Danh tướng Trần Nguyên Đán
Danh nhân - Ngày đăng : 20:07, 22/04/2010
Trần Nguyên Đán (1325-1390), hiệu là Băng Hồ, là chắt của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, cháu của Văn Túc Vương, huý là Đạo Tái, con trai của Nhập nội thái bảo, Uy túc công, huý Văn Bích. Thuở niên thiếu, Trần Nguyên Đán đã giỏi thơ văn, thông minh mẫn tiệp, sớm được bổ dụng. Đời Dụ Tông (1341-1369) ông làm quan Đại phu ở Ngự sử đài, sau xin từ chức. Năm 1370, có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ, khôi phục cơ đồ nhà Trần, ông được phong Tư đồ phụ chính, tước Chương Túc Hầu. Thời Trần Duệ Tông (1373-1377), coi việc quân ở Quảng Oai.
Khi triều Trần suy yếu, biết âm mưu cướp ngôi của Hồ Quý Ly, không can được vua trong việc dùng họ Hồ vào việc triều chính ông xin vua Trần Duệ Tông một mảnh đất ở Côn Sơn, dựng động Thanh Hư, bắc cầu Thúy Ngọc làm nơi lui nghỉ. Lấy tên động là Thanh Hư, chủ nhân muốn biểu hiện tư tưởng trong sáng, hư vô, thoát tục, từ bỏ chốn quan trường. Tuy muốn vậy mà không được vậy. Động làm xong, vua Trần Duệ Tông tặng ba chữ ngự bút lớn nêu ở mặt bia: Thanh Hư động, Nghệ Tông tự chế bài minh, khắc ở sau bia, ca ngợi công đức của Nguyên Đán.
Năm Xương Phù thứ 9 (1385), Nguyên Đán xin nghỉ hưu, mang con gái là Trần Thị Thái và cháu ngoại là Nguyễn Trãi về sống trong Thanh Hư động tại Côn Sơn. Tuy sống ở chốn lâm tuyền, nhưng tấm lòng ông vẫn ưu tư về sự tồn vong của đất nước. Cuối đời, ông ốm nặng, người nhà mang thuốc đến, ông từ chối, rồi nói rằng: "Ta không muốn sống đến khi nhà Trần mất".
Ông mất tại Côn Sơn năm Quang Thái thứ 3 (1390). Sau khi qua đời, nhân dân lập đền thờ ông trên núi, tại khu vực Thanh Hư động. Trần Nghệ Tông đến viếng, xúc động làm bài thơ có tựa đề Đề Trần Nguyên Đán từ đường.
Trần Nguyên Đán không chỉ là một nhà chính trị mà còn là một nhà thơ. Các tác phạm chính của ông gồm:
- Băng Hồ ngọc hác tập, 10 cuốn.
- Bách thế thần kỷ.
Năm 2004-2005, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương lập đền thờ ông tại nền nhà cũ trên núi Côn Sơn.
(Theo Địa chí Hải Dương)