Công nghiệp Kinh Môn chọn hướng phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 04:52, 02/09/2010

Từ vùng công nghiệp Nhị Chiểu ở phía bắc, nay Kinh Môn đã phát triển thêm nhiều cụm công nghiệp khác ở phía đông, khu vực trung tâm và phía nam để nơi đây trở thành huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Kinh Môn là huyện có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú nhất tỉnh, có hệ thống giao thông cả đường bộ và đường sông thuận tiện. Chính vì vậy, nửa thế kỷ trước, nơi đây đã hình thành các cơ sở công nghiệp đầu tiên của tỉnh. Cách đây tròn 30 năm, Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch được xây dựng trên “khu đảo” Nhị Chiểu đã đánh thức một vùng núi đá, núi đất ở Kinh Môn, hình thành lên thị trấn Minh Tân hôm nay. Từ vùng công nghiệp Nhị Chiểu ở phía bắc, nay đã phát triển thêm nhiều cụm công nghiệp khác ở phía đông, khu vực trung tâm và phía nam để Kinh Môn trở thành huyện công nghiệp trọng điểm.

Được sự  quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh,  sự  ủng hộ  của các cấp uỷ đảng ,chính quyền các cơ sở, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế, đặc biệt khi tuyến giao thông quan trọng 388 được đầu tư xây dựng với 3 cây cầu Phú Thái, Hiệp Thượng và Đá Vách đã nối thông quốc lộ 5 với quốc lộ 18 thì công nghiệp của huyện Kinh Môn phát triển nhanh. Công nghiệp khu vực huyện quản lý giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 44,4%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt 272,7 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt 1.709,6 tỷ đồng (giá so sánh) tăng gấp 6 lần so với năm 2005 và tăng 2,8 lần so mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22 nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra. Số vốn đầu tư tăng 9 lần so với 5 năm trước đó. Hiện nay trên địa bàn có 8 nhà máy sản xuất xi-măng và 2 nhà máy nghiền clanh - ke, tổng công suất trên 10 triệu tấn xi-măng/năm. Vì thế nơi đây trở thành một trong những khu công nghiệp xi-măng lớn của cả nước. Huyện đã có 2 nhà máy sản xuất thép công suất 1 triệu tấn thép và 500 nghìn  tấn than cốc/năm; 27 cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu sông; 28 lò gạch công suất 60 triệu viên /năm; 12 doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản và phụ gia xi-măng. Bên cạnh đó là hệ thống cảng sông phát triển mạnh.

Trong công tác quy hoạch phát triển công nghiệp, Kinh Môn được tỉnh phê duyệt quy hoạch 4 cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp Phú Thứ rộng 64,9 ha đã có 10 dự án  đầu tư, trong đó các dự án lớn như Hoà Phát, Trường Anh, Phú Sơn. Cụm công nghiệp Duy Tân rộng 43,58 ha đến nay cơ bản đã kín các nhà máy sản xuất xi-măng Thành Công II, Phú Tân, Trung Hải, Duyên Linh. Cụm công nghiệp Hiệp Sơn 31,84 ha gồm nhà máy xi măng Thành Công III và  mở rộng 88,8 ha, với dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát; Cụm công nghiệp Long Xuyên 61,95ha, đã có 7 dự án đầu tư diện tích khoảng 14,5 ha.

 Bên cạnh đó còn các cụm công nghiệp đang hoàn thiện và dự kiến quy hoạch: Hiệp An - An Phụ  khoảng 183,25ha; Cụm công nghiệp Quang Trung - Phúc Thành - Thăng Long khoảng 100ha; Cụm công nghiệp Thất Hùng 40 ha. Các điểm công nghiệp quy hoạch gồm:  Hiến Thành 20 ha; Minh Hoà 10 ha; An Sinh - Phạm Mệnh 20 ha. Nếu trục giao thông Bắc - Nam của tỉnh hình thành với 2 cây cầu qua phà Triều và phà Mây, chắc chắn công nghiệp Kinh Môn còn phát triển hơn nữa, nhất là khu vực phía tây và phía nam huyện.

Để công nghiệp Kinh Môn phát triển bền vững, huyện sớm đề xuất với tỉnh quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp trên địa bàn, trong đó xác định rõ vị trí, diện tích, hướng ngành nghề thu hút đầu tư vào từng khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn, đưa huyện thành trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh. Đồng thời, tiến hành quy hoạch chi tiết cho từng khu, cụm, điểm công nghiệp. Gắn quy hoạch phát triển công nghiệp với quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững; khuyến khích, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp đã quy hoạch, để thu hút, lựa chọn các dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, cần quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện cần được đầu tư, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu cho phát triển công nghiệp, nhất là phục vụ vận tải hàng nặng như sắt thép, xi-măng, vật liệu xây dựng. Tăng cường công tác giám sát cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và các làng nghề.

ANH TUẤN