Dì Huệ

Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:21, 31/07/2010


Minh họa: Phùng Anh Bản

Bà ngoại tôi sinh được tám người con thì có những sáu người là trai, chỉ có hai gái là mẹ tôi và dì Huệ. Mẹ tôi là chị cả còn dì Huệ là em út. Tôi lại là con gái lớn của mẹ nên tuổi tôi và tuổi dì không cách nhau bao xa. Dì Huệ hơn tôi đúng hai tuổi. Nhà bà ngoại lại toàn đa đinh, cháu gái rất hiếm nên tôi chỉ thân được với dì và dì cũng rất thích chơi với tôi.

Ngoài bốn mươi tuổi bà ngoại tôi mới sinh dì Huệ nên tạng dì có vẻ ốm yếu, trông người cứ yểu điệu như tiểu thư. Da dì trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như tô son,  càng lớn dì càng đẹp. Bao nhiêu cái duyên dồn hết vào dì, đã có hai lúm đồng tiền sâu hoắm lại có chiếc răng khểnh rất xinh. Ai nhìn thấy dì cũng xuýt xoa khen. Vì là con út nên dì Huệ được cả nhà cưng chiều, hầu như không phải mó tay vào việc gì. Dì chỉ có mỗi việc ăn, chơi và cắp sách đi học. Đến việc bế cháu mà các cậu mợ tôi cũng không dám nhờ dì, sợ dì kêu mệt thì bà ngoại lại làm ầm lên. Lâu dần thành thói quen, dì lười kinh khủng và chẳng biết làm việc gì ra hồn. Mẹ tôi không hài lòng chút nào nhưng hễ hé miệng ra góp ý là bà ngoại bênh dì chằm chặp: "Cả nhà có mỗi mình con Huệ thiệt thòi, sinh ra thì thầy chúng mày đã mất rồi. Các anh các chị đừng có tị nạnh với em nó". Mẹ tôi đành thở dài, hậm hực một mình: "Để rồi xem, cái ngữ ấy có mà ế chồng".

Thế nhưng dì Huệ không những không "ế chồng" như lời mẹ tôi trù dập mà dì còn rất đắt chồng. Học chưa hết cấp III mà đã hết anh này anh kia ngấp nghé đầu cổng. Dì học hành sa sút, đâm ra chán học, quyết định bỏ học, không thiết gì đến chuyện thi cử nữa. Biết vậy, bà ngoại tôi cứ khóc đứng khóc ngồi, than vắn thở dài: “Trời ơi! Mong cho con học hành tử tế để không thua chị kém anh mà con lại không chịu học. Sau này có cái nghề nuôi thân đỡ vất vả có phải sướng không". Mẹ tôi và các cậu tôi họp gia đình ra sức khuyên nhủ nhưng dì Huệ nhất mực không nghe. Triết lý của dì là: "Tốt số còn hơn bố giàu". Dì nói với tôi những câu xanh rờn: “Nụ ơi! Dì sẽ chọn một ông chồng giàu có, biết chiều chuộng để dì không phải chân lấm tay bùn. Tội gì phải học nhiều cho đầu to mắt trố như mẹ Hoa của mày mà vẫn vất vả, phải một mình gánh vác giang sơn". Dì nói cũng đúng. Mẹ tôi là giáo viên cấp II, thời bao cấp thì lương không đủ ăn, phải nai lưng ra làm thêm: Nào trồng rau, nuôi lợn, xin thầu ruộng ngoài đê để trồng ngô, trồng khoai. Cả năm bố tôi mới về phép được một, hai lần nên cũng chẳng giúp được gì nhiều cho ba mẹ con tôi. Nhìn mẹ và dì đi với nhau, nhiều người lầm tưởng là hai mẹ con chứ không phải hai chị em. Mẹ tôi già trước tuổi vì bao việc đổ lên đầu còn dì thì cứ phơi phới. Tóc dì dài chấm khoeo, đen óng. Cả làng tôi không ai có mái tóc đẹp như thế. Vậy mà mẹ tôi chả khen dì vì những thứ tóc dài, môi đỏ ấy. Mẹ bảo. "Cái nết đánh chết cái đẹp. Hồng nhan thì vất vả chứ sung sướng gì". Nhưng tôi chưa thấy dì vất vả tí nào.

Ngược lại với dì Huệ, tôi là con lớn nên mẹ tôi huấn luyện cho tôi biết làm đủ mọi việc, kể cả những việc của đàn ông con trai. Mẹ tôi thường bảo: "Mẹ không được ông bà nuông chiều nên bây giờ mẹ mới quán xuyến được công việc gia đình cho bố con yên tâm công tác xa nhà". Tôi nghe lời mẹ nên rất chăm chỉ. Thấy tôi như vậy, dì Huệ hay bĩu môi: "Làm vừa vừa  thôi, cứ tưởng chăm chỉ là dễ lấy chồng à?". Lần nào gặp tôi dì cũng bắt tôi chìa hai bàn tay ra để so với hai bàn tay búp măng nõn nà của dì. Dì tự hào về bàn tay của mình lắm: "Nụ biết không? Nhìn bàn tay là đoán biết được người ta sướng hay khổ". Tôi tin lời dì một cách ngây thơ nên chẳng buồn tranh luận làm gì. Tay tôi đầy vết chai vì tát nước, gặt thuê để lấy gốc rạ về đun, tiết kiệm từng tí một. Tôi có nước da bánh mật và tóc hoe vàng, lại chẳng có răng khểnh và lúm đồng tiền như dì nên tôi không thuộc loại con gái xinh đẹp. Tôi luôn nghĩ có lẽ số tôi không sướng được như dì.

Dì Huệ bỏ học, để lại toàn bộ sách vở cho tôi. Tôi thích lắm, cứ chúi mũi vào đọc, bị dì củng vào đầu: "Con mọt sách! Đàn bà con gái học lắm làm gì. Lấy chồng sớm để chồng nuôi". Tưởng dì nói đùa, ai ngờ dì lấy chồng sớm thật. Còn hai tháng nữa mới đủ tuổi đăng ký kết hôn nhưng dì vẫn cưới. Tôi tưởng dì phải lấy một người chồng đẹp trai, hào hoa phong nhã cho xứng đôi vừa lứa, nào ngờ dì lấy chú Phong, cùng làng, hơn dì đúng một giáp, người thì lùn, da lại đen, đầu bị hói. Hôm chú rể ra mắt, ai cũng tròn xoe mắt rồi xì xào bàn tán. Cả nhà bà ngoại tôi, từ trên xuống dưới đều không hài lòng nhưng chuyện trăm năm của dì thì không ai dám ngăn cản. Lý do một phần là hình thức của chú Phong quá chênh lệch so với dì Huệ nhưng lý do chính vì chú Phong là con trưởng, con trai duy nhất của dòng họ Nguyễn Đình ở làng tôi. Cả nhà lo xa sợ dì Huệ không sinh được con trai rồi lại khổ một đời vì hủ tục bao đời nay nhưng dì Huệ gạt đi: Con quyết định rồi, sướng khổ con chịu tất". Dì đã nói thế thì chẳng ai lên tiếng làm gì nữa.

Tôi biết chú Phong theo đuổi dì từ lâu, chiều chuộng dì hết mức, mua cho dì nào dây chuyền, lắc tay, nước hoa xịn... Nhưng tôi không nghĩ dì sẽ lấy một người chồng vừa già vừa xấu như thế vì tính dì rất chú trọng hình thức. Tôi hỏi thẳng dì: "Sao bao nhiêu người đẹp trai, trẻ trung đến hỏi mà dì không lấy?". Dì nguýt dài: "Mày ngố lắm, Nụ ơi! Những đứa con gái thông minh không bao giờ thèm lấy chồng trẻ và đẹp trai.  Phải lấy người yêu mình nhiều hơn mình yêu thì sẽ được hạnh phúc, hiểu chưa".

Quả thật, hình thức chú Phong không xứng với dì Huệ tí nào nhưng tính nết của chú thì không ai chê vào đâu được. Dần dà, chú làm cả nhà vừa lòng, đến bà ngoại và mẹ tôi là những người rất khó tính cũng phải khen. Nhà có công to việc lớn chú đều xắn tay áo xông vào làm, chẳng nề hà việc gì. Mang tiếng đi Đức gần chục năm nhưng chú vẫn giữ được nếp nhà, có của ăn của để nhưng không khoe khoang, không hách dịch, không ngồi rồi. Riêng khoản chiều vợ, chăm vợ thì không ai bằng chú. Mới lấy chồng được vài tháng mà dì Huệ béo đẹp ra nên ai cũng khen chú Phong "mát tay". Nhưng càng được chiều thì dì Huệ càng lấn tới, đã lười lại càng lười thêm. Bề ngoài ai cũng tưởng vợ chồng dì hạnh phúc lắm nhưng thực ra không phải thế. Cho đến một hôm, tôi sững sờ khi thấy chú Phong chở dì Huệ cùng một chiếc hòm to tướng đến giao cho mẹ tôi. Chú kể tội dì một tràng dài, chung quy tại dì không làm tròn bổn phận của người vợ là "nâng khăn sửa túi" cho chồng, đến cả việc rửa bát, giặt quần áo dì cũng phó thác cho chồng. Cuối cùng chú Phong kết luận: "U thì già rồi, em không muốn u vì việc này mà phiền lòng. Chị là chị cả nên em giao cô ấy về cho chị dạy bảo giúp em. Em lấy vợ chứ không phải lấy nợ". Mẹ tôi tức đỏ mặt lên: "Chú và dì đã tìm hiểu chán chê rồi mới lấy nhau. Em tôi có lớn mà không có khôn, đã gả về nhà chú rồi thì chú có trách nhiệm dạy bảo. Tôi chỉ tham gia góp ý phần nào thôi. Tốt nhất là chú chở dì ấy với cái hòm này về nhà, rồi dạy bảo vợ dần dần. Có phải cái áo đâu mà muốn vứt thì vứt đi bằng được". Thế là sau một hồi dì Huệ vùng vằng, chú Phong năn nỉ, hai người chào mẹ tôi ra về. Đến khi chú Phong và dì Huệ có con trai đầu lòng rồi mẹ tôi mới nhắc lại "sự kiện" ấy. Chú Phong cười trừ: "Em làm thế chỉ để dọa nhà em thôi, cũng là một cách để dạy vợ, chứ ai mới cưới nhau được vài tháng đã đòi bỏ". Dì Huệ vẫn lên mặt như mình có giá lắm: "Em thách anh ấy bỏ được em đấy. Có các vàng cũng chả rời ra được". Từ khi dì Huệ sinh cu Minh, có con trai, chú Phong càng yêu vợ hơn nhưng tính nết dì cũng đã thay đổi nhiều, biết lo toan việc nhà chồng chứ không như hồi đầu mới về làm dâu.

Từ ngày dì Huệ lấy chồng, tôi ít gặp và nói chuyện với dì vì tôi còn bận học. Tôi học đại học xong, đi làm 5 năm vẫn chưa nghĩ đến chuyện chồng con. Lần nào nhìn thấy tôi dì cũng giục rối rít: "Lấy chồng đi! Có anh nào chưa? Để dì làm mối cho nhé, gần ba mươi tuổi còn gì, định ở nhà làm bà cô à?". Mẹ tôi thì cứ lo tôi "ế" và đem ra so sánh với dì: "Dì Huệ hơn có hai tuổi mà đã con bồng con bế, lại chuẩn bị xây nhà cao cửa rộng. Đằng này thì..." - Mẹ bỏ lửng câu nói và thở dài. Tôi cười: "Mẹ yên tâm, cái gì đến rồi sẽ tự khắc đến".

Ngày tôi lấy chồng, ngày đại hỉ của gia đình tôi thì lại là ngày đau buồn nhất đối với gia đình dì Huệ. Cu Minh bị chết đuối ở con sông chảy qua làng vì theo chúng bạn đi tắm. Cả nhà muốn giấu chuyện ấy không cho tôi biết để tôi hưởng niềm vui trọn vẹn nhưng chẳng thể giấu được vì mẹ tôi cứ khóc hoài. Với lại từ nhà tôi đến nhà dì Huệ cũng không xa mà mọi người đến dự đám cưới cứ bàn tán xôn xao. Tôi lặng lẽ khóc rấm rứt trong phòng nhưng đám cưới không thể hoãn được. Rút cục thì "việc nào cứ việc ấy". Nhà dì đang xây dở, không buồn trát, vật liệu để ngổn ngang. Bố mẹ chồng dì từ đó sinh bệnh, ốm đau triền miên, còn chú Phong và dì thì cứ như người mất hồn. Con bé Lan 5 tuổi chưa biết gì, vẫn nhảy nhót vui đùa, nhìn cảnh ấy mà rơi nước mắt. Họ hàng, làng xóm thường xuyên đến động viên nhưng dì chẳng thể nguôi ngoai được... Miệng lưỡi thiên hạ độc địa còn tung tin chú Phong đã triệt sản, không thể đẻ được nữa. Cho đến khi dì Huệ mang thai đứa con nữa thì tin đồn ấy mới chấm dứt. Dì sinh con gái. Chú Phong buồn thiu, chả thèm mang cơm đến bệnh viện cho vợ. Mẹ tôi phải đảm nhiệm mọi việc: từ cơm nước, giặt giũ đến trông nom mẹ con dì. Bà ngoại tôi đã già, chỉ lên thăm dì, nhìn dì mà thở dài, lấy vạt áo lặng lẽ chùi nước mắt.

Con bé Nhài được mười tháng thì dì Huệ lại mang thai. Phải cai sữa sớm nên nó còi cọc, hay ốm vặt. Dì ốm nghén, ăn gì cũng nôn thốc nôn tháo, người cứ gầy rộc đi. Tóc dì rụng nhiều, xơ xác nên dì cắt ngắn. Bà ngoại tôi tiếc lắm, cứ xuýt xoa: Trời ơi! Mái tóc đẹp thế mà không biết giữ gìn, giờ trông như con chó cộc đuôi". Càng ngồi rồi thì vợ chồng dì càng suy nghĩ đâm ốm thêm bèn xoay ra nuôi lợn, những năm chục con. Vừa chăm sóc bố mẹ chồng ốm đau, vừa nuôi con nhỏ, lại vác cái bụng to tướng và ngày ngày bèo cám cho lợn, dì không còn chau chuốt, óng ả như ngày xưa. Về thăm dì, tôi sững sờ, thấy dì già đi nhiều, phòng ngủ thì toàn mùi nước đái trẻ con khai nhức mũi. Tôi lật bàn tay dì lên ngắm nghía, không còn nõn nà, búp măng như ngày xưa nữa. Dì rụt vội lại: "Hết thời rồi. Biết trước thế này dì đã chẳng bỏ học. Có cái nghề như mày cũng sướng cái thân". Tôi hỏi dì đi siêu âm chưa. Dì bảo: "Không đi! Chửa thì đẻ, biết trước lại đâm lo vào người".

Dì sinh, lại con gái. Chú Phong chán ật người ra nên cũng chẳng bận tâm đến việc chăm sóc vợ con. Từ ngày cu Minh mất, rồi dì Huệ sinh bé Nhài, chú đã thay đổi tính nết, cứ lầm lầm lì lì. Lần này dì sinh bé Hồng, chỉ mình mẹ tôi vất vả đi lại chăm nom, cơm nước cho mẹ con dì. Mẹ chồng dì thì yếu nên chỉ nằm một chỗ. Bố chồng dì tự dưng ốm nặng thêm rồi qua đời. Trước lúc nhắm mắt, ông cụ còn trăng trối lại: "Vợ chồng thằng Phong cố mà đẻ được đứa con trai, đừng để tuyệt tự". Dì Huệ khóc rưng rức. Dì bảo mẹ tôi: "Em nhất quyết phải đẻ được con trai để dòng họ Nguyễn Đình có người nối dõi, đẻ đến khi nào hết trứng thì thôi". Mẹ tôi tức giận, quát dì: "Việc gì phải hành xác như thế. Ở thời nào rồi mà còn lạc hậu như vậy. Con nào chả là con". Chẳng biết dì có nghe lời mẹ tôi không nhưng từ đó dì mắc căn bệnh trầm cảm, không nói không rằng, lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Chú Phong bán cả đàn lợn, đưa dì đi hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia để chạy chữa nhưng dì cũng chả đỡ hơn. Bác sĩ kết luận dì mắc "bệnh tinh thần". Bà ngoại thương dì nhất, cứ nhắc đến dì là khóc. Nhiều kẻ ác mồm bảo dì mắc bệnh "không đẻ được con trai", sợ chồng đi "gửi gắm" chỗ khác nên ghen quá mà sinh bệnh. Cái Lan mới học lớp năm đã phải làm đủ mọi việc. Hằng ngày, đi học về nó còn lo việc cơm nước, chăm sóc bà nội và mẹ ốm, lại phải bế em vẹo cả cạnh sườn. Nhìn con bé mà thấy tội nghiệp, chả bù cho mẹ nó trước kia, học cấp III vẫn chưa biết làm gì.

Nghe người ta mách có ông lang ở tỉnh bên cho thuốc uống để đẻ được con trai, chú Phong lặn lội đưa dì đến tận nơi. Lại nghe nhiều người bảo bây giờ công nghệ hiện đại, siêu âm để biết ngày trứng rụng thì sẽ sinh con theo ý muốn, vợ chồng dì thực hiện theo. Dì Huệ mang thai, ba tháng đi siêu âm bốn chiều, biết là con trai, chú Phong chăm sóc, bồi dưỡng cho dì hết mức: nào sữa, nào gà tần, cá chép...Dì tăng cân trông thấy. Bà ngoại mừng nhất. Cả nhà cũng mừng cho chú dì.

Sinh cu Nam 4,1 kg, dì Huệ kiệt sức vì thai quá to so với mọi lần. Cả nhà cứ chúi vào đứa bé, khi phát hiện dì bị bong huyết thì mặt dì đã xanh như tàu lá, mất quá nhiều máu. Đưa sang phòng cấp cứu, bác sĩ tiêm liền mấy mũi cầm máu mà cũng không ăn thua gì. Dì nằm liệt giường từ đó, không có cả sữa cho con bú. Cu Nam phải nuôi bộ, toàn uống sữa ngoài.

Tôi sống ở thành phố, bận bịu đủ thứ nên không về thăm dì thường xuyên được. Đùng một cái, mẹ tôi gọi điện, giọng nức nở: "Về ngay! Dì Huệ...mất rồi". Tôi buông rơi điện thoại. Mắt mũi tối sầm. Mọi người bảo dì bị hậu sản. Nhìn bốn đứa trẻ nheo nhóc mà không ai cầm dược nước mắt. Chỉ có cái Lan là biết khóc mẹ còn ba đứa em chưa biết gì. Bà ngoại tôi cứ đấm ngực thùm thụp còn mẹ tôi khóc đến ngất lịm cả người. Chú Phong ngồi như pho tượng ở góc nhà, không nhúc nhích. Đám tang dì đi trong mưa rào không ngớt và những tiếng sấm rền rĩ. Tôi thả nắm đất xuống huyệt, trong lòng trống rỗng, bên tai văng vẳng tiếng ai đó thì thào: "Chỉ người chết là thiệt thôi".

Nam Sách, tháng 6-2010


Truyện ngắn của TRẦN THỊ LÀNH