Gốm Chu Đậu hướng tới Đại lễ

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:35, 02/09/2010

Những nghệ nhân gốm Chu Đậu đang hằng ngày miệt mài thổi vào tác phẩm hồn dân tộc, phản ánh sinh động thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng sông Hồng và những nét đẹp văn hóa mang đậm 1.000 năm của Thủ đô Hà Nội.


Công ty CP Gốm sứ Hapro Chu Đậu sáng tạo những tác phẩm phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Về làng gốm Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) những ngày này không khí như hối hả, tấp nập hơn. Chỉ còn gần 2 tháng nữa là tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những nghệ nhân gốm Chu Đậu đang miệt mài tạo ra những công trình và sản phẩm đón chào sự kiện trọng đại của dân tộc.

Thăm những gian hàng sản xuất gốm của Công ty CP Gốm sứ Hapro Chu Đậu, chúng tôi cảm nhận một dòng gốm bác học mang đậm chất văn hóa tâm linh của người Việt đang được hồi sinh. Gốm Chu Đậu đẹp dáng, sáng men, kế thừa sự thanh thoát uyển chuyển của gốm thời Lý và vóc dáng khỏe khoắn của gốm thời Trần. Hiện nay, sản phẩm gốm Chu Đậu đã xuất sang 32 nước trên thế giới.

Để chuẩn bị cho những sản phẩm chào mừng đại lễ, những nghệ nhân làng gốm Chu Đậu phải cẩn thận, tỉ mỉ hơn bởi mỗi sản phẩm đều thể hiện sự linh thiêng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Dịp này cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm gốm Chu Đậu với du khách trong và ngoài nước. Với bàn tay tài hoa và khéo léo, các nghệ nhân truyền tâm huyết của mình qua từng sản phẩm để sau khi “thử lửa”, những hình ảnh như phố cổ Hà Nội, Tháp Rùa, chùa Một Cột được tái hiện đậm nét.

Một trong những công trình quan trọng gốm Chu Đậu tham gia chào mừng đại lễ là một đoạn trong "Con đường gốm sứ" rộng 2 m, dài 30 m trên đê Yên Phụ. Bức tranh tái hiện quá trình hình thành và phát triển của dòng gốm Chu Đậu, một dòng gốm bác học, quý giá của Việt Nam xuất hiện và phát triển rực rỡ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Bức tranh gốm sứ cũng tái hiện các sự kiện trọng đại của lịch sử. Trung tâm bức tranh là làng gốm cổ với mái đình, cây đa gợi nhớ về một thời phát triển phồn thịnh của dòng gốm nổi tiếng. Cuối bức tranh  là những con thuyền căng buồm đem sản phẩm gốm Chu Đậu đi muôn nơi, thể hiện sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của gốm Chu Đậu ngày nay. Bức tranh gốm sứ là công trình quan trọng thể hiện sự đóng góp của những nghệ nhân gốm Chu Đậu nói riêng  và nhân dân Hải Dương nói chung trước sự kiện quan trọng của dân tộc.

Một sản phẩm khác không kém phần độc đáo mà những nghệ nhân làng gốm Chu Đậu muốn đóng góp vào đại lễ là chiếc đĩa gốm có đường kính 1,5m. Theo nhiều thông tin, đây là chiếc đĩa giữ kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, điều đặc biệt không chỉ ở kích cỡ của sản phẩm mà còn là 1000 chữ "Long" được viết theo thể thư pháp Hán - Nôm trên chiếc đĩa. Đây là ý tưởng của nghệ nhân Lê Thiên Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Hải Phòng, một người say mê gốm cổ Chu Đậu. Để làm được chiếc đĩa lớn với 1000 chữ "Long" không đơn giản. Riêng việc khắc 1000 chữ "Long" trên nền đĩa gốm, các nghệ nhân của Công ty CP Gốm sứ Hapro Chu Đậu cùng nhà thư pháp phải bắc giàn giáo làm việc trong 6 ngày liên tục. Với 5 thể thư pháp truyền thống là Chiện, Lệ, Khải, Thảo, Hành và  2 thể thư pháp hiện đại nhân diện và vật điểu, các nghệ nhân đã miệt mài viết trực tiếp lên đĩa gốm mộc 1000 chữ "Long" với nhiều ý nghĩa khác nhau. Có chữ "Long" viết theo thể thư pháp Nhân diện thể hiện hình tượng anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Có chữ lại thể hiện hình ảnh nhà nho suy tư bên ngọn bút lông, em bé bên cuốn sách và cây bút chì hay hình ảnh những cô gái Hà Thành thanh lịch, tài hoa... Những chữ "Long" viết dưới dạng Vật điểu là biểu trưng cho hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, rồng bay, chim lượn, cá tôm, bông hoa hay âm dương lưỡng cực. Qua 1000 chữ "Long", nghệ nhân muốn gửi gắm vào tác phẩm niềm tự hào dân tộc, khơi dậy nét tinh hóa văn hóa truyền thống của người Việt Nam, tái hiện thời kỳ vàng son của một làng nghề truyền thống gần 4 thế kỷ tồn tại và phát triển. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ yêu mến và gìn giữ nét đẹp của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho biết: Qua 1.000 bức thư pháp chữ "Long", ông muốn thể hiện hào khí nghìn năm Thăng Long - Hà Nội để mỗi người dân Việt Nam tự hào mình là con Lạc, cháu Rồng, tự tin và vươn lên trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Thời gian từ nay đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội chỉ còn hơn 1 tháng, những nghệ nhân gốm Chu Đậu đang hằng ngày miệt mài thổi vào tác phẩm hồn dân tộc, phản ánh sinh động thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng sông Hồng và những nét đẹp văn hóa mang đậm 1.000 năm của Thủ đô Hà Nội.

LAN ANH