Một thông điệp tình yêu

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 05:20, 02/10/2010

Có vẻ như nữ sĩ mượn cảnh mùa thu để trải lòng mình hơn là nói về mùa thu. Và cũng không phải ngẫu nhiên, mùa thu vẫn ẩn chứa nhiều sâu lắng, xưa nay thường đi cùng với một mối tình trải nghiệm sâu sắc.
"Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá"

Tình yêu đi qua mùa xuân đầy tươi non, hứa hẹn chan chứa, đi qua mùa hè cháy bỏng, khát khao... để đến mùa thu, nó bỗng dừng lại, ngoảnh nhìn. Có lẽ bắt đầu những dư vị ngọt bùi, đắng cay, làm nên phần sâu sắc của tình yêu cũng từ đây. Trong cái triết lý nhân sinh "Lá về rừng" (về cội) kia, những giá trị tình yêu đích thực mới được soi tỏ, mới nhận ra chăng? Đương nhiên, cùng với thời gian, nó không khỏi thấm đẫm một nỗi buồn, nuối tiếc. Để đứng trước mùa thu mới về theo chu kỳ, nhà thơ lại thấy:
"Mùa thu và hoa cúc
Chỉ còn anh và em
        ...
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ"

Chỉ có điều, "mùa thu cũ" ở đây với Xuân Quỳnh không hề "cũ", cằn cỗi, ngược lại, nó vẫn nguyên vẹn, tươi non, xao động thuở ban đầu:
"Chợt làn gió heo may
Thôi về xao động cả
Lối đi quen bóng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay"

Phải với một tình cảm nồng thắm như thế nào, người ta mới hồi tưởng lại tình yêu với những cảm xúc tinh tế lạ lùng đến như thế. Đọc đến đây ta bỗng nhớ câu thơ của Lưu Quang Vũ
"Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
Một hạt nhỏ mơ hồ trên má
Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá
Đi suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao?"

Tình yêu trong "Thơ tình cuối mùa thu" là của những người không còn trẻ dại, tất cả đều đã được trải nghiệm. Kể cũng phải thôi, cũng hợp với quy luật tình cảm xưa nay. Khi con người ta đã ở vào cái tuổi "Tri thiên mệnh", tình yêu cũng không đứng ngoài những lẽ đó. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng với cảm nhận này trước mùa thu đã chẳng viết:
"Sấm cũng thôi bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Còn với Xuân Quỳnh đó là:
"Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ"

Sự hồn nhiên trẻ dại dường như đã đi qua. Mọi sự không hẳn đã là an bài, song sau hết mọi thử thách, kể cả mất mát, đau khổ với những gió bão, thác lũ. Có lẽ bởi thế mà nó chín hơn, nồng nàn, sâu sắc hơn. Tuy nhiên, nói gì thì nói, con người vẫn không thể cưỡng lại với quy luật thời gian:
"Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi"

Nhưng duy nhất có một cái con người cưỡng lại với thời gian, đó là tình yêu. Để khẳng định điều này, nhiều lần trong bài thơ, nhà thơ đã hạ bút viết: "Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại". Đây chính là những giá trị đích thực của tình yêu. Sự thủy chung, sẻ chia, đồng cảm của hai con tim cũng ở đây. Nó bao hàm một tình yêu lớn, vượt ra ngoài tình yêu hai con người cụ thể. Có lẽ chỉ với một tình yêu như thế, mới bảo đảm cho một tình yêu bền vững chăng?
Xuân Quỳnh viết bài thơ này khi chị đang có một mối tình thật đẹp, vừa thăng hoa vừa lắng đọng với nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đây là một tình yêu đang ở độ cuối thu của cả hai người. Có lẽ bởi thế chăng, mùa thu đã được mượn làm thông điệp tình yêu của họ gửi cho những thế hệ tiếp nối:
"Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may"

NGUYỄN SIÊU VIỆT

XUÂN QUỲNH

Thơ tình
           cuối mùa thu

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá.

Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước
mênh mang
Mùa thu và hoa cúc
Chỉ còn anh và em.
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão.
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm|
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em.

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.