Nỗi lo trẻ béo phì
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 06:10, 08/07/2010
Cuộc sống hiện đại, thói quen ăn vặt bánh kẹo, hoa quả, đồ hộp, ít vận động... là những nguyên nhân gây thừa cân ở trẻ em, đặc biệt là dịp nghỉ hè.
Chị Thu Hà ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có con trai 7 tuổi nhưng cân nặng 41kg than thở: Càng ngày cu cậu càng ăn nhiều hơn, ngồi xem phim cũng phải có gói bim bim nhí nhách. Bữa cơm lại rất thích ăn thịt, lười ăn rau nên càng ngày càng béo. Chị Mai Phương ở thị trấn Nam Sách cùng chung nỗi lo: Trước đây, muốn cho con có đủ sức khoẻ vào lớp 1, tôi chăm quá thế là con bé béo lên trông thấy. Vào lớp 1, do rảnh rỗi, tôi không cho con học bán trú mà đón về nhà. Bé thích ăn đồ rán, bánh kẹo, chiều con, tôi cho ăn thoải mái. Kết quả là bé phát phì, mới có 6 tuổi mà đã nặng 35 kg. Giờ đây muốn giảm cân cho con cũng khó vì lúc nào bé cũng có cảm giác thèm ăn. Không chỉ ở thành thị, nông thôn thời hiện đại cũng có nhiều trẻ béo phì. Con trai chị Ngọc ở Lai Vu (Kim Thành) dù gia đình không khá giả gì nhưng cũng thừa cân do bé thường xuyên thích ăn đồ ngọt.
Xu hướng trẻ thừa cân ở thành thị nhiều hơn nông thôn. Trẻ em mập mạp khoẻ mạnh là tốt, song béo phì thừa cân thì lại là nỗi lo rất lớn.
Phần lớn trẻ thừa cân thường vận động chậm chạp, ngại tham gia các hoạt động tập thể trong nhà trường. Béo phì thường không tỷ lệ thuận với kết quả học tập, tư duy các em thường chậm hơn các bạn cùng độ tuổi và rất nhiều em học kém. Ngoài ra, trẻ thường mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc nên không ít em có biểu hiện trầm cảm, tự kỷ, khó gần. Thừa cân ở trẻ em còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm: Máu nhiễm mỡ, tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao... Và thừa cân ở trẻ em chính thức được gọi là bệnh: bệnh béo phì.
Nguyên nhân gây béo phì chính là chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý. Cha mẹ tạo cho trẻ thói quen ăn những thức ăn quá nhiều chất béo, đường, ít chất xơ. Ăn nhiều, ngủ nhiều, lười vận động, suốt ngày chỉ ngồi học rồi xem phim, đọc truyện... khiến lượng ca-lo nạp vào mà không tiêu thụ dẫn đến thừa cân. Thừa cân ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, học tập, đồng thời còn ảnh hưởng tới tương lai của trẻ. Những người mắc bệnh béo phì thường không khoẻ như thân hình đồ sộ của họ và năng suất lao động không cao do đó cơ hội việc làm cho họ trong xã hội hiện đại rất khó khăn.
Nhiều bậc cha mẹ chưa thật sự hiểu biết về bệnh béo phì và do đó không tỏ ra lo lắng khi con mình thừa cân. Cá biệt có bà mẹ còn để mặc con ăn uống theo sở thích mà không có biện pháp khống chế để kiểm soát trọng lượng cơ thể của trẻ. Trong dịp nghỉ hè, để hạn chế trẻ ra ngoài sợ ảnh hưởng của môi trường xã hội, nhiều bà mẹ chọn giải pháp mua thật nhiều thức ăn vặt để trong tủ lạnh, cho con ở nhà xem truyền hình rồi đọc sách, báo... đó chính là điều kiện để trẻ tăng cân và béo phì.
Muốn giúp trẻ béo phì giảm cân thì cha mẹ cần có hiểu biết về chế độ dinh dưỡng. Phải phân tích cho trẻ hiểu tác hại của bệnh béo phì để bé hợp tác trong quá trình luyện tập. Rèn cho trẻ thói quen không ăn vặt, hạn chế ăn những thức ăn chứa nhiều đường và chất béo, tăng cường ăn rau xanh, uống nhiều nước để tiêu bớt lượng mỡ trong cơ thể. Ngoài chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống phải hướng dẫn trẻ luyện tập thể dục buổi sáng, bơi lội, chơi thể thao... Ngoài ra, cha mẹ nên động viên trẻ tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh của trẻ em nơi sinh sống.
Hạn chế nguy cơ gây bệnh béo phì là cha mẹ đã giúp cho trẻ có một tương lai tươi sáng hơn.
PHƯƠNG NGOAN (Thanh Hà)