Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ
Thị trường - Ngày đăng : 06:35, 07/07/2010
Thực hiện chủ trương hạ lãi suất, một số ngân hàng đã công bố điều chỉnh hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, tổ chức vay vốn. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.
Lãi suất tại một số ngân hàng hiện vẫn ở mức cao (13-14,5%/năm), doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ |
Thực hiện chủ trương hạ lãi suất của Chính phủ ở mức 12%/năm (đối với lãi suất cho vay), mới đây một số ngân hàng thương mại đã công bố điều chỉnh hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, tổ chức vay vốn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, khách hàng nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.
Chủ trương hạ lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được xem là động thái tích cực giúp doanh nghiệp giảm áp lực về gánh nặng lãi suất, đồng thời thúc đẩy việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Hưởng ứng chủ trương đó, mới đây một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã công bố giảm lãi suất cho vay. Ngày 30 - 6, 3 ngân hàng thương mại nhà nước là Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hải Dương, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hải Dương và Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Hải Dương đã đồng loạt thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VNĐ về mức mục tiêu, tức khoảng 12%/năm, áp dụng ngay từ 1 - 7 - 2010. Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hải Dương đã yêu cầu các phòng, điểm giao dịch của chi nhánh áp dụng lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa là 12%/năm. Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hải Dương quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống mức 12,3%/năm đối với ngắn hạn và 13%/năm đối với món vay trung và dài hạn, áp dụng từ ngày 1 - 7 - 2010. Tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Hải Dương, đối với những khoản vay VNĐ ngắn hạn áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất được giảm xuống mức tối đa là 12,5%/năm, chính thức áp dụng từ ngày 1 - 7 - 2010. Còn đối với một số ngân hàng khác như Chi nhánh Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh Ngân hàng quốc tế, Chi nhánh Ngân hàng Sài gòn Thương tín… lãi suất cho vay cũng đã được điều chỉnh giảm, dao động ở mức 13 – 15,5%/năm từ giữa tháng 6. So với mức lãi suất 16 – 17%/năm hồi cuối quý I, đầu quý II thì đây được xem là đợt giảm lãi suất khá mạnh. Vậy nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận ngay được nguồn vốn giá rẻ này mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: hợp đồng tín dụng, chu kỳ sử dụng vốn và cả khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng…
Anh Tăng Xuân Trường, giám đốc Công ty TNHH Xuân Trường (Gia Lộc), doanh nghiệp chuyên sản xuất, thu mua nông sản cho biết: Những tháng đầu năm, lãi suất ngân hàng lên tới 16 - 17%/năm, mỗi tháng công ty phải trả lãi hàng chục triệu đồng, với mức lãi vay cao như vậy, doanh nghiệp có muốn đầu tư, mở rộng sản xuất cũng không dám vì mạo hiểm và rủi ro cao. Gần đây, nghe nói các ngân hàng đang thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay nhưng sau khi tìm hiểu cơ chế vay vốn tại một số ngân hàng, doanh nghiệp vẫn thấy lãi suất nhiều ngân hàng còn rất cao (14 - 15%/năm), một số ngân hàng lãi suất có thể chấp nhận được ở mức 12 - 13%/năm thì thủ tục và cơ chế còn quá rườm rà, quá nhiều điều kiện khiến doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn giá rẻ.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP May II Hải Dương cho biết: Hiện nay nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay nhưng trên thực tế, công ty vẫn được một số ngân hàng chào vay với mức lãi suất 14 - 14,5%/năm kèm theo ghi chú lãi suất có thể thỏa thuận. Đại diện công ty cũng cho biết thêm, doanh nghiệp luôn chịu bất lợi trong vay vốn vì khi lãi suất thị trường lên thì ngân hàng điều chỉnh lên, nhưng lãi suất hạ thì họ lại không điều chỉnh xuống. Doanh nghiệp phải đợi tới khi đáo hạn mới được hưởng lãi suất mới. Do đó, Nhà nước nên có chính sách với lãi suất dài hạn và bền vững để doanh nghiệp có hướng đầu tư, phát triển sản xuất lâu dài.
Theo một số ngân hàng trên địa bàn, hiện chưa thể giảm lãi suất cho vay vì thực tế lãi suất huy động vẫn đang ở mức cao, trong khi đó giảm lãi suất huy động nhưng vẫn đang áp dụng nhiều hình thức khuyến mại để thu hút nguồn vốn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Hải Dương cho biết: VIDB Hải Dương là một trong những ngân hàng đầu tiên trên địa bàn thực hiện giảm lãi suất cho vay, thực tế nếu không giảm lãi suất cho vay thì cũng không thể cho vay được vì hiện nay các ngân hàng hiện đang cạnh tranh quyết liệt. Vì thế giảm lãi suất cho vay sẽ có sự cạnh tranh về lãi suất, chất lượng phục vụ. Ngân hàng nào có giá vốn thấp sẽ cho vay với lãi suất thấp. Khi đó, khách hàng nào càng có uy tín, dự án khả thi… sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, mỗi doanh nghiệp cần chủ động sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất, đầu tư vào những ngành lĩnh vực có tính khả thi cao, có như vậy doanh nghiệp mới đạt được lợi nhuận kỳ vọng.
H.V