Công tác dân vận trong các cuộc kháng chiến
Tin tức - Ngày đăng : 05:11, 11/10/2010
Trong suốt 30 năm (1945-1975), với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, những cuộc đụng đầu lịch sử không cân sức giữa nhân dân ta và hai "đế quốc to". Nhưng bằng niềm tin và sức mạnh đoàn kết toàn dân, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta viết nên những trang sử vẻ vang, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn 1945-1954, cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật... Trước tình hình đó, công tác dân vận của Đảng được đẩy mạnh với mục đích làm cho toàn dân đoàn kết, tham gia kháng chiến, ủng hộ Chính phủ, ủng hộ bộ đội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất; xúc tiến xây dựng Công đoàn và các Liên đoàn Lao động để tập hợp công nhân vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ; quan hệ chặt chẽ với thanh niên, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên; đẩy mạnh công tác tôn giáo, Hoa kiều, dân tộc, địch vận và vận động đồng bào… Với cương lĩnh, đường lối đúng đắn của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ròng rã đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng và thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng là thành công to lớn của công tác dân vận của Đảng, đó là thành công của đường lối mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc với yêu cầu “ Vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không bỏ sót người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”. Trong thời kỳ 1954-1975, công tác dân vận phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để tăng cường công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, từ Trung ương đến các địa phương đã chú ý kiện toàn Ban Mặt trận và các tiểu ban trong khối: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận… Các Đảng đoàn Mặt trận và các đoàn thể ở Trung ương và các khu, miền, tỉnh, thành phố được kiện toàn. Tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể đã nhanh chóng chuyển hướng cho phù hợp với nhiệm vụ của từng miền. Ở miền Bắc, các cấp ủy đảng, chính quyền đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, giáo dục nhân dân hiểu rõ tình hình và nhiệm vụ mới, các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và vận động quần chúng thực hiện. Các phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Hai giỏi”, “Người tốt việc tốt”, “Chắc tay súng, vững tay cày”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… phát triển mạnh mẽ. Các phong trào đó cộng hưởng lại thành hậu phương vững chắc của miền Nam.
Tại miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày càng mở rộng. Các đoàn thể, tổ chức xã hội được xây dựng, củng cố thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các phong trào: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... phát triển mạnh mẽ. Phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam phát triển đến đỉnh cao, với ý chí “Còn cái lai quần cũng đánh”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà diệt”… đã làm quân thù khiếp đảm, thất bại liên tiếp. Cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thắng lợi. Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta toàn thắng, cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.