Nghĩ về người thầy hôm nay

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:15, 19/11/2010

Vào ngày này, trên khắp mọi miền từ Bắc đến Nam, các em học sinh, sinhviên lại cùng nhau mang hoa, quà đến chúc mừng các thầy, cô giáo, bàytỏ lòng biết ơn đối với những người có công dạy dỗ mình.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Mấy chục năm qua, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trở thành ngày hội “tôn vinh người thầy” của toàn dân. Vào ngày này, trên khắp mọi miền từ Bắc đến Nam, các em học sinh, sinh viên lại cùng nhau mang hoa, quà đến chúc mừng các thầy, cô giáo, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công dạy dỗ mình. Thật là cảm động khi được chứng kiến những cuộc sum họp, tri ân của thầy trò trong tình cảm thân thương...

Hòa cùng với những niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm biết ơn trân trọng của các thế hệ học trò, các nhà giáo không thể không nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, lớp người sẽ gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Phát huy truyền thống cao đẹp, những năm qua đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước đã dấy lên phong trào thi đua "Hai tốt" là dạy tốt và học tốt; khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "vì lợi ích trăm năm trồng người" mà Ðảng và nhân dân tin yêu giao phó. Nhiều nhà giáo đã tâm huyết, tận tụy với nghề; nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã không ngại khó khăn; thậm chí hy sinh cả tính mạng để bám trường, bám lớp; duy trì việc giảng dạy và học tập. Xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn các thầy giáo, cô giáo; những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình; góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Song, trong xã hội hiện nay, nhiều người đã đẩy mối quan hệ thầy trò thiêng liêng vốn không thể đo đếm được vào những nấc thang tính toán. Không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đúng là có những trường hợp người được phân công đứng trên bục giảng hoặc công tác trong ngành giáo dục chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo. Nhiều trường học thu đủ loại tiền để tăng thu nhập cho giáo viên. Các lớp học thêm mở tràn lan, giáo viên cắt giờ trên lớp bù vào giờ dạy thêm. Khái niệm trọng thầy gần như đánh đồng với khái niệm trong kết quả học tập của con em mình ở nhiều nơi. Mặt khác, do tác động của kinh tế thị trường, do sự xuống cấp về đạo đức nói chung, đạo thầy trò gần đây có bị sút giảm, không còn thiêng liêng như trước. Ðó đây có những hiện tượng đau lòng về quan hệ thầy trò, trong đó có người không giữ được đạo làm thầy.

Ðứng trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành giáo dục và đào tạo nói chung, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng cần nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ bản của giáo dục và đào tạo do Ðại hội lần thứ X của Ðảng đề ra. Nhiệm vụ đó đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ðó cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ðảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Các ngành, chính quyền địa phương, các cấp, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục chia sẻ trách nhiệm, phối hợp tốt để cùng ngành giáo dục và đào tạo thực hiện thành công sự nghiệp "trồng người" vô cùng vẻ vang.

NGUYỄN THANH HOÀNG(Cần Thơ)