Đổi mới phương thức quản lý hóa đơn tài chính

Thị trường - Ngày đăng : 05:07, 01/10/2010

Từ ngày 1-1-2011, Nghị định 51/2010/NĐ-CP có hiệu lực sẽ cho phép các DN trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, thúc đẩy DN nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.



Doanh nghiệp mua và đóng dấu tên đơn vị trên hóa đơn tại Cục Thuế tỉnh

Thời gian qua, việc áp dụng Nghị định 89/2002/NĐ-CP ngày 7-11-2002 của Chính phủ về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ cho công tác quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh. Đa số các tổ chức, cá nhân đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn. Hàng hóa mua vào có hóa đơn kèm theo để kê khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hằng tháng, quý, năm) đúng theo quy định. Các hành vi làm mất hóa đơn mua vào, hóa đơn bán ra, sử dụng hóa đơn giả, lập hóa đơn khống kê khai nộp thuế, mua bán hóa đơn khống... giảm nhiều so với trước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 89/2002/NĐ-CP còn nhiều bất cập. Một số nội dung quy định không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và Luật Giao dịch điện tử. Thủ tục đăng ký hóa đơn tự in còn phức tạp, doanh nghiệp chủ yếu vẫn mua hóa đơn. Việc in, phát hành và bán hoá đơn của ngành thuế chiếm nhiều nguồn lực, tốn công sức của cơ quan thuế. Các loại hóa đơn bán sẵn của cơ quan thuế còn thiếu về chủng loại (chưa có hóa đơn xuất khẩu) và hạn chế về số liên (chỉ có 3 liên), chưa đáp ứng được yêu cầu đặc thù kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu luân chuyển chứng từ phục vụ công tác quản lý sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Do chế độ quy định cơ quan thuế phải quản lý hóa đơn nên các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn không chủ động giám sát, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khoản chi mua hàng hóa, chủ yếu dựa vào việc quản lý hóa đơn của cơ quan thuế. Hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành có thể sử dụng cho tất cả các loại hình kinh doanh và trong phạm vi cả nước, đã tạo ra thị trường mua, bán hóa đơn bất hợp pháp với mục đích trốn thuế, hợp pháp hóa các khoản chi phí không có hóa đơn, chứng từ. Các tội phạm về vấn đề này ngày càng gia tăng.

Cục Thuế tỉnh hiện đang quản lý thuế hơn 32.747 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký thuế, trong đó có 311 doanh nghiệp nhà nước, 763 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 2.096 công ty TNHH, 1.296 công ty cổ phần, 966 doanh nghiệp tư nhân, 27.317 hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, mới chỉ có 210 tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn tự in theo quy định của Nghị định 89/2002/NĐ-CP.


Nghị định 51/2010/NĐ-CP sẽ tạo bước đột phá về phương thức quản lý hóa đơn tài chính, giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, thúc đẩy doanh nghiệp nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể in nhiều hơn 3 liên cho mỗi số hóa đơn; sử dụng tính chất đặc thù của hóa đơn để làm phương tiện quảng cáo thương hiệu, ngành nghề kinh doanh, qua đó tăng hiệu quả, lợi ích kinh tế của việc sử dụng hóa đơn. Đối với người tiêu dùng, quy định mới khuyến khích họ lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra về chất lượng hàng hóa, chất lượng cung ứng dịch vụ.

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tự in hoá đơn và đăng ký tại cơ quan thuế, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Nghị định quy định cụ thể các loại hóa đơn gồm hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT), hóa đơn bán hàng, các loại hóa đơn khác như vé, thẻ; về hình thức, có hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử, hóa đơn đặt in. Từ ngày 1-1-2011, cơ quan thuế không bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nghĩa vụ tạo hóa đơn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, cơ quan thuế chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra việc in hóa đơn. Các đối tượng khác, cơ quan thuế sẽ đặt in hóa đơn theo mẫu để bán cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương; cấp cho tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân không kinh doanh nhưng có hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.

Để triển khai, thực hiện Nghị định 51 đúng theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã quán triệt, phổ biến nội dung các văn bản chỉ đạo đến 100% số cán bộ, công chức toàn ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2010 và trong năm 2011. Thực hiện thành công Nghị định 51 sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đối tượng nộp thuế. Chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động và hình thức tuyên truyền để nhân dân, các  doanh nghiệp trên địa bàn nắm rõ và thực hiện. Chỉ đạo các phòng, Chi cục Thuế các huyện, thành phố tổ chức rà soát, phân loại tổng thể người nộp thuế là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn theo quy định để thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Hướng dẫn doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để đặt in hoá đơn hoặc đăng ký tự in hoá đơn ngay trong những tháng còn lại của năm 2010, bảo đảm bước vào những ngày đầu của năm 2011 mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp diễn ra bình thường.

Nghị định 51 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, liên hệ trao đổi với cơ quan thuế để chuẩn bị tốt cho việc in, đặt in, phát hành hóa đơn. Xác định nhu cầu, nguồn lực, khả năng thực hiện về hóa đơn. Thiết lập chương trình tự in hóa đơn trên máy tính, thiết bị tính tiền theo quy định, tìm đối tác đặt vẽ mẫu, đặt in hóa đơn, quán triệt, tập huấn việc phát hành, nâng cao ý thức trách nhiệm trong khâu in, sử dụng, quản lý hóa đơn, đăng ký hóa đơn mẫu... Các doanh nghiệp cần có kế hoạch, phương án bảo vệ hóa đơn, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong phát hành hóa đơn

Nghị định 51 đã quy định rõ trách nhiệm của doan nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt in và nhận in hóa đơn, các chế tài xử lý sai phạm trong từng trường hợp cụ thể. Để có thể quản lý hiệu quả khối lượng lớn hóa đơn tự in mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngành thuế tỉnh sẽ xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi số lượng hóa đơn được phát hành qua thông báo của doanh nghiệp gửi lên. Điều này sẽ hỗ trợ người dân, các đối tác của doanh nghiệp có thể giám sát số lượng hóa đơn hợp pháp được đưa vào sử dụng, ngăn chặn hiện tượng mua bán, giả mạo hóa đơn...

NGỌC QUẾ