Người Việt đã bớt sính ngoại

Thị trường - Ngày đăng : 14:08, 24/07/2010

Theo kết quả của một cuộc điều tra thông qua chương trình phát động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, số người Việt chuyểnsang dùng các mặt hàng trong nước sản xuất đã đã tăng từ 23% lên 58%.


Không khí mua sắm của công nhân tại một phiên chợ một vùng quê
Thông tin trên đã được ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chia sẻ tại buổi sơ kết 6 tháng chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội. Điều này cho thấy người Việt đã bớt sính hàng ngoại.

Xu hướng tiêu dùng đã thay đổi

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", trong thời gian 7 qua, việc thực hiện cuộc vận động đã có chuyển biến rõ nét ở cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nếu so với kết quả điều tra tiến hành tại 16 nước châu Á của Grey Group (Mỹ), với kết quả cuộc điều tra mới đây của một doanh nghiệp truyền thông trong nước, về hiệu quả của chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" sau gần 1 năm được Bộ Chính trị phát động, thì nhận thức, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi.

Kết quả điều tra của Grey Group công bố tháng 1/2010, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam chuộng các thương hiệu nước ngoài, chỉ có 23% người tiêu dùng Việt chuộng hàng trong nước. Còn theo kết quả điều tra mới đây thì có 58% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng hàng Việt. Đây là mức tăng đáng kể về xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam.

Điều này thể hiện thông qua việc “Đưa hàng Việt về nông thôn”, trong 7 tháng đi vào hoạt động, chương trình này đã có 31 phiên chợ được tổ chức tại 16 tỉnh thành trên 3 miền đất nước (trong đó có 3 tỉnh miền Bắc, 4 tỉnh miền Trung và 9 tỉnh miền Nam). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp qua các kỳ thực hiện là 21 tỉ 15 triệu đồng, với 484.710 lượt người đến tham quan và mua sắm ….

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), khi các doanh nghiệp không thể chiếm lĩnh các kênh truyền hình, các kênh bán lẻ thì việc tổ chức đưa hàng về nông thôn, xây dựng hệ thống phân phối chân rết hàng Việt tại các địa phương là hết sức cần thiết.

Điều này thể hiện qua việc đưa hàng Việt về nông thôn đã thu hút được khá nhiều người dân  tại các vùng miền doanh nghiệp đi qua. Trong quá trình thực hiện tổ chức chương trình hàng Việt  ban tổ chức đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía người tiêu dùng nông thôn: “Bây giờ dùng hàng Việt Nam lại thấy an tâm hơn”, an tâm hơn là vì hàng Việt không bị các vấn nạn như sản phẩm có độc tố, an tâm vì được người bán hàng hướng dẫn sử dụng và cam đoan bảo hành, bà Kim Hạnh nói.

Đồng tình với bà Kim Hạnh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Hồ Thị Kim Thoa nhận định rằng, người Việt đang thay đổi tư duy tiêu dùng và chuyển dần từ việc hàng ngày mua hàng ngoại, sang thường xuyên mua hàng nội. Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong nước.

Vẫn còn nhiều bấp cập

Theo thông tin được các đại biểu chia sẻ tại buổi sơ kết 6 tháng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại nhiều nơi, cuộc vận động vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá đát…làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.

Bên cạnh đó, năng lực của một số doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cậ́p, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng và giá cả chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, ngân sách để thực hiện các chương trình còn khá hạn hẹp, các doanh nghiệp phải đi vào những nơi rất xa, khó khăn về giao thông, những nơi này từ trước tới nay các công ty chưa bao giờ đến.

Do vậy, để tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, cần có một cơ chế chính sách rõ ràng và làm sao để người cuộc vận động đi đến người tiêu dùng, từng người dân, chứ không chung chung, hình thức bên trên.

Trước hết là tập trung sản xuất ra hàng hóa đảm bảo đúng yêu cầu với giá thành cạnh tranh. Xây dựng bản đồ hệ thống phân phối ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mở cửa hệ thống bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO từ 1/1/2009 giúp hàng hóa Việt Nam có thể bám rễ vững chắc tại thị trường nội địa. Cùng với đó cần có những tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân có thêm nhận  thức về việc này”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

(Theo VnMedia)