Nâng cao năng lực thủy lợi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:02, 21/10/2010

Để công tác thủy lợi phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, những năm tới tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng công trình tưới, tiêu mới; làm tốt thủy lợi đông xuân; điều hành hợp lý nguồn nước.


Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa sẽ giúp tưới nước chủ động và tiết kiệm. Trong ảnh: Hệ thống kênh dẫn nước của trạm bơm xã Cẩm Chế (Thanh Hà)

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh, khi tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến thuận lợi, công tác tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, việc thiếu nước tưới vẫn có thể xảy ra cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực phụ thuộc nguồn nước tự chảy của các hồ chứa ở thị xã Chí Linh. Nhiều hồ chứa nước ở đây lâu ngày chưa được nạo vét, cải tạo nên khả năng tích trữ nước rất hạn chế. Trong vụ xuân năm nay, do thời tiết khô hạn kéo dài nên nhiều hồ bị cạn trơ đáy, không thể cung cấp nước tưới dưỡng cho hàng trăm héc-ta lúa xuân. Một số trạm bơm tưới bị xuống cấp, máy móc lạc hậu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn nước tưới trong điều kiện thời tiết bình thường.

Nếu thời tiết bất lợi xảy ra (trời ít mưa, mực nước tại các kênh trục xuống thấp, mực nước tại Bá Thủy ở mức dưới 1,1m) thì khô hạn sẽ xảy ra cục bộ ở nhiều nơi, tập trung ở khu thủy lợi Bắc Hưng Hải, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Nguyên nhân hạn hán ngoài điều kiện thời tiết bất lợi còn do hệ thống công trình thủy lợi bị bồi lắng, tình trạng lấn chiếm kênh, mương để xây nhà, làm cầu diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, gây ách tắc dòng chảy. Thời gian gần đây, việc các tổ chức, cá nhân ngang nhiên xả nước thải ô nhiễm vào công trình thủy lợi diễn ra phổ biến khiến nhiều trạm bơm không thể lấy nước phục vụ sản xuất. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng nhất tại các kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng, Cẩm Đông - Phí Xá, Kẻ Sặt - Phủ. Tại một số thời điểm khi mực nước sông, trục xuống thấp, tình trạng xâm nhập mặn qua cống Cầu Xe - An Thổ và khu vực thủy lợi An Kim Hải có thể xảy ra nên không thể lấy nước vào nội đồng.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp để bảo đảm nhu cầu tưới cho nông nghiệp. Làm thủy lợi đông xuân được quan tâm, ưu tiên việc nạo vét kênh dẫn, cửa cống, hố hút. Từ năm 2006 đến 2009, toàn tỉnh nạo vét bình quân 1,3 triệu m3 đất/năm trong đợt làm thủy lợi đông xuân. Ngoài ra, việc kiên cố hóa kênh mương cũng được quan tâm. Nhiều trạm bơm mới được xây dựng góp phần nâng cao năng lực tưới nước. Ông Lê Văn Kiện, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Chế (Thanh Hà), cho biết: "Trạm bơm Chợ Cháy của địa phương xây dựng từ lâu, máy móc cũ rão nên khả năng cung cấp nước tưới rất hạn chế. Mặt khác, hệ thống kênh dẫn nước cũng đã xuống cấp, không đủ đáp ứng nhu cầu tưới cho nông dân canh tác. Nhân dân địa phương đã đề nghị tỉnh cho xây dựng trạm bơm mới để khắc phục khó khăn. Từ đầu năm nay, trạm bơm Cẩm Chế đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian bơm nước so với trước kia, bảo đảm đủ nước tưới cho diện tích canh tác, giúp nông dân yên tâm sản xuất". Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên tu sửa, cải tạo, nâng cấp máy móc, thiết bị và khơi thông dòng chảy. Nhiều máy bơm có công suất 1.000m3/giờ được thay thế bằng máy bơm có công suất lớn hơn. Tất cả các trạm bơm tưới đã được trang bị máy mồi chân không để khởi động bơm nước nhanh hơn. Vào cuối tháng 11 hằng năm, tỉnh đều thành lập ban chỉ đạo chống hạn vụ đông xuân và yêu cầu các địa phương chuẩn bị máy bơm dầu, máy bơm dã chiến để đối phó với tình huống bất lợi có thể xảy ra. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải để lấy nước đổ ải từ sớm, tránh tình trạng thiếu nước đổ ải do tỉnh ta nằm ở cuối nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn nên tỉnh ta chưa năm nào để xảy ra tình trạng gieo cấy lúa chậm thời vụ, hoặc có diện tích lớn bỏ hoang hóa do thiếu nước.

Trong việc tiêu nước, toàn tỉnh có diện tích úng ở một số năm từ 13 nghìn héc-ta đến 50 nghìn héc-ta. Nguyên nhân úng do điều kiện thời tiết bất lợi, mưa vượt quá tần suất thiết kế, mực nước sông ngoài cao làm giảm khả năng tiêu tự chảy. Nhiều công trình đầu mối tiêu nước còn thiếu năng lực so với thiết kế, hoặc chưa có công trình tiêu chủ động. Hệ thống công trình đầu mối và công trình nội đồng chưa đồng bộ, không được tu sửa, nạo vét thường xuyên. Nhiều trạm bơm trục ngang có hiệu suất thấp, tốn điện năng nhưng chưa được cải tạo, thay thế.



Trạm bơm tiêu Bình Hàn mới được đưa vào hoạt động từ đầu năm nay, phục vụ hiệu quả việc tiêu nước cho khu Hạ của huyện Tứ Kỳ

Việc xây dựng các trạm bơm mới là một giải pháp quan trọng để nâng cao khả năng tiêu nước. Trong thời gian qua, một số trạm bơm tiêu đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trạm bơm tiêu Bình Hàn thuộc địa bàn xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) là một điển hình. Đây là trạm bơm tiêu đầu mối lớn, gồm có 7 máy bơm (mỗi máy bơm có công suất 8.000m3/giờ), phục vụ tiêu nước cho 4 xã: An Thanh, Cộng Lạc, Văn Tố, Tứ Xuyên. Theo ông Ngô Thanh Huân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cộng Lạc, khi trạm bơm Bình Hàn chưa được xây dựng, việc tiêu nước ở địa phương này rất khó khăn; chỉ cần một trận mưa bình thường đã có 50% diện tích canh tác bị ngập, phải bơm nhiều ngày mới hết úng, do đây là "rốn nước" của khu Hạ huyện Tứ Kỳ. Nông dân Cộng Lạc thường xuyên chịu thiệt hại nặng do tình trạng ngập úng gây ra. Từ khi trạm bơm Bình Hàn đi vào hoạt động đầu năm nay, việc tiêu nước rất dễ dàng. Nếu xảy ra mưa to, trạm bơm Bình Hàn chỉ cần bơm 1 - 2 ngày đã tiêu hết úng, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh tiếp tục xây dựng thêm nhiều trạm bơm mới như: Hiệp Lễ, An Cư (Ninh Giang), Hùng Thắng (Bình Giang), Tiên Kiều (Cẩm Giàng). Một số trạm bơm cũng sẽ được xây dựng tới đây như: Cầu Dừa (Tứ Kỳ), Đoàn Thượng (Gia Lộc), Cổ Ngựa (Ninh Giang).


Ngoài ra, để việc tiêu nước thuận lợi, tỉnh còn đầu tư kinh phí để nạo vét các kênh, trục; khơi thông dòng chảy; cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi. Khi dự báo mưa lớn, bão có thể ảnh hưởng đến tỉnh ta, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với đơn vị khác thực hiện gạn tháo nước sớm.

Nhìn chung, năng lực tưới, tiêu nước đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Tuy vậy, để công tác thủy lợi phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng công trình tưới, tiêu mới; làm tốt thủy lợi đông xuân; điều hành hợp lý nguồn nước, đặc biệt khi xảy ra thời tiết bất lợi; tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết ngăn chặn tình trạng vi phạm công trình thủy lợi.

MINH ANH