Chiếc điếu cày gia bảo

Truyện ngắn - Ngày đăng : 05:53, 07/08/2010



Họ Phùng ở làng Cổ Cò có một vật gia bảo cực quý, đó là chiếc điếu cày. Chiếc điếu này khác những chiếc điếu khác ở chỗ nó được chế tạo từ một cây trúc đại già, da vàng óng rất tự nhiên. Điếu dài đúng hai mươi bảy phân, đường kính hai phân bảy, cái nõ điếu cũng dài hai phân bảy cắm vào thân điếu. Thân điếu được chạm trổ, bít bạc trang trí rất tinh xảo. Chiếc điếu này rất “nhạy” và rất kêu. Chỉ cần chun miệng khẽ rít nhẹ thôi thì tiếng của nó đã rong róc, choe choé từng chặp dài như còi rúc. Giữa đồng không mông quạnh, đang gió rét mưa phùn mà nghe tiếng điếu họ Phùng nổi lên mời gọi thì đố có ai cầm lòng được. Nó như hiệu lệnh tụ tập, thu quân cho các lão nông, lực điền làng Cổ Cò.

Chiếc điếu này có từ đời cụ cố họ Phùng. Cụ Phùng Phưởng chế tạo nó hồi cụ hai bảy tuổi vào đúng ngày hai mươi bảy tháng bảy ta (năm tây đâu như năm một ngàn chín trăm hai bảy gì đó). Tóm lại, cái điếu này gắn liền với con số bảy, đặc biệt là hai mươi bảy. Số bảy là số dương, là số vía của đàn ông, là số sao của hai vị “Hùng tinh” trên trời. Chả thế mà chiếc điếu này không những xinh xắn, kêu vang, hút ngon thuốc mà nó còn phù hộ họ Phùng luôn ở thế “ăn nên làm ra”. Thì đấy, cụ Phùng Phưởng nghiện thuốc phiện suýt khuynh gia bại sản, bị cụ bà (một người đẹp nhất làng Cổ Cò) tuyên bố “một là ông bỏ thuốc phiện, hai là tôi bỏ ông”  để rồi sau đó vì câu nói ấy mà cụ ông quyết chí làm một chiếc điếu cày để cai thuốc phiện và sự cai ấy đã thành công. Dứt khỏi nàng tiên nâu, gia cảnh cụ Phùng Phưởng khá dần lên. Từ cái điếu, vật bất ly thân của cụ mà kinh tế nhà cụ cứ lên ầm ầm. Ruộng nhà cụ Phùng Phưởng rộng bát ngát. Lợn gà, trâu bò đầy chuồng. Người ăn kẻ ở chật nhà. Cuối đời, cụ cứ vểnh râu trê, vê thuốc lào, nằm sập gụ, rít điếu cày kêu rong róc vang ròn rã cả năm gian nhà gỗ nghe rõ sướng.

Chuyện kể lại rằng, một hôm cụ Phùng Phưởng đi chơi tổ tôm về khuya bị kẻ gian bám theo. Tới đoạn đường vắng, chúng xông đến uy hiếp để trấn lột cụ. Cụ bình tĩnh thò tay vào cạp quần rút cái điếu cày ra: “Các cậu muốn lấy tiền hả? Từ từ đã nhé. Để lão xơi điếu thuốc lào cho ấm bụng đã rồi có bao nhiêu tiền lão biếu các cậu tất. Đừng có bày trò trấn cướp ở đây nó mất lịch sự. Tiền đây này. Yên chí!”. Vừa nói, cụ vừa vỗ vỗ vào bên hông. Lúc đầu, bọn cướp tưởng cụ rút súng lục đã thấy ghê ghê, sau thấy cụ bảo là hút thuốc lào nên hiểu ngay đó là cái điếu nên chúng bình tâm hơn. Mặt khác, nghe cụ nói vậy nên đứa nào đứa ấy hí hửng lắm. Không ngờ chúng đi cướp mà lại được nhận tiền lịch sự thế. Cụ Phùng Phưởng bình tĩnh vê thuốc cho vào nõ, quẹt diêm thay đóm và rít. Giữa đêm hôm khuya khoắt, tiếng điếu cày của cụ vang lên từng chập theo nhịp ngũ liên nghe dồn dập, rộn rã. Rít xong điếu thuốc, cụ khoan khoái nhả khói lên trời. Chẳng biết có phép màu nào không mà làn khói thuốc ấy như con rồng bay lên trông rõ hình hài và ánh sáng của nó thì xé toạc màn đêm đen kịt kia. Bọn cướp chưa kịp tỉnh khi nghe tiếng điếu kêu (sao nó lại hay đến thế kia chứ?) thì lại ngây ra nhìn theo làn khói thuốc. Kỳ ảo lắm. Lại thơm nữa mới lạ. Chưa dập bã trầu, tiếng chân người chạy thình thịch, kèm theo tiếng hô hoán dữ tợn từ phía làng lao về phía cụ. Lũ cướp giật mình hoảng hồn ba chân bốn cẳng bỏ cụ chạy mất tăm. Cụ Phùng Phưởng ung dung về làng cùng với mấy đứa con cháu họ Phùng đi kèm. Thì ra, cái tiếng rít thuốc lào theo nhịp ngũ liên đó chính là tín hiệu báo động khẩn cấp mà cụ Phùng Phưởng quy định cho mọi người làng Cổ Cò. Nó được phát ra đúng lúc lũ con cháu của cụ đi chơi khuya về. Cụ thoát khỏi bọn cướp nhờ cái điếu. Còn bọn cướp thì sau đó bao nhiêu chuyện kỳ bí được thêu dệt nên cũng từ cái điếu ấy.

Đến đời ông Phùng Phạo, thừa hưởng cái điếu của cha nên duy trì được gia nghiệp. Vui nhất là những ngày họp họ, giỗ chạp của họ Phùng. Cánh đàn ông được ngày thoả thuê hút thuốc lào. Cái điếu cày được chuyền tay nhau hút đến đỏ nõ, nóng điếu ra vẫn chưa dừng. Lạ cho cái điếu này là càng nóng hút thuốc lại càng ngon. Chả thế mà tiếng điếu kêu xoe xoé suốt từ khi bảnh mắt cho tới lúc ngả cỗ uống rượu mới thôi. Hàng xóm nghe sốt cả ruột. Nhà “Choẽ bò” bên cạnh hậm hực chửi đổng: “Tưởng chó gì, Tam Đảo, Điện Biên gì cho cam, đằng này lại hút thuốc lào vã. Rõ cái đồ nhà quê!”. Lão thuận mồm chửi vậy chứ chính lão cũng nhà quê đấy chứ. Thì thế mới là tại cái điếu.

Trẻ con họ Phùng, bất kể gái hay trai đều được hút thuốc lào từ bé. Tuy nhiên, sự hút này chỉ được tập ở những cái điếu có dáng hình tương tự cái “điếu cái”. “Điếu cái” do trưởng họ Phùng, tức ông Phùng Phạo giữ. Nó là đồ gia bảo của họ Phùng, là vật bất ly thân của ông Phùng Phạo. Chỉ những trai họ Phùng đến tuổi “đinh” mới được hút chiếc “điếu cái” này mỗi khi gặp trưởng họ và được trưởng họ ưu ái cho sử dụng chiếc điếu đó. Do vậy, ngày giỗ, ngày họp họ Phùng chiếc “điếu cái” nó mới nóng lên là vì thế. Càng nóng nó lại càng kêu vang, càng ngon thuốc.

Thanh niên các họ khác đi chơi đêm, tán gái thường vênh vang với điếu thuốc Tam Đảo, Điện Biên (có đứa chỉ thuốc lá cuộn thôi) gặp cánh thanh niên họ Phùng đứa nào đứa nấy đều có một chiếc “điếu cày con” (làm y hệt “điếu cái”) hút thuốc kêu rong róc cũng phải kiêng nể. Phải thế chứ. Hút thuốc, ngoài việc cái miệng được tận hưởng vị ngọt ngon, cái mũi được ngửi mùi thơm ngào ngạt, cái mắt được nhìn sự cháy đỏ của thuốc thì cái tai cũng phải được thưởng thức tiếng kêu ròn rã, tưng bừng từ cái điếu chứ. Hơn nữa, theo mấy ông khoa học thì chính cái ống điếu cày này là nhà máy lọc thải chất độc ni-cô-tin gì đấy. Bao nhiêu chất độc gặp nước là tan ngay. Hút thuốc lá làm gì được thế. Đừng tưởng Tam Đảo, Điện Biên, ba số đầu lọc là oách nhé. Đừng tưởng hút thuốc lá theo tây là oai nhé. Còn lâu! Thuốc lào Việt Nam mới là nhất, mới là “cao sĩ diện”. Ông Phạo thi thoảng vỗ ngực giảng giải cho con cháu như thế. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi khi hút thuốc lào xong, ông Phạo lại tự hào nói như thế với anh em đoàn dân công. Phải nói rằng, chiếc điếu cày của ông Phạo đã làm không khí đoàn dân công ngày đó tưng bừng hẳn lên. Giữa khó khăn, nơi rừng thiêng nước độc, trong tiếng ì ì của máy bay địch dò xét, tiếng điếu cày của ông Phạo vút lên xen với tiếng “hò lơ, hò lờ” đã làm tan biến hết cơn mệt nhọc của bao người.

Ông Phạo còn viết hẳn thành sách gồm những nguyên tắc, nguyên lý này nọ về cách sử dụng điếu cày, tư thế hút thuốc và ý nghĩa của việc hút thuốc lào. Theo ông, sử dụng điếu cày và hút thuốc lào là cả một môn nghệ thuật. Học thuyết “điếu cày - thuốc lào” của ông được truyền bá khá rộng rãi trong và ngoài làng Cổ Cò. Nó được con cháu họ Phùng thuộc làu, hãnh diện lắm.

Phùng Phèng là con trai trưởng của ông Phùng Phạo. Trong số tám người con của ông Phùng Phạo thì Phùng Phèng có khiếu hút thuốc lào nổi trội hơn cả. Phèng có thể hút thuốc lào liên miên, bất kể giờ giấc nào. Nó “bắn” liên tục hàng chục điếu chưa say. Hơi nó rít thuốc còn dài hơn cả hơi cụ Khúng thổi kèn đám ma giỏi nhất của làng. Nhìn nó hút thuốc lào đến người chưa hút bao giờ cũng phải phát thèm. Miệng nó chun chun vào như miệng chuột. Hai má tóp lại thành hai cái lúm đồng tiền to tướng. Bụng hóp lại, sườn banh ra. Tiếng điếu kêu như chim hót kéo dài đến sốt ruột. Hút xong, nó nhả khói lên trời khi thì là hình con rồng bay, lúc là dáng con phượng lượn, lúc lại như con ốc xoáy, lúc khác lại là những vòng tròn đồng tâm chữ o từng vòng, từng vòng quẳng lên trời. Mắt nó lờ đà lờ đờ. Đầu lắc la lắc lư. Phê lắm. Đến bố nó, ông Phùng Phạo cũng phải lắc đầu bái phục. Còn ông nội nó, cụ Phùng Phưởng cũng phải mỉm cười từ trong di ảnh trên bàn thờ nhìn nó. Đúng là hậu sinh khả uý.

Vì nhà đông anh em, Phèng lại là con trưởng nên nó liên tục giữ nhiệm vụ bế ẵm các em. Em bé chưa kịp lớn, bố mẹ nó lại tòi ra một đứa em nữa, rồi lại một đứa nữa… Cứ thế trứng gà trứng vịt, đứa lớn tha đứa bé lếch tha lếch thếch trông nhau. Nhà nó cứ như một cái nhà trẻ mà nó là người bảo mẫu. Có hôm, mấy đứa em Phèng chõm choẹ nhau, rồi thi nhau khóc, Phèng dỗ thế nào chúng cũng không nín. Tức mình, Phèng bỏ mặc mấy đứa em tìm điếu… hút thuốc lào. Không ngờ, khi tiếng điếu kêu lên thì mấy đứa em bỗng nín khóc. Còn thằng út vẫn ư ử hờn dỗi, Phèng bực mình phun khói thuốc lào phả vào mặt nó: “Này thì khóc này”. Thế là thằng bé bật cười khanh khách ngay lập tức. Rồi cả mấy đứa em cùng cười tranh nhau sờ mó chiếc điếu cày. Từ đó trở đi, Phèng dỗ em bằng việc hút thuốc lào. Dòng máu họ Phùng ngấm thuốc lào từ bé quả không ngoa.

Ông Phạo mất. Ông di chúc lại cho các con duy nhất chiếc điếu cày. Phùng Phèng vinh dự tiếp nối cha ông nhận trọng trách giữ chiếc điếu đó. Nó lại là vật bất ly thân đối với Phèng.

Nhờ lộc từ chiếc điếu cày, kinh tế nhà ông Phèng tiếp tục đứng nhất nhì làng Cổ Cò. Ông thuộc hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Và ông được cấp trên chọn đi tham quan học tập ở nước ngoài. Đây là sự kiện chưa từng có ở cái làng xa này. Ông Phèng được tin vừa mừng lại vừa lo. Từ bé đến giờ ông đâu xa. Rất may, cùng chuyến đi này với ông có thầy giáo Nguyễn Anh Đào, người cùng làng với ông, cũng là bạn nối khố của ông. Một người dạy học giỏi, một người làm kinh tế giỏi cùng được đi nước ngoài và là niềm vinh dự tự hào cho cả làng Cổ Cò.

Hôm lên đường ra sân bay, ông Phèng giắt chiếc điếu cày vào cạp quần. Không có nó bên người ông Phèng không chịu được. Vừa xuống sân bay nước bạn, khi qua cửa kiểm tra, cái máy khám người rú lên. Công an nước họ xúm lại. Họ yêu cầu ông Phèng đưa vật có kim loại ra. Ông Phèng thò tay vào cạp quần lôi ra cái điếu cày. Cánh công an hoảng hồn tưởng đó là loại súng ống gì, hỏi xì xà xì lồ loạn xì ngầu: “Oát y rít?, Oát y rít” (Cái gì thế?). Ông giáo Đào lỗ mỗ tiếng Anh luống cuống đáp: “Nâu, ai em lót”. Đáng ra ông phải nói đó là cái điếu cày nhưng khốn nỗi thầy giáo chưa có được từ này, hơn nữa trong lúc luống cuống đành cứ nói đại thành “Không, không phải em”. Thế là họ giữ cả hai vị lại. Mãi sau, phiên dịch theo đoàn đến giải thích, cánh công an kia mới cho hai ông tiếp tục cuộc hành trình.

Chết nỗi, cơn nghiện thuốc lào của ông Phùng Phèng trỗi dậy. Ông nói nhỏ với thầy Đào. Hai người trợn mắt nhìn nhau. Hút ở đây ư? Không được. Nhà ga của họ sạch bóng thế này hút thuốc lào sao được? Chợt nghĩ tới cái toa-lét. Đúng rồi! Thượng sách là vào đó, một mình một phòng tha hồ bắn thuốc lào. Thầy giáo Đào gật đầu hướng dẫn ông Phèng “đi vệ sinh”. Ông Phèng ở trong, ông giáo Đào canh chừng ở ngoài. Vào trong phòng, ông Phùng Phèng lập cập rút cái điếu ra và nạp thuốc rồi rít. Tiếng điếu vừa kêu thì còi báo động hú lên nghe rất kinh khủng. Công an, nhân viên sân bay chạy tán loạn. Một nhóm khá đông lao về khu vệ sinh. Ông giáo Đào ngơ ngác nhìn họ. Ông Phèng lục cục bên trong không tài nào ra được. Công an họ bật cửa phòng toa-lét. Ông Phèng cầm cái điếu cày bước ra người run như cầy sấy. Cánh công an thấy vậy chĩa súng về phía ông Phèng. Đúng là cuộc bao vây chống khủng bố. Mãi sau, đại sứ quán của ta phải đến giải thích họ mới thả hai ông. Thật hú vía.

Sau chuyến đi ấy, ông giáo Đào được cái truyện ngắn in báo, còn ông Phèng thì nhớ đời về cái điếu cày của mình. Hiện nay, nhờ cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, họ Phùng hầu như bỏ không hút thuốc lào nữa, nhất là cánh trẻ. Chiếc “điếu cái” được ông Phùng Phèng đóng hộp để trên ban thờ làm đồ gia bảo lưu niệm cho đời sau.

Truyện ngắn củaXUÂN THU