Từ Đại hội đến Đại hội
Tin tức - Ngày đăng : 08:25, 24/09/2010
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Ảnh: Thành Chung
Giai đoạn tỉnh Hải Dương (1946-1967)
- Tháng 6-1946, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I họp trong 3 ngày, tại ấp Vĩnh Long (nay thuộc thôn Bình Long, xã Lương Điền, Cẩm Giàng). 80 đại biểu đại diện cho 250 đảng viên trong tỉnh dự. Đại hội tập trung đánh giá những thắng lợi to lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, quân sự... từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945; thảo luận và bàn biện pháp thực hiện Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng. Đại hội bầu BCH gồm 5 đồng chí ủy viên chính thức và 2 đồng chí ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Kha làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đầu tháng 4-1947, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II được triệu tập tại đình thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). 150 đại biểu đại diện cho 1.300 đảng viên ở các đảng bộ trong tỉnh về dự. Đại hội tập trung thảo luận để rút ra những ưu, khuyết điểm của BCH khóa I trong việc lãnh đạo đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; Thực hiện "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Chỉ thị toàn dân kháng chiến" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị, đề ra phương hướng, nhiệm vụ kháng chiến trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế - tài chính, văn hóa - xã hội, công tác xây dựng Đảng. Đại hội bầu 11 đồng chí vào BCH khóa II. Đồng chí Vũ Duy Hiệu làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Tháng 2-1948, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III họp tại đình Xuyên Hử, xã Đông Xuyên (Ninh Giang), được nửa chừng thì di chuyển sang xã Đan Giáp (Thanh Miện). Dự đại hội có 150 đại biểu, đại diện cho trên 3.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đánh giá sâu sắc và toàn diện qua một năm kháng chiến; kiểm điểm và bàn việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II; thảo luận đề án công tác năm 1948, công tác phát triển Đảng, đẩy mạnh chiến tranh du kích... Đại hội bầu BCH gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Duy Hiệu tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV gồm hai vòng, đều họp tại Hội trường tỉnh (nay là Nhà Văn hóa trung tâm). Vòng một từ ngày 21-6 đến 2-7-1960, có 250 đại biểu về dự. Đại hội thảo luận Đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng; thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Vòng 2 từ 23-2 đến 3-3-1961, tiến hành quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960); thông qua Báo cáo của BCH Đảng bộ tỉnh và quyết định phương hướng, nhiệm vụ năm 1961. Đại hội bầu BCH gồm 27 đồng chí ủy viên chính thức và 8 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Chương làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V với chủ đề: "Đoàn kết, phấn khởi, hăng hái tiến lên giành thắng lợi mới", diễn ra từ ngày 24 đến 28-4-1963, tại thị xã Hải Dương. 320 đại biểu đại diện cho hơn 22 nghìn đảng viên tham dự. Đại hội bàn và quyết định các vấn đề về lãnh đạo các mặt công tác của Đảng, công tác xây dựng Đảng; những phương hướng, chủ trương và biện pháp lớn để hoàn thành tốt những nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Đại hội bầu BCH gồm 27 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Chương tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy.
Giai đoạn tỉnh Hải Hưng (1968-1996)
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I diễn ra từ ngày 24-3 đến 1-4-1975, tại Hội trường tỉnh, có 450 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 7 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội kiểm điểm sâu sắc, đánh giá đúng đắn những thành tích của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta sau 7 năm hợp nhất Hải Dương - Hưng Yên và thảo luận, quyết định nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới. Đại hội bầu BCH gồm 33 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II gồm 2 vòng. Vòng 1 diễn ra từ ngày 11 đến 20-11-1976, có 491 đại biểu đại diện cho hơn 8 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự. Đại hội tập trung thảo luận Đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Vòng 2 diễn ra từ ngày 3 đến 14-4, tiến hành các nội dung: Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 2 năm (1977-1978) và đến năm 1980 của tỉnh. Đại hội bầu BCH khóa II gồm 33 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Từ 30-10 đến 3-11-1979, tại thị xã Hải Dương, diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Trên 500 đại biểu đại diện cho hơn 8 vạn đảng viên đã về dự. Đại hội tập trung nghiên cứu để vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, các nghị quyết của BCH Trung ương vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh, trên cơ sở đó quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cho những năm tiếp theo. Đại hội bầu BCH khóa III gồm 39 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV gồm 2 vòng. Vòng 1 từ 6 đến 15-1-1982, có 522 đại biểu đại diện cho hơn 8 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự. Đại hội thảo luận các báo cáo, văn kiện của Trung ương; bầu 35 đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Vòng 2 từ ngày 25 đến 29-1-1983, có 506 đại biểu tham dự. Đại hội tiến hành kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III; quyết định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 1983 và mục tiêu chủ yếu đến năm 1985. Đại hội bầu BCH mới gồm 41 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Từ ngày 20 đến 25-10-1986, diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V. Đại hội đánh giá những thành tựu và kết quả, những khuyết điểm và khó khăn trên tinh thần phê bình và tự phê bình sâu sắc; tham gia góp ý kiến vào các đề án của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và xây dựng các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm (1986-1990). Đại hội bầu BCH khóa mới gồm 43 ủy viên chính thức và 13 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Đức Bình làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI gồm 2 vòng. Vòng 1 từ 28 đến 30-3-1991, có 405 đại biểu tham dự, tiến hành các nội dung: Thảo luận góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội VII của Đảng và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội VII. Vòng 2 từ 15 đến 17-8-1991, có 403 đại biểu tham dự. Đại hội tiến hành quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, vận dụng vào điều kiện thực tế địa phương; xác định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1991-1995. Đại hội vinh dự được Tổng Bí thư Đỗ Mười về dự, chỉ đạo và nói chuyện. Đại hội bầu BCH khóa VI gồm 47 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Thọ làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ ngày 1 đến 3-3-1994, Đảng bộ tỉnh triệu tập Hội nghị giữa nhiệm kỳ để đánh giá kết quả hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, kịp thời điều chỉnh phương hướng, nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và thực hiện chỉ thị của Trung ương. Hội nghị bổ sung thêm 6 đồng chí vào BCH.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII diễn ra từ ngày 6 đến 9-5-1996, có 350 đại biểu đại diện cho hơn 12 vạn đảng viên tham dự. Đại hội đúc rút kinh nghiệm sau 10 năm đổi mới, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 5 năm từ 1996 đến 2001 với 6 nhiệm vụ cụ thể. Đại hội tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và bầu BCH khóa VII gồm 49 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Thọ tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy.
Giai đoạn tái lập tỉnh Hải Dương (từ 1997 đến nay)
Từ tháng 1-1997, tỉnh Hải Hưng được chia tách và tái lập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tháng 11-1996. Sau đó, Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định BCH lâm thời gồm 30 đồng chí (đồng chí Phạm Văn Thọ làm Bí thư Tỉnh ủy) để tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII, thực hiện nhiệm vụ năm 1997 và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XII (đến trước khi táp lập tỉnh Hải Dương, trong cả hai thời kỳ Hải Dương và Hải Hưng đã có 12 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh).
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII diễn ra từ ngày 16 đến 18-11-1997, tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh. Có 249 đại biểu đại diện cho hơn 74 nghìn đảng viên ở 775 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy tham dự. Đại hội tập trung vào các nội dung chính: Thảo luận đánh giá đúng đắn việc thực hiện nhiệm vụ từ sau khi tái lập tỉnh; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp lớn trong nhiệm kỳ 1998-2000. Đại hội bầu BCH khóa XII gồm 47 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên làm Bí thư Tỉnh ủy.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII diễn ra từ ngày 15 đến 17-12-2000, có 350 đại biểu đại diện cho gần 8 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự. Đại hội XIII có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu mốc son mới trên chặng đường đi lên của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Đại hội đã thảo luận, đánh giá đúng đắn thành tựu 15 năm đổi mới. Đại hội bầu 47 đồng chí vào BCH khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Văn Chiền làm Bí thư Tỉnh ủy (tháng 9-2002, đồng chí Nguyễn Văn Chiền được Trung ương luân chuyển giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính được Bộ Chính trị phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương).
- Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV diễn ra từ ngày 15 đến 18-12-2005. Dự Đại hội có 299 đại biểu đại diện cho hơn 8 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu 49 đồng chí vào BCH khóa XIV. Đồng chí Bùi Thanh Quyến làm Bí thư Tỉnh ủy. Sau Đại hội, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành 7 chương trình lớn với 23 đề án và 7 công trình trọng điểm. Đến nay, các chương trình, đề án của Tỉnh ủy đều đem lại hiệu quả lớn, nhiều đề án thực hiện vượt mục tiêu đề ra. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
TRỊNH XUÂN HUẤN