Hồ Chí Minh - Biểu trưng của đạo đức cách mạng Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 05:00, 17/05/2010
Đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh không những tiếp thu phương diện lý luận và thực tiễn chính trị, mà còn đặc biệt chú ý đến đạo đức cộng sản của các lãnh tụ bậc thầy. Từ một người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo các nguyên lý đạo đức cộng sản chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để cùng với những tinh hoa giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và nhân loại, hình thành nên hệ thống tư tưởng đạo đức cách mạng đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, trong cương vị lãnh tụ cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, Hồ Chí Minh luôn nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Nhân cách Hồ Chí Minh là sự gắn bó hữu cơ giữa tư tưởng và đạo đức cách mạng, giữa lời nói và việc làm. Ở Bác, đạo đức cách mạng cũng chính là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo Bác "tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng". Cuộc đời Bác là hiện thân của sự nhất quán giữa lý tưởng và hiện thực cách mạng ấy. Dù ở đâu và thực hiện công việc gì thì mục đích của Bác đều là làm cho ích nước, lợi dân. Bác là một con người vĩ đại, luôn hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh là "nhà kiến trúc sư" vĩ đại của đạo đức cách mạng Việt Nam. Di sản đạo đức cách mạng mà Bác để lại cho dân tộc Việt Nam không phải là những kho kinh điển đồ sộ về đạo đức học; song, nhân cách vĩ đại cùng với những lời dạy bảo ân cần của Người đã toát lên các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức mới của con người Việt Nam. Nét đặc biệt của sự hòa quyện giữa tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác là ở sự bình dị mà thanh cao, không uy vũ nhưng đầy thuyết phục, ở sự tinh tế, mẫn cảm và đầy nhân ái khi giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động xã hội hằng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bác chỉ rõ giá trị của từng chuẩn mực, phẩm chất đạo đức cần có đối với từng đối tượng, trong từng lĩnh vực, hoàn cảnh công tác và thời điểm khác nhau. Không có đối tượng nào không nhận được sự chỉ dẫn tỉ mỉ của Bác.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, phẩm chất đạo đức cách mạng hàng đầu mà Bác tập trung giáo dục mọi người là “tận trung với nước, tận hiếu với dân" để khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức của mỗi cá nhân đối với xã hội, của mỗi người dân đối với Tổ quốc. Bác chỉ rõ cơ sở vững chắc của "trung với nước" phải được xây dựng trên sự giác ngộ về lòng yêu nước, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối, nhiệm vụ cách mạng... Tư tưởng "hiếu với dân" được Bác đề cập với nhiều nội dung phong phú. Trước hết, Bác khẳng định vai trò "dân là gốc" và phát triển lên một trình độ mới: "Nước ta là nước dân chủ, công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân". Đỉnh cao của tư tưởng "hiếu với dân" thể hiện ở lời dạy của Bác: "Mỗi đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho nhân dân". Bác nhấn mạnh: "Làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là quan nhân dân". Ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Bác còn khuyên cán bộ, đảng viên cần phải học hỏi nhân dân, vì "không học hỏi nhân dân thì không lãnh đạo được nhân dân. Có biết làm học trò dân mới lãnh đạo được dân".
Cùng với giá trị đạo đức nền tảng, "trung với nước, hiếu với dân", Bác còn chỉ ra đối với người cách mạng là phải thực hành: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao đạo đức cách mạng và quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bác nhấn mạnh "cần, kiệm, liêm, chính" là bốn đức tính cơ bản của con người, cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, "thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người". Bác còn giải thích cặn kẽ nội dung của từng phẩm chất cán bộ cần có và những biểu hiện đi ngược lại phẩm chất ấy phải hết sức tránh: "thực hành chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, thế là thiện", "nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng, thế là ác".
Nhấn mạnh tính chất tự giác của sự hình thành đạo đức cách mạng, Bác dạy: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Bác chỉ rõ trong xây dựng đạo đức cách mạng, phải luôn kết hợp giữa xây và chống, xây dựng đạo đức cách mạng gắn với chống chủ nghĩa cá nhân, người đi giáo dục đạo đức cách mạng phải tự mình mẫu mực, làm gương, lời nói phải đi đôi với việc làm, nói ít hơn làm, thậm chí làm mà không nói. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, là mẹ của mọi thói hư tật xấu. Với ý nghĩa đó, Bác gọi chủ nghĩa cá nhân là "giặc nội xâm" và chống chủ nghĩa cá nhân là một "cuộc cách mạng nội bộ".
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác là cuộc đời của một con người mà giữa tư tưởng và tấm gương đạo đức luôn có sự gắn bó nhuần nhuyễn. Sự vĩ đại chính là sự giản dị, thanh khiết. Trên ý nghĩa này thì, theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay".
BÙI VĂN HIỀN