở chăn nuôi và vùng không có dịch tai xanh. Lợn mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 3 - 4 tuần lễ, không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tai xanh cũng như các bệnh truyền nhiễm khác mới cho nhập đàn.
- Bảo đảm thức ăn đủ chất dinh dưỡng và nguồn nước sạch cho lợn, giúp lợn có sức đề kháng với vi-rút bệnh tai xanh cũng như các bệnh khác, hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Giữ chuồng trại và khu chăn thả lợn luôn khô sạch, thoáng mát mùa hè, kín ấm mùa đông và phải phun thuốc sát trùng định kỳ 2 tuần/lần để diệt mầm bệnh.
- Khi xuất nhập lợn cần thực hiện kiểm dịch thú y nghiêm ngặt.

2. Biện pháp chống dịch khi có dịch xảy ra:

- Các gia trại và trang trại phải thống kê lợn ốm, lợn chết báo với chính quyền và thú y địa phương để xử lý theo đúng lệnh công bố dịch và hướng dẫn phòng, chống bệnh tai xanh của Cục Thú y (tiêu huỷ toàn bộ lợn bị ốm) và xin hỗ trợ thiệt hại của Nhà nước. Trong trường hợp gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm mà chưa có kết quả, nhưng nếu lợn có dấu hiệu lâm sàng bệnh tai xanh thì vẫn phải tiêu huỷ.
- Chính quyền và tổ chức thú y địa phương tổ chức bao vây ổ dịch, thành lập các chốt kiểm dịch, ngăn cấm không cho lợn vận chuyển khỏi ổ dịch và cũng không mang lợn từ ngoài vào ổ dịch. Các gia trại và trang trại lợn phối hợp với chính quyền và thú y thực hiện nghiêm túc biện pháp này.
- Không bán chạy lợn ra ngoài, không mổ lợn và bán thịt lợn trong vùng dịch khi chưa công bố lệnh hết dịch.
- Cách ly đàn lợn khoẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc tốt và tổ chức tiêm thuốc trợ sức, nâng cao sức đề kháng của đàn lợn với bệnh.
- Tổ chức làm vệ sinh triệt để chuồng trại và khu chăn thả đã có lợn ốm và phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần trong suốt thời gian có dịch.
- Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh ở các vùng chưa có dịch, nhưng bị dịch uy hiếp, nếu có thể.
- Tuyên truyền về bệnh tai xanh và các biện pháp phòng, chống để người chăn nuôi nâng cao ý thức áp dụng các biện pháp chống dịch.
- Chỉ nuôi lợn trở lại khi đã công bố lệnh hết dịch và đã để trống chuồng 4 tuần; đồng thời phun thuốc sát trùng theo đúng quy định.