Nhà báo làng
Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:12, 19/06/2010
- Em nghỉ tý rồi sang anh Thăng ngay đi!
Cái anh này, vợ đi vắng mấy ngày mà chưa về đến nhà đã sai rồi. Nhưng nghe giọng nói, nhìn nét mặt chồng tôi không thấy có vẻ gì cấn cá. Thì lại nghe anh thủng thẳng :
- Chả biết có việc gì mà từ sáng đến giờ tìm sôi sùng sục.
- Thế sao anh không hỏi xem?
Chồng tôi chưa kịp cất lời, thì thằng con tôi đi học về đến ngõ bù lu bù loa:
- Bác Thăng gay go rồi bố mẹ ơi! Con đi học về gặp xe xít - đờ - ca của công an huyện chở bác ấy, với một người nữa ngồi cùng chạy lên huyện.
Tôi bỗng thấy rủn chân tay, tưởng đứng không vững nữa. Chẳng lẽ lại ra cơ sự thế này! Anh làm gì mà công an cho xe về tận nhà dẫn đi? Không thể? Không thể như thế! Tôi biết tính anh. Con người lắm đam mê, nhiều khát vọng. Nhưng không có gan liều. Lại càng không thể làm điều nhẫn tâm, đến nỗi phạm pháp. Nhưng trời ạ ! Tôi không thể là người theo anh đêm ngày, ở khắp mọi nơi, giữa thời buổi lắm mưu toan, nhiều ham muốn này. Chợt nghĩ đã thấy rối lòng. Thì chồng tôi lại chẳng gỡ cho, còn té thêm gáo nước:
- Em chả bốc thơm anh ấy nữa đi! Lúc nào cũng Đào Thăng thế này, Đào Thăng thế kia! Đúng là khen nhau không khéo…
Thôi, em xin anh đừng giễu cợt người khác như thế. Tôi tính hét lên câu đó. Nhưng lại chợt nghĩ: có thể chồng tôi nói đúng. Đào Thăng rơi vào cảnh này, biết đâu chẳng do ở nơi tôi.
… Tôi không nhớ đấy có phải lần đầu Đào Thăng có bài đăng báo hay không. Chỉ nhớ là bấy giờ tôi đang làm cơm trong bếp. Còn Tâm, chồng tôi , đang ở dưới ao cắm lại bè rau rút. Đào Thăng tất tưởi tươi cười chạy sang. Đến sân, anh nói như reo:
- Tâm, Thu ơi! Mừng cho tao đi!
Tôi chưa kịp ló ra, đã nghe tiếng chồng tôi từ dưới ao vóng lên:
- Có gì mà vui thế, anh Thăng ơi! Em đang dở tay. Có nhà em ở trên đấy. Thu ơi! Ra xem anh Thăng có gì vui thế em !
Nhưng tôi chưa kịp ra, thì Thăng đã xô vào trong bếp. Hai tay bưng chặt hai mắt tôi như trẻ con, miệng hổn hển: "Đố biết vui gì nào?". Tôi vội đưa tay lên gỡ tay anh, đụng ngay vào tờ báo anh đang cầm. Linh tính như mách tri giác, tôi buột miệng:
- Lại có báo nào đăng bài hả?
Anh xoà tay, giở tờ báo đúng cái chỗ có bài ghi chữ đậm Đào Thăng ra trước mặt tôi. Vừa nhìn, tôi cũng không nén được niềm vui ào đến bất ngờ, vội giật tờ báo trong tay Thăng lao vụt ra sân. Tôi gọi toáng chồng tôi ở dưới ao:
- Mình ơi! Đúng là anh Đào Thăng có bài được đăng báo rồi đây này.
Không hiểu sao khi ấy, lần đầu tiên tôi bỗng bật gọi cả họ tên anh, như chữ in trên báo, một cách tự nhiên như làm vậy. Chồng tôi vẫn ở dưới ao. Anh nhẩn nha vất những ngọn rau rút bò ba vạ trên mặt nước vào thành bè, nói vóng lên:
- Bài đăng báo thì đăng chứ sao!
Nhưng ở trên bờ, tôi chưa kịp đọc lướt hết bài báo, đã chăm chăm nhìn Thăng nói líu cả lưỡi:
- Thế là anh nổi danh rồi! Cả họ Đào nhà mình cũng được thơm lây.
Lúc ấy, tôi không nghĩ câu nói trong cơn hưng phấn của tôi, lại cũng là niềm khát khao cháy bỏng tim anh. Sau này, khi cả làng tôi đều gọi anh là "Nhà báo Đào Thăng", thì anh mới thật lòng nói với tôi: "Câu nói của em ngày ấy như biệt dược nuôi dưỡng ước mơ của anh!". Còn tôi, không biết ước mơ của anh lớn đến mức nào, chỉ biết sau bài của anh đăng báo mấy hôm, thì chồng tôi đột ngột hỏi:
- Em là giáo viên dạy văn, lại có cùng họ với anh Thăng. Theo em, anh Thăng có viết báo được thật không?
Cái anh này. Người ta đã có bài in giấy trắng mực đen hẳn hoi, còn hỏi "viết được thật không ". Không thật, dễ có người nào ấm đầu lại đi viết hộ, rồi ghi tên anh ấy vào dưới cho mất tiền nhuận bút à? Vô lý. Vô lý ầm ầm! Thời buổi này, mười người viết bài cho báo thì chín người rưỡi cốt lấy nhuận bút. Làm gì có ai ẩm ương chỉ viết để được đăng thôi đâu. Nhưng mà làm sao tự nhiên anh lại quay ra hỏi em như thế? Chồng tôi bảo:
- Chiều nay Thăng kéo anh ra quán uống bia hơi bà Lanh, ngồi gần hai giờ đồng hồ. Uống hết quá nửa khoản tiền nhuận bút cái bài báo anh ấy đăng hôm nọ.
- Gớm, uống gì khiếp thế! Dễ bụng các anh là cái thùng phuy chắc. - Tôi vội kêu lên. Nhưng chồng tôi đã khà khà cười:
- Em hơi khắt khe rồi đấy. Nhưng em đã biết tiền nhuận bút bài báo ấy là bao nhiêu chưa, mà đã vội bảo chúng anh uống nhiều?
- Ờ ời… em chưa biết. Nhưng chắc cũng phải hàng trăm nghìn đồng, chứ ít à.
- Hớ hớ hớ, một phần mười chỗ đó thì có!
- Ơ, em chưa biết. Nhưng anh Thăng nói đi gặp mấy người lấy tài liệu, lại ngồi viết cả ngày rưỡi mới xong. Rồi đi thuê đánh chữ ba nghìn một bản. Lẽ ra tất cả mất bảy nghìn. Nhưng họ "ưu tiên nhà báo làng" chỉ lấy sáu nghìn thôi. Thế mà chỉ được có mười nghìn bọ thì sao bõ!
Nhưng lại nghe chồng tôi nói một câu làm tôi tịt nghỉm:
- Hôm nọ em chả nói, anh Thăng nổi danh cả họ Đào em cũng được thơm lây là gì! Giờ lại so kè thế. Rút cục em thích danh vọng hay tiền bạc?
- Ồ cái anh này, hỏi gì mà lạ!
- Không, anh hỏi thật đấy. Mà em cũng phải nói thật ý nghĩ của em.
- Nếu vậy thì em nói: là nữ giới, nhưng em cũng thích được nổi danh!
Chồng tôi bỗng phá lên cười đến giàn dụa nước mắt. Lúc lâu, anh bảo:
- Chả trách khi ngồi uống bia ở quán bà Lanh, anh ấy đập tay vào vai anh mà gào lên : "Ông cóc hiểu Đào Thăng. Chỉ có vợ ông là hiểu thấu tim tôi thôi. Cô ấy bao giờ cũng là người nhiệt tình khích lệ tôi vươn tới ước mơ".
Thật thế ư ? Tôi lại là người nhiệt tình khích lệ anh vươn tới ước mơ thật sao. Khó mà tách bạch rạch ròi trong giây lát. Chỉ nhớ là chính hôm Đào Thăng mời chồng tôi đi uống bia hơi ở quán bà Lanh, là để thông báo với chồng tôi về quyết định của Thăng bỏ nghề thợ xây, để đi viết báo "bán chuyện" - như lời anh nói với chồng tôi ở quán bia. Sau hôm ấy, anh lặn mất tăm khỏi làng. May là dịp đó tốp thợ xây ở làng, mà anh chẳng là một tay dao thiện nghệ, cũng nhỡ công trình. Nên việc anh vắng nhà hằng tháng cũng chẳng ai bận tâm. Thì gần đây, những người đàn ông ở làng tôi, cấy gặt xong bỏ mặc ruộng đồng cho vợ con ở nhà để lên thành phố làm ăn, chỉ đến đông vụ tứ kỳ mới đảo về dăm bữa nửa tháng, gặt mấy ngày, cày mấy buổi, xong lại đi một lèo. Thăng cũng như bao người đàn ông vắng nhà đi làm trên phố đã thành lẽ tự nhiên ở làng, nên chẳng ai bận tâm làm gì. Nhưng đùng một hôm, làng tôi từ trẻ đến già không thể không để tâm đến anh được nữa.
Bấy giờ đang giữa trưa. Nhà nào nhà ấy đang quây quần quanh mâm cơm. Bỗng tiếng loa truyền thanh ngoài nhà văn hoá truyền đi chương trình "nông nghiệp - nông thôn" của đài phát thanh tỉnh. Giọng cô phát thanh viên lảnh lót: Mời bà con và các bạn nghe bài phóng sự :"Phương Trà thắm thịt tươi da" của Đào Thăng. Phương Trà là tên gọi của làng tôi. Còn Đào Thăng giờ cả làng đều biết là họ và tên anh, không có đệm Văn ở giữa như bao người đàn ông làng tôi nữa. Thì đã bảo anh nổi danh rồi, mà đã nổi danh tất phải có gì khác người chứ. Có thể. Cái để người làng tôi bận tâm là mấy chỗ trong bài báo anh viết. Chẳng hạn, làng tôi có con đường trục xa đi qua, tiếng là "đường nền cứng" nhưng chỉ là rải gạch vỡ, xỉ than gập ghềnh, chứ đâu đã "đường nền cứng rải nhựa phẳng lỳ". Hai bên đường làng đúng là cũng có mấy cái quán bán bia hơi, thịt tươi, lòng lợn, và cả bóng bay, kẹo cao su dứ trẻ . Nhưng đâu đã thành "phố làng sầm uất không kém thị trấn huyện".
Ngay cái nhà văn hoá làng, nguyên là cái nhà kho phân đạm của hợp tác xã thời bao cấp sửa chữa lại, cũng được anh miêu tả hấp dẫn: "Nhà văn hoá làng khang trang, bề thế, thường xuyên thu hút hàng nghìn người tham gia". Trời ạ! Cái làng Phương Trà của tôi, cách huyện lỵ gần chục cây số, cách thành phố hơn hai mươi cây, nhưng đến mấy năm nay dân làng không biết mặt đoàn chèo tỉnh thế nào, làm sao có thể "thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá thu hút hàng nghìn người tham gia" trong cái nhà ba gian chứa phân đạm xưa kia mà anh bạo gan viết thế. Tôi nghe bài báo của anh được người ta đọc ra rả cả buổi trưa trên loa truyền thanh, mà như người bị xúc phạm. Nhưng đến chiều, khi tôi đang mải đạp xe ra thì gặp ông Lư, trưởng làng văn hoá, như cũng đang đạp mải xe đến tìm tôi. Đi với ông còn có anh Huấn, trưởng ban văn hoá xã. Thoạt thấy hai người tôi đã hơi chột dạ. Ngỡ họ tìm tôi để khự lự về cái bài báo ông anh tôi viết mà đài vừa đọc trưa hôm nay, nhưng lại nghe ông Lư vẻ mừng rỡ:
- Đang định đến nhờ cô một việc .
- Việc gì hả bác? - Tôi vội hỏi. Ông Lư cũng nói ngay:
- Chả là cô với Đào Thăng là con chú con bác ruột, Đào Thăng giờ thành nhà báo nổi danh rồi. Trưa nay cô có nghe đài đọc bài của Đào Thăng viết về làng ta không? Thật một người nổi danh làng xã cũng được thơm lây, công sức xây dựng một làng văn hoá bao lâu nay giờ mới được thiên hạ biết đến. Nên tôi với anh Huấn muốn đến nhờ cô một việc, mà tôi chắc chỉ có cô mới biết nhà báo làng ta giờ ở đâu. Cô điện bảo nhà báo về tiếp xúc với ban văn hoá xã và làng một lúc, chỉ tiếng, hơn tiếng thôi, vì cũng biết nhà báo làng ta giờ nổi danh là rất bận, không có thì giờ ngồi được lâu. Cũng không có "nâng lên đặt xuống "gì đâu. Nhưng có "cơ chế" kha khá. Thế nhá. Cô giúp chúng anh một tý, "cậy duyên có má hồng "mà. Chả là làng ta đang đề nghị trên xét công nhận "làng văn hoá cấp huyện", lại đúng dịp có bài báo của nhà báo làng, người thực việc thực thì đúng là "nhân hoà, địa lợi " rồi đây.
Dưới con mắt người trong họ ngoài làng, ông anh tôi giờ đã nổi danh lắm rồi. Chẳng thế, không mấy ngày giở tờ báo tỉnh ra không thấy in bài ký tên Đào Thăng. Thậm chí có số báo liền hai chỗ ghi chữ đậm Đào Thăng dưới bài to đùng. Phải thế nào đấy toà báo người ta mới đăng, chứ tưởng ai gửi bài đến cũng được đăng cho hẳn. Ông Lư giải thích với mấy người hàng xóm ít hiểu biết về báo bổ như thế. Còn tôi, thì khỏi nói, niềm vui trào dâng đến mức nào mỗi khi đọc báo, nghe đài. Mà hồi này, tự nhiên tôi lại nghiện đọc báo, nghe đài. Chiều nào cũng lảng qua văn phòng trường, mượn bằng được tờ báo về nhà xem. Còn đài thì đã có cái loa ngoài nhà văn hoá, dạo này ông Lư cho mở hết cỡ ngày ba buổi sáng, trưa, chiều tối cho cả làng nghe, chứ không tập tịt ngày mở ngày không như trước. Mỗi khi đọc báo nghe đài thấy họ Đào của tôi đi liền tên anh là tôi lại thấy lâng lâng. Chỉ có Tâm chồng tôi, là luôn nhìn anh một cách xét nét. Tâm như không thích cái ông anh con ông bác tôi cứ lông ba lông bông chỗ này, chỗ kia, thọc mạch cả vào chuyện gia đình người khác. Có lần, báo đăng cô hiệu trưởng trường trung học cơ sở xã bên, nhưng lại là người xã tôi sang dạy học lấy chồng bên ấy, ca ngợi cô ta trưởng thành từ trong gia đình nền nếp gia phong. Chồng tôi xem xong, còn thiếu ném tờ báo vào mặt tôi. Cô liệu mà bảo cái ông anh danh giá của cô thôi cái trò viết lách này đi nhá. Ai bảo với anh ta là cái nhà cô giáo Ngân ấy gia phong? Gia phong gì mà bố thì B quay. Còn ông anh trên cô ấy, đang làm ở Công ty Vật tư nông nghiệp, thì vào ngồi bóc lịch trong trại Cây Thị ba năm trời. Thế mà ca ngợi "gia phong!". Viết lách thế có ngày đi tù.
Chẳng lẽ lời chồng tôi hôm nào lại thành "tiên tri".
Tôi không muốn ở nhà nghe chồng ca mãi cái điệp khúc :"khen nhau không khéo "nữa, vội lấy xe đạp thẳng lên huyện. Tôi biết người bắc cầu cho Đào Thăng đến với tòa báo là anh Dương Huân. Trước làm ở báo tỉnh. Sau không biết thế nào lại về nhà. Được ít lâu lại thấy đi làm ở đài truyền thanh huyện. Chỉ có đến đài gặp Dương Huân mới hiểu chuyện gì đã xảy ra với anh.
- Chuyện cỏn con ấy mà . Em quan tâm làm gì cho hao tổn nhan sắc
- Dương Huân mang cốc nước mát ra mời, nhìn tôi chằm bặp, an ủi.
- Anh cứ giấu em, chứ cỏn con mà xít - đờ - ca lại về tận nhà đưa đi, làm cả làng đang ầm ầm lên là Đào Thăng viết báo thế nào lại bị công an bắt rồi!
- Sao lại đồn ầm lên được! - Dương Huân thấy giật mình.
- Lẽ ra anh không nên hỏi em câu ấy.
- Ừ, nhỉ!
Dương Huân như biết mình lỡ lời, nói xong bật cười khanh khách. Giọng cười làm tôi rất khó hiểu:
- Vậy rút cục chuyện gì đã xảy ra với Đào Thăng? Anh không nói, sáng mai tôi đón xe vào thành phố, đến toà báo hỏi cho rõ đầu đuôi, chứ không thể để anh ấy mang tiếng với dân làng được.
- Thì chính Đào Thăng đang thích nổi tiếng mà em!
- Anh ác vừa vừa chứ, thấy bạn như thế mà còn giễu được thì cũng lạ.
Có lẽ biết tôi đang rất lo cho Đào Thăng, Dương Huân trở lại vẻ nghiêm nghị, an ủi tôi:
- Em không việc gì phải lo cuống cà kê lên thế. Sự thực đơn giản hơn ta tưởng nhiều.
Đoạn Dương Huân với tay lên bàn, lấy đưa tôi tờ báo số mới ra, được gấp làm tư, đúng chỗ có bài ký tên Đào Thăng. Bài viết không dài, chỉ vài trăm chữ, nhưng miêu tả khá tỷ mỷ về một bé gái lên năm tuổi xinh đẹp nết na được mẹ gửi chơi với bố ở làng bên. Nhưng bố lơ đễnh mải làm công việc gì đó. Gần trưa sực nhớ đến thì tìm khắp trong nhà, ngoài sân không thấy. Mãi sau ra ao đã thấy con bé nhấp nhô dưới cầu… Trong khi tôi ngồi ở phòng khách đọc báo, thì Dương Huân ra ngoài mua thuốc lá. Tôi đọc xong ngồi nghĩ mãi, chưa biết viết sai ở chỗ nào. Chỉ thấy một chỗ đáng lẽ không nên dùng chữ "gửi", ai đời lại viết mẹ "gửi" con chơi với bố. Còn nhìn chung, công nhận là Đào Thăng khéo miêu tả, và có thực tế quan sát kỹ lắm mới gây xúc động mạnh đến thế. Anh quả là đã làm rạng danh họ Đào nhà tôi.
Tôi còn đang lâng lâng cảm xúc, thì Dương Huân vào:
- Thế nào, cô giáo dạy văn, có đúng là chuyện cỏn con không?
Tôi nói buột ý nghĩ của mình :
- Em nghĩ anh Đào Thăng trong khi vội có thể viết chữ "để " thành chữ "gửi" . Nhưng còn người biên tập thì vội gì mà cũng không phát hiện ra nhầm lẫn ngớ ngẩn này.
- Hớ hớ hớ… Đúng là cô giáo dạy văn chỉ chú ý đến văn vẻ thôi. Nhưng còn cái rất cơ bản lại không nhìn ra.
Tôi thực sự ngỡ ngàng. Chẳng lẽ Đào Thăng kỳ tài đến mức "ý tự ngôn ngoại"trong từng con chữ, mà tôi không thể nhận ra. Nhưng đã nghe Dương Huân dài giọng :
- Cái chết của ông anh nhà báo làng em là đã không đến tận nơi xem thực hư thế nào, chỉ lê la hàng bia, quán nước nghe hơi nồi chõ; nhưng lại phóng bút vô tội vạ để gây ấn tượng cho bạn đọc, thế mới chết!
Tôi nghe Dương Huân nói bỗng rủn hết chân tay. Nhưng sự thể thế nào mới đến nước ấy chứ ? Dương Huân bảo:
- Sự thực là hôm ấy bà mẹ chồng đi ăn giỗ. Không có người trông con, mẹ cháu trước khi đi đến trường mang con sang làng bên gửi ông ngoại trông. Nửa buổi, ông ngoại có bạn già đến chơi, mải thù tiếp ở trong nhà. Cháu gái lúc chơi bày đồ hàng, lúc nô đùa với mấy con vện trong sân, ngoài vườn. Chỉ một loáng ông không thấy cháu đâu. Chỉ nghe ngoài cầu ao có tiếng xoả nước. Vội chạy ra. Gọi toáng lên. Mọi người xô đến vội đưa cháu đi bệnh viện. Nhưng may, chưa ra khỏi cổng làng thì đã nghe tiếng cháu khóc thét lên gọi mẹ.
Tôi như bỗng trút được mối lo.Thì cũng đồng thời, từ trong sâu thẳm cõi lòng man mác một cái gì như sự đổ vỡ mà ngay lúc này, tôi chưa thể biết gì hơn.
- Thế thì sao lại liên quan đến Đào Thăng? - Tôi trấn tĩnh, nhìn Dương Huân hỏi dồn. Dương Huân nhìn tôi cảm thông, chia sẻ:
- Thử đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Con gửi bên ông ngoại thì lại bảo "gửi con chơi với bố", mới ngã xuống bậc cầu ao, thì lại viết như con người ta đã chết đuối nổi lên "nhấp nhô dưới cầu". Thế đi đâu người ta chả tức. Gần chục người kéo lên toà báo, đòi nện cho Đào Thăng một trận, dám rủa con người ta chết đuối à!
- Có sai thì toà báo đăng đính chính xin lỗi bạn đọc là xong. Chứ sao Đào Thăng lại bị công an huyện đánh xít - đờ - ca về tận làng đưa đi.
Tôi vừa dứt lời, Dương Huân bỗng phá lên cười:
- Công an nào? Tôi nghe toà báo họ điện cho biết, vội nhờ thằng em vợ lái xít - đờ - ca bên công an xuống, dẫn Đào Thăng lên trên này lánh đi mấy hôm, kẻo nhỡ nhà kia họ tức quá hoá liều hỏi đường về tận nhà thì khốn. Mới lại, cũng nên để Đào Thăng im hơi lặng tiếng đi là vừa. Chứ không, hắn mà nổi danh thật, anh em mình cũng đến mệt!
Nghe Dương Huân nói, tôi lại chợt nhớ đến lời "tiên tri" của chồng tôi hôm nào. Tôi bỗng thấy buồn nhão cả người. Hụt hẫng và nuối tiếc…
Truyện ngắn củaCAO NĂM