Hạ tầng giao thông phát triển mạnh

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 02:48, 27/09/2010

Những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với hàng loạt công trình mới, quy mô lớn được khởi công xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng.


Cầu Hiệp Thượng (Kinh Môn) trên đường 388 nối liền quốc lộ 5 với quốc lộ 18

Những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với hàng loạt công trình mới, quy mô lớn được khởi công xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng. Hạ tầng giao thông trên địa bàn ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), đến nay tỉnh ta đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 152,2 km đường tỉnh, đường huyện, 28 cây cầu, với tổng kinh phí hơn 1.028 tỷ đồng. Nhiều công trình lớn như: đường 391; đường 188, các cầu Hiệp Thượng, Đá Vách; dự án đường 62 mét và cầu Lộ Cương, cầu Hợp Thanh... đã hoàn thành trong nhiệm kỳ qua. Riêng trong năm 2010, có 4 công trình lớn được đưa vào sử dụng, gồm cầu Hợp Thanh (Thanh Hà), dự án đường 62 mét và cầu Lộ Cương (TP Hải Dương), đường 392 (Bình Giang), đường 188 (Kinh Môn). Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38B đoạn Hải Dương - Hưng Yên với tổng mức đầu tư 875 tỷ đồng, dự kiến đến hết tháng 10-2010 sẽ hoàn thành trải bê-tông nhựa lần cuối mặt đường. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn thị trấn Gia Lộc - Vĩnh Bảo, với tổng vốn đầu tư 1.255 tỷ đồng đã được khởi công. Đặc biệt, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. 2 huyện Bình Giang, Thanh Hà đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công; huyện Gia Lộc đã bàn giao 98% mặt bằng, huyện Tứ Kỳ bàn giao được 92% mặt bằng.

Những năm qua, tỉnh ta luôn là một trong những địa phương đi đầu của cả nước cả về khối lượng thực hiện và tiến độ giải ngân xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT). Hết năm 2009, toàn tỉnh đã vận động nhân dân đầu tư kinh phí xây dựng được gần 5.000 km đường GTNT bằng bê-tông xi-măng và bằng nhựa. Riêng trong giai đoạn 2005-2009, toàn tỉnh xây dựng 321 km đường nhựa và 1.802 km đường bê-tông xi-măng, với tổng kinh phí 776,2 tỷ đồng, do nhân dân đóng góp, Nhà nước hỗ trợ và từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Toàn tỉnh đã có 158 trong tổng số 265 xã, phường, thị trấn có 100% đường xóm, thôn, xã được trải bê-tông, nhựa; đường ra đồng ở nhiều địa phương cũng được kiên cố hóa. Bộ GTVT và WB đã đánh giá, Hải Dương là tỉnh thực hiện tốt thứ 2 toàn quốc trong dự án GTNT WB2. Nhờ vậy, tỉnh ta tiếp tục được Bộ GTVT và WB cho phép tham gia Dự án WB3. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 44 tuyến đường trong chương trình năm thứ nhất, với tổng chiều dài 82 km và đang triển khai khảo sát thiết kế chương trình năm thứ 2 ở 40 xã. Trong chương trình WB3 năm đầu tiên, Hải Dương được đánh giá là địa phương thực hiện tốt nhất cả nước.

Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, công tác quản lý, bảo trì giao thông luôn được chú trọng. Tích cực tổ chức quản lý, sửa chữa kịp thời các hư hỏng của công trình đường bộ, đường sông, bảo đảm GTVT thông suốt. 5 năm qua, UBND tỉnh và Bộ GTVT đã giao 127,2 tỷ đồng cho ngành GTVT phục vụ công tác này.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, công tác đầu tư, xây dựng cơ bản hạ tầng giao thông trong những năm qua đạt hiệu quả thiết thực do trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân lao động toàn ngành ngày càng được nâng lên. Các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thi công… có năng lực, kinh nghiệm luôn được chú trọng. Nhờ đó, các công trình thi công cơ bản đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật. Tuy nhiên, tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và thiếu vốn đầu tư là những khó khăn cơ bản dẫn đến chậm tiến độ ở một số công trình.

Để đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng giao thông trên địa bàn có những bước phát triển mới, ngành GTVT tiếp tục tận dụng tối đa năng lực, cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài; mở rộng các hình thức đầu tư như ODA, BOT, BT... Đầu tư phát triển hệ thống giao thông và vận tải đường thuỷ, nâng cấp hệ thống cảng sông theo hướng hiện đại; cải tạo các bến, bãi xếp dỡ trên các tuyến đường thuỷ trong tỉnh. Củng cố, nâng cấp và xây dựng mới các bến xe khách tại các huyện, thị xã, thành phố. Vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào xây dựng và phát triển GTNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu phát triển GTVT đồng bộ, bảo đảm liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, tạo mạng lưới giao thông thông suốt, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

TIẾN HUY