Tín hiệu đáng mừng trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt
Tin tức - Ngày đăng : 06:14, 02/07/2010
Tính từ tháng 12-2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt, làm 5 người chết. So với cùng kỳ năm 2009 giảm 5 vụ (62,5%), giảm 4 người chết (44,4%), không có người bị thương (năm 2009 là 5 người).
Sau nhiều nỗ lực của các ngành chức năng, tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt |
Đường sắt qua địa bàn tỉnh ta dài 46,3 km, từ xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đến xã Kim Lương (Kim Thành). Nhiều năm qua, trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), làm nhiều người chết và bị thương. Hầu hết các vụ tai nạn này đều phát sinh từ sự chủ quan của người tham gia giao thông, thiếu quan sát khi đi qua đường sắt. Đồng thời, hệ thống đường ngang dân sinh mở trái phép hoặc có phép có quá nhiều bất cập cũng dẫn đến tai nạn gia tăng. Theo thống kê của Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà - Hải, năm 2009, toàn tỉnh có tới 35 người chết, 22 người bị thương, 12 ô-tô hư hỏng nặng trong 35 vụ tai nạn đường sắt, so với năm trước đó tăng 13 người chết và tăng 9 vụ TNGT. Đặc biệt, do chậm trễ khắc phục các "điểm đen" trên hệ thống đường sắt đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân trong một thời gian rất dài.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng của tỉnh và ngành đường sắt đã nỗ lực áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn đường sắt. Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, trong 7 tháng tính từ tháng 12-2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt, làm 5 người chết. So với cùng kỳ năm 2009 giảm 5 vụ (62,5%), giảm 4 người chết (44,4%), không có người bị thương (năm 2009 là 5 người).
Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý đường sắt với các ngành chức năng và các địa phương có đường sắt đi qua chặt chẽ hơn. Đồng thời, hoạt động của Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt của tỉnh (gồm cơ quan công an và ngành đường sắt) ngày càng đi vào nền nếp. Đáng kể nhất là những nỗ lực trong xóa các "điểm đen" tồn tại trên tuyến đường. Điển hình là việc đề nghị xây dựng rào chắn có người gác ở đường ngang dân sinh đoạn km61+500 khu vực Ba Hàng từ quốc lộ 5 vào huyện Thanh Hà. Đây là 1 "điểm đen" điển hình về TNGT đường sắt. Theo Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà - Hải, năm 2009, riêng tại điểm này đã xảy ra 8 vụ tai nạn, làm 6 người chết, 9 người bị thương, làm hư hỏng nặng 6 ô-tô, 1 xe máy. Để xử lý được “điểm đen” này, trong nhiều năm, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) và Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà - Hải đã kiên trì kiến nghị với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị quản lý về hạ tầng đường sắt) xây dựng gác chắn hoặc bố trí người cảnh giới. Sau nhiều văn bản qua lại, tại vị trí này đã được xây dựng gác chắn, có nhân viên luân phiên cảnh giới. Do đó, 7 tháng qua, điểm giao cắt này không xảy ra tai nạn. Ngoài ra, bằng nguồn vốn công ích, ngành đường sắt đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hầm chui đường sắt cầu Phú Lương, đã giải phóng được ách tắc giao thông đường bộ khi người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, việc giải tỏa, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt đã được thực hiện nghiêm chỉnh. Đa số nhân dân sinh sống 2 bên đường sắt đã tự nâng cao ý thức về thực hiện các quy định của Luật Đường sắt. Hành lang theo suốt chiều dài đường sắt qua địa bàn tỉnh cơ bản được giữ nguyên trạng, ít bị xâm phạm. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn đường sắt được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn. Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt của tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, của tỉnh và Ban Thanh tra đường sắt I (Cục Đường sắt Việt Nam) tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, thi tìm hiểu Luật Đường sắt và các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho người dân, công nhân, học sinh thường xuyên phải qua lại đường sắt ở các khu vực có đường tàu đi qua.
Có thể nói, chưa bao giờ trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh được bảo đảm có hiệu quả như thời điểm hiện tại. Điều này được cụ thể hóa bằng con số liên quan đến các vụ tai nạn đường sắt, thể hiện rõ sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và an toàn chạy tàu. Phát huy kết quả này, cùng với việc duy trì các biện pháp thực hiện, các ngành chức năng cần quan tâm đúng mức việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tránh tâm lý chủ quan, lơ là. Kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm đường sắt của các hộ dân, doanh nghiệp sinh sống, kinh doanh ven 2 bên đường sắt. Ngăn chặn tình trạng mở đường ngang tự phát và dẹp bỏ các đường ngang đã mở trái phép qua đường sắt. Tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng các rào chắn đường ngang ở nơi có đông người và phương tiện qua lại. Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và an toàn đường sắt nói riêng.
TIẾN HUY