Trà Dr Thanh cố tình quảng cáo lập lờ lừa khách hàng?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:00, 22/07/2010
Quảng cáo kiểu “bốc đồng” và sai sự thật?
Như đã đề cập về tính thanh lọc cơ thể ở bài trước, các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế cho rằng, tác dụng “thanh nhiệt, thanh lọc, không lo bị nóng” của nước giải khát có tên là trà thảo mộc Dr Thanh (sau đây gọi tắt là trà Dr Thanh) của công ty TNHH thương mại, dịch vụ Tân Hiệp Phát cần được mổ xẻ rõ. Thậm chí một số chuyên gia nói thẳng quan điểm, mẩu quảng cáo của trà Dr Thanh rất khó tin đối với số ít những người am hiểu lĩnh vực này và dễ đánh lừa với số đông người tiêu dùng.
Theo Ts. Bs. Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng, trong quảng cáo có đoạn trà thảo mộc Dr Thanh có tác dụng “thanh nhiệt, thanh lọc, không lo bị nóng” và đã được các nhà nghiên cứu chứng minh lâm sàng là không ổn.
“Có tác dụng “thanh nhiệt”, vậy đã có vị khoa học nào đã đưa ra số liệu chứng minh chưa?. Từ này dân gian quá!. Dù có tác dụng thanh nhiệt theo dân gian, nhưng cũng không được nói là nhà khoa học đã chứng minh điều này,...”, TS.Mai phân tích.
TS.Mai đặt câu hỏi, còn tính “thanh lọc thì sao?, hay chỉ có mỗi nồng độ chống oxy hóa (GSH trong máu) có “xu hướng” tăng lên và nồng độ chức năng gan (GOT, GPT) giảm xuống thì kết luận là có “thanh lọc và giải độc cơ thể”. Liệu có thể kết luận và quy chiếu ngay như thế không?. “Không lo bị nóng” thì chắc là các nhà khoa học mang “nhiệt kế” để đo “nhiệt độ” cơ thể chăng?.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, quảng cáo sản phẩm trà Dr Thanh “thanh lọc cơ thể” là không đúng, vì trên thực tế chưa có sản phẩm nào tương tự lại “thanh lọc cơ thể” tuyệt vời như vậy.
Lương y Nguyễn Thiên Tích, nguyên Chủ tịch hội đồng đông y VN cũng khẳng định, với thành phần như trên vỏ chai nước giải khát trà thảo mộc Dr Thanh thì không có tác dụng như quảng cáo. Ông cũng đặt dấu hỏi "thanh lọc" ở đây là thanh lọc cái gì?.
Không những quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà ngay trên website của công ty Tân Hiệp Phát, những mẩu ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu đề tài trà thảo mộc, được Tân Trường Phát “cắt dán” đưa lên trang web như một phần quảng cáo cho sản phẩm trà Dr Thanh.
Xin được trích dẫn đoạn quảng cáo kèm theo của trà Dr Thanh, trên website này: “TS Nguyễn Văn Bình, giảng viên Học viện Quân y 103, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về y dược và mới đây là trà thảo mộc cho biết, ông và các cộng sự vừa hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học về trà thảo mộc Dr Thanh-loại nước giải khát có tác dụng thanh lọc cơ thể đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường…”.
Chưa đề cập sâu và chi tiết nội dung của các trích dẫn này (chúng tôi sẽ nêu rõ phần này trong những bài tiếp theo), mà chỉ cần đọc đến tên giảng viên trong trích dẫn này chúng tôi đã thấy chưa chuẩn xác. Chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với chủ nhiệm đề tài về trà thảo mộc này và cũng được xác nhận ngay chính trên một số báo, cũng từng đăng tải chủ nhiệm đề tài về tính an toàn và một số tác dụng của trà thảo mộc Dr Thanh là PGS.TS Nguyễn Văn Minh, thuộc Học viện Quân y Việt Nam.
“Lách” để quảng cáo
Một vấn đề nữa cần xem xét đó là kiểu “lách luật” quảng cáo sản phẩm, gây nhầm tưởng cho người tiêu dùng. Trà thảo mộc Dr Thanh là loại nước giải khát thông thường nhưng cách quảng cáo thì không khác gì một sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng (trà thảo mộc là một trong những sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng).
Theo quảng cáo của trà Dr Thanh, thành phần chính của trà hoàn toàn lấy từ 9 thảo dược quý trong thiên nhiên và đã được chứng minh lâm sàng.Nếu thường xuyên uống và uống nhiều sẽ giảm được nhiều bệnh của cơ thể và khả năng thanh lọc cơ thể cao.
Trong khi đó, Ông Trần Đáng xác nhận , đây chỉ là một loại nước uống giải khát thông thường không được coi là thực phẩm chức năng.
Một vấn đề nữa gây nhầm tưởng cho người tiêu dùng, chính là việc sản phẩm đã được chứng minh lâm sàng (Vì nếu là sản phẩm chức năng thì phải được cơ quan có đủ thẩm quyền chứng minh lâm sàng). Ông Đáng khẳng định, như thế là quảng cáo đang đánh lừa người tiêu dùng, làm cho họ ngộ nhận đây là một sản phẩm tuyệt vời.
Để chứng minh cho nhận định này, ông Đáng phân tích, nếu ai đã từng xem quảng cáo về sản phẩm trà Dr Thanh sẽ không thể quên được câu “Trà Dr Thanh thanh lọc hiệu quả đã được chứng mình bới các chuyên gia đầu ngành”. Vậy thử hỏi là sản phẩm này thanh lọc cơ thể như thế nào? Hiệu quả đã được chứng minh chưa? Hội đồng nào chứng minh? Ngoài ra cũng phải trả lời được câu hỏi ai là chuyên gia đầu ngành cao nhất tại việt nam? Riêng tôi với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội là không biết đến việc này, cũng như các chuyên gia đầu ngành tại đây cũng không biết.
TS. Mai cho rằng, nếu không có thêm câu “đã được chứng minh lâm sàng” thì có lẽ người dân bớt bị hiểu sai, mua sai. Còn nếu muốn sử dụng “đã được chứng minh lâm sàng” thì hãy dùng các ngôn từ cho đúng với kết luận của nghiên cứu, đừng cố làm cho người tiêu dung hiểu sai.
“ Vì vậy, việc quảng cáo quá mức đã làm cho nhiều người hiện nay tin và ai cũng tưởng rằng cứ uống là thanh nhiệt và thanh lọc. Và vô hình chung, người tiêu dùng tự biến họ trở thành một “thùng chứa nước” mà không biết rằng mình đang rót thêm cho cơ thể những nguy cơ tiềm ẩn có hại cho sức khỏe nếu như không được hiểu đúng, làm đúng...” TS. Mai nói.
Trên thực tế, việc chứng minh lâm sàng không phải cơ sở y tế nào cũng được quyền làm thí nghiệm lâm sàng và quy trình làm thí nghiệm này cũng không thể chóng vánh và dễ dàng. Bởi tính khoa học được thể hiện một cách chắc chắn thông qua các kết quả thử nghiệm, rất chi tiết.
Quá dễ dãi với quảng cáo
Một chuyên gia hoá thực phẩm cho biết, để ra được sản phẩm nước giải khát thông thường, thủ tục khá đơn giản. Doanh nghiệp chỉ cần có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là có thể sản xuất các loại nước giải khát này ra thị trường. Trong khi đó để cấp phép sản xuất cho sản phẩm là thực phẩm chức năng thì phức tạp hơn nhiều. Phải chứng minh thành phần thảo dược từ thiên nhiên, công dụng và phải có thử nghiệm lâm sang…
Vì là giải khát thông thường nên khâu đánh giá tác dụng chữa bệnh “bị” bỏ qua mà chỉ có khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó. khi sản phẩm tung ra thị trường, trà Dr Thanh được quảng cáo rầm rĩ như một thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh.
Kiểu quảng cáo này hiện vẫn nhan nhản trên thị trường, nhất là trên thị trường nước giải khát. Vì sao có sự dễ dãi này? Xem lại quy trình đưa thông tin quảng cáo lên các phương tiện đại chúng cho thấy, quy trình này khá đơn giản, nhanh, thoáng.
Trực tiếp nhà sản xuất có thể mang mẩu quảng cáo sản phẩm của mình hoặc loại bài tự viết về sản phẩm, đem đến các cơ quan thông tin đại chúng, ký hợp đồng thông tin quảng cáo. Đi kèm hợp đồng là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm đó là xong. Còn ngôn từ, hình ảnh trong quảng cáo nhà sản xuất “lách” thế nào tuỳ thích.
Sự dễ dãi này dẫn đến việc doanh nghiệp muốn quảng cáo lợi dụng và vô tình tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng khi thấy sản phẩm này được ca ngợi trên một số tờ báo uy tín. Với quảng cáo về tác dụng chữa bệnh, kèm theo những lời ca ngợi trên báo, người tiêu dùng không uống, không bỏ tiền ra mua mới là lạ.
(Theo VnMedia)