Mô hình cần nhân rộng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:08, 26/10/2010
Mô hình 10 ha theo phương thức canh tác "một vùng, một giống, một thời gian" tại xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), thu được những kết quả tích cực. Mô hình này cần được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình gieo cấy lúa QR1 theo phương thức "một vùng, một giống, một thời gian" ở thôn Thiệu, xã Vĩnh Lập cho kết quả tốt |
Những năm trước đây, nông dân các xã khu Hà Đông (Thanh Hà) nói chung và xã Vĩnh Lập nói riêng thường gieo cấy lúa không bảo đảm quy trình kỹ thuật, không bón đủ lượng phân, nhất là phân ka-li; không thực hiện theo lịch thời vụ của huyện; vụ chiêm cấy sớm trước lịch; vụ mùa cấy muộn sau lịch. Do đó, lúa thường bị nhiễm sâu bệnh hại nhiều hơn so với các địa phương khác, đặc biệt là sâu bệnh cuối vụ, năng suất lúa thường thấp hơn so với trung bình của huyện. Vụ mùa năm nay, để thay đổi nhận thức của nông dân và bảo đảm năng suất bằng mức trung bình của huyện, Thanh Hà xây dựng mô hình 10 ha theo phương thức canh tác "một vùng, một giống, một thời gian" tại thôn Thiệu, xã Vĩnh Lập và đã thu được những kết quả tích cực.
Như nhiều gia đình khác trong xã, trước đây, gia đình ông Vũ Văn Nhuận ở thôn Thiệu thường cấy lúa không theo lịch thời vụ. Vụ chiêm, gia đình ông cấy sớm để... chuẩn bị Tết. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh, lúa hay bị chết. Sau Tết, gia đình ông phải cấy lại. Vụ mùa, ông cấy muộn nên hay bị sâu hại cuối vụ. Vụ này, ông có 8 sào tham gia mô hình và cho kết quả khá hơn những năm trước. Hạt lúa chắc, mẩy hơn, năng suất đạt trung bình 2,3 tạ/sào, cao hơn từ 70 đến 80 kg/sào so với những vụ trước. Cấy đúng thời vụ, ông còn tránh được 2 đợt sâu cuối vụ, giảm được tiền mua thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Phạm Văn Hoan cũng có 5 sào tham gia mô hình. Trước đây, với 5 sào ruộng, ông cấy 3 loại giống khác nhau. Mỗi ruộng cấy vào một khoảng thời gian khác nhau. Vì vậy, nhiều lúc không có nước tưới, sâu bệnh, chuột hại rất nhiều. Vụ mùa này, ông thực hiện đúng sự chỉ đạo của huyện. Năng suất lúa tăng lên đáng kể, đạt trung bình 2,2-2,3 tạ/sào, cao hơn trước. Ông cho biết: “Từ vụ chiêm xuân năm nay, tôi sẽ tuân thủ nghiêm hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong việc gieo trồng, bảo đảm đúng lịch, đúng thời vụ, quy định về phòng trừ sâu bệnh".
Để thu được kết quả tốt, trước khi triển khai mô hình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lập tổ chức 2 buổi tiếp xúc với nông dân để tuyên truyền về kế hoạch, chính sách hỗ trợ và tác dụng của việc thực hiện mô hình và tổ chức cho nhân dân đăng ký tham gia. Sau đó, 70 hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật gieo cấy, cách làm đất, gieo mạ, kỹ thuật cấy, thời gian bón phân... Vùng dự án sử dụng giống QR1, đây là giống lúa mới chất lượng cao do Phòng NN- PTNT huyện và HTX Dịch vụ nông nghiệp xã ký hợp đồng trực tiếp với Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang. Các hộ tham gia mô hình được huyện hỗ trợ 40% giá giống, công ty cung ứng giống hỗ trợ 50% giá giống và 50% giá phân ka-li (theo quy định là 6 kg ka-li/sào). Huyện bố trí gieo cấy vào trà lúa sớm, từ 12-6 bắt đầu gieo mạ, đến khoảng 25-9 là thu hoạch xong. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, giai đoạn lúa trỗ bông, làm đòng có mưa đã ảnh hưởng đến việc thụ phấn và thuận lợi cho sâu bệnh phát triển nhưng vẫn cho thu hoạch khá hơn những vụ lúa trước. Theo tính toán của các hộ nông dân, chi phí cho một sào lúa hết 800 nghìn đồng, năng suất ruộng thấp nhất đạt 2 tạ/sào, cao hơn mức trung bình trước đây 50 kg/sào. Tổng thu 1 sào đạt trên 1,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 700 nghìn đồng.
Ông Ngô Bá Định, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, điều quan trọng nhất trong việc xây dựng mô hình ở xã Vĩnh Lập nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân để họ thấy được hiệu quả của việc tuân thủ theo đúng lịch gieo cấy. Sử dụng 1 giống lúa trên một vùng diện tích tạo thuận lợi trong việc phát hiện sâu bệnh, điều tiết nước tưới, hạn chế sự phá hoại của chuột. Việc bố trí mùa vụ sớm vừa tránh sâu hại cuối vụ, vừa thuận tiện trong việc trồng cây vụ đông... Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác và mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Hà tập trung tuyên truyền nhân rộng mô hình, nhất là ở khu Hà Đông nhằm tạo được nhiều khu đồng "một vùng, một giống, một thời gian", góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
THANH HÀ