Khó đến mấy cũng phải xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:05, 16/10/2010
** Thưa ông, xây dựng NTM như mục tiêu của NQ 26/TW đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM, đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn liệu có là một thử thách không?
Ông Hồ Xuân Hùng: Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, nếu muốn đạt được mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, thì nhất định không thể tồn tại nông nghiệp-nông thôn lạc hậu, nông dân có đời sống văn hóa và vật chất thấp.
Ông Hồ Xuân Hùng |
Đồng bằng sông Hồng có 1.955 xã thuộc 11 tỉnh, là vùng phát triển sớm, mặt bằng tri thức cao, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn khá nhất nước. Nếu làm tốt cuộc vận động xây dựng NTM thì có thể về đích sớm trong vòng 10-15 năm. Riêng tỉnh Thái Bình, nếu có nguồn hỗ trợ đáng kể, toàn bộ 267 xã sẽ đạt hầu hết 19 tiêu chí, hoàn tất cơ sở hạ tầng. Đông Nam bộ có 490 xã thuộc 6 tỉnh, có một số khó khăn ở những xã vùng sâu vùng xa, nhưng nếu khơi dậy tiềm năng và có sự đầu tư hợp lý, thì cũng có thể về đích trong vòng 10-15 năm.
Khó khăn nhất là 2.283 xã thuộc 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, 2.489 xã thuộc 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, 598 xã thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và 1.306 xã thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ 8.676 xã nằm trong 4 vùng này đều rất khó khăn, đặc biệt là 1.834 xã trong diện 135, 271 xã bãi ngang, và 797 xã trong diện 30a. Phải có đầu tư rất lớn và thời gian lâu dài trên 10 năm, 20 năm, mới có thể xây dựng cơ sở hạ tầng khá được, nhất là về điện, đường, trường, trạm, nước sạch, vệ sinh môi trường.
** Khó khăn không kém phần nan giải, là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vừa chậm chạp vừa không bền vững. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Ông Hồ Xuân Hùng: Hiện có trên 15,5 triệu hộ sống ở nông thôn (69,4% số hộ cả nước), với gần 38 ngàn lao động (69% lao động cả nước), trong đó số lao động trực tiếp trong khu vực nông - lâm thủy sản chiếm 51,9% lao động cả nước. Mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ đó sẽ còn 30%, số còn lại sẽ chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Điều này không dễ dàng, bởi vì suốt 25 năm qua, tỷ trọng lao đông nông nghiệp chỉ giảm được 21%, từ 72,9% (1985) xuống còn 51,9% (hiện nay). Từ thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình đào tạo cho lao động nông thôn (QĐ 1958, ngày 27/11/2009), mỗi năm đào tạo chuyển nghề cho 700.000 - 800.000 lao động nông thôn và 300.000 nông dân tiếp tục làm nông nghiệp. Tuy nhiên, trường lớp đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đào tạo sao cho lao động phi nông nghiệp có được việc làm và có thu nhập ổn định, cao hơn làm nông nghiệp.
Lao động sau đào tạo có thể làm việc tại các doanh nghiệp ở đô thị, nhưng khả năng này không dễ dàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở nông thôn lại vừa thiếu vừa yếu, khiến lao động nông thôn sau đào tạo cũng không dễ có được việc làm phù hợp với nghề được đào tạo. Như vậy, nếu không chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn, thì dù có dồn điền đổi thửa đến đâu, có tổ chức lại sản xuất, dù có tăng năng suất như thế nào đi nữa, thì nông thôn vẫn không thể giàu có được. ** Nhưng để làm tốt được nhiệm vụ như ông vừa nói, thiết nghĩ cần phải tạo lập những tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với trình độ phát triển của người dân nông thôn. Mặt khác, cũng cần tập trung giải quyết những mâu thuẫn lớn ở nông thôn. Quan điểm của ông về hai vấn đề này như thế nào?
Ông Hồ Xuân Hùng: Sau hơn 25 năm Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, ra đời các hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ được khẳng định, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn được khuyến khích phát triển. Trong khi đó, các tổ chức chính trị, xã hội vẫn chưa chuyển đổi kịp và lại hành chính hóa, quan liêu hóa, kìm hãm sự phát triển, không tạo ra động lực phát triển nhanh và mạnh cho các loại hình sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Do chưa có Luật Tổ chức Hội, nên nhiều nơi dùng tổ chức có tính hành chính thay cho tổ chức kinh tế, không có phản biện xã hội, phản biện nghề nghiệp trong nông thôn. Ngoài các mâu thuẫn “kinh niên” như đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai, nhà ở..., không ít xã đã nổi lên “nhóm lợi ích” khó hiểu, tạo ra mâu thuẫn ngầm về kinh tế trong nông thôn, giữa lúc phần lớn nông dân gặp khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần, cán bộ hưu trí, quân nhân phục viên, giáo viên, công chức xã có nhiều tâm tư.
Không ít địa phương vẫn giữ thói điều hành theo mệnh lệnh hành chính, quyết định hành chính để can thiệp vào sản xuất kinh doanh, vi phạm cam kết hoặc hành xử theo “luật đi đêm”. Mâu thuẫn giữa chính sách hỗ trợ nông dân với thực tế thực hiện, làm nảy sinh tham ô, tiêu cực, đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi. Đáng quan tâm là, phần lớn cán bộ Đảng viên xuất thân từ nông dân, nhưng khi xây dựng chính sách nông thôn, khi bắt tay vào làm, lại xoay lưng lại với nông thôn. Điều đó đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 26 TW 7 khóa X: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng NTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo qui hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt”. Vì vậy, cần tôn trọng và lấy quyền lợi của nông dân làm hạt nhân để đưa ra các giải pháp về "tam nông". Mặt khác, cần có chính sách bảo hiểm nông nghiệp, nông dân, chính sách tiêu thụ hết nông sản chủ yếu, ổn định đầu vào, đầu ra nhằm tăng thu nhập cho nông dân. (Nguồn: VOV)