Công tác tuyên giáo trong thời kỳ đổi mới

Tin tức - Ngày đăng : 06:30, 26/07/2010

Trong 20 năm đổi mới, công tác tuyên giáo đã góp phần hình thành và từng bướchoàn thiện hệ thống lý luận vừa hợp quy luật, vừa hợp lòng dân, đưađường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, mở rộng dân chủ trong xã hội...

Từ sau khi đất nước thống nhất (1975) đến nay, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới, nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, bản chất cách mạng và khoa học, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt lên giành thắng lợi. Công tác tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác tuyên giáo thời kỳ này đã góp phần hình thành và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận vừa hợp quy luật, vừa hợp lòng dân, đưa đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, mở rộng dân chủ, khơi dậy sự sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, vượt qua nhiều thử thách để có những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại.

Thành quả của công cuộc đổi mới gắn liền với đổi mới tư duy lý luận của Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn đã góp phần phát triển đường lối, xây dựng luận cứ khoa học cho những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, hình thành hệ thống các quan điểm đổi mới của Đảng trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm rõ hơn quan niệm về CNXH và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Đề ra Cương lĩnh và Chiến lược xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Ngành tuyên giáo đã tham mưu cho Đảng nhiều luận điểm mới về văn hoá, giáo dục, khoa học, chăm sóc sức khoẻ nhân dân... trong đường lối đổi mới. Lý luận xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nhấn mạnh văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hoá, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kỷ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, sống lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Phát triển lý luận về con người, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển. Con người là chủ thể sáng tạo ra mọi của cải vật chất và sản phẩm tinh thần, là động lực quan trọng nhất của quá trình phát triển, con người Việt Nam là tài sản quý giá nhất của đất nước ta.

Bước sang thế kỷ 21, công tác tuyên giáo đã dồn sức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại lên tầm cao mới… Công tác tuyên giáo ngày càng bám sát thực tiễn, dự báo, phát hiện, đề xuất và tham gia xử lý những vấn đề bức xúc. Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để định hướng và giải quyết những vấn đề tư tưởng liên quan đến phát triển, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an sinh xã hội... Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO từ tháng giêng năm 2007 và Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (năm 2008 - 2009) khẳng định Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu vào các quá trình toàn cầu, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Sau gần 25 năm đổi mới, đất nước ta đã thu được những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” như Nghị quyết Đại hội X đã khẳng định. Đó là công lao của toàn Đảng và nhân dân ta, trong đó công tác tuyên giáo giữ vai trò quan trọng.