Giá đất ở TP Hải Dương quá cao, vì sao?

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 04:21, 24/11/2010

Những năm gần đây, giá nhà đất ở TP Hải Dương tăng chóng mặt. Hiện nay, giá đất ở TP Hải Dương cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, vượt xa giá đất ở TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên...


Một trong những nguyên nhân đẩy giá đất TP Hải Dương lên cao là do loạn “cò đất”.
 Ảnh: TrungTrực

Những năm gần đây, giá nhà đất ở TP Hải Dương tăng chóng mặt. Hiện nay, giá đất ở TP Hải Dương cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, vượt xa giá đất ở TP Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên... Nếu cách đây 2 năm, giá đất mặt tiền giữa đường Thanh Niên mới 30 triệu đồng/m2, nay là 50 đến 70 triệu đồng/m2; ở phố Phạm Ngũ Lão là 40 đến 50 triệu đồng/m2, thì nay khoảng 90 đến 120 triệu đồng; đường Trần Hưng Đạo (đoạn phố chính) từ 65 đến 70 triệu đồng, nay là 150 đến 160 triệu đồng/m2... Sôi động nhất vẫn là ở các khu đất đô thị mới phía đông và phía tây TP Hải Dương.

Chủ đầu tư bán nhỏ giọt, cò đất thi nhau tăng giá

Với 2 khu đô thị mới, Tập đoàn Nam Cường có hơn 700 ha đất ở TP Hải Dương nên gần như điều khiển thị trường nhà đất thành phố. Những năm trước đây, các khu vực sau khi cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Nam Cường cho họp nội bộ thống nhất giá bán từng khu vực, tổ chức bán lẻ đồng loạt một lúc hàng nghìn suất đất để xây nhà liền kề hoặc hàng trăm suất đất biệt thự. Nhiều năm liền, giá nhà đất ở TP Hải Dương khá bình ổn. Những năm gần đây, phương thức bán hàng của tập đoàn này đã thay đổi. Họ bán ít một, nhỏ giọt, tạo nên sự “phân phối” đất chứ không phải bán lẻ. Những thông tin được truyền nhanh, Tập đoàn Nam Cường sắp bán khu A, khu B... Những đầu nậu đất có vài chục, vài trăm tỷ đồng sẵn sàng đặt cọc với tập đoàn rồi lấy cả 1 hoặc 2 lô lớn khoảng 100, 200, 300 suất đất. Tiếp đó, các đại lý môi giới nhà đất tới xin đăng ký mua 5 suất, 10 suất, 20 suất để "lướt sóng" kiếm lời. Những người có tiền không biết kinh doanh gì mua 1 - 2 suất đất để đó chờ giá lên. Như vậy, khi tới tay người tiêu dùng có nhu cầu thực sự, phải qua 2 đến 3 lần đẩy giá, đất đã vọt lên 20 đến 30% so với giá Tập đoàn Nam Cường bán ra. Những lô tiếp sau cùng khu vực, doanh nghiệp này đợi cho giao dịch nhà đất lên cao nhất rồi lại bán tiếp, xấp xỉ với giá thị trường. Vậy là lại một màn đẩy giá đất của các đầu nậu, đại lý, những người có tiền nhàn rỗi, để rồi những lô sau nữa giá lại lên cao hơn.

Một trong những nguyên nhân đẩy giá đất TP Hải Dương lên cao là do hiện tượng loạn “cò đất”. Ngoài những đầu nậu có tiếng ôm vào một lúc hàng trăm lô đất như ông P., ông H., bà H., ông V. , còn có tới cả trăm đại lý nhỏ, tiếp nữa là hàng trăm cá nhân có tiền nhàn rỗi với đủ loại hình như chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, công chức, viên chức... thi nhau “ôm đất”. Chính vì vậy, giá nhà đất ở TP Hải Dương cao nhất so với các tỉnh, thành phố lân cận, cao hơn Hải Phòng, Quảng Ninh rất nhiều. Các khu đô thị mới ở TP Hải Phòng có cơ sở hạ tầng khá tốt, đường trong các lô đất rộng thoáng hơn Hải Dương, giá trung bình chỉ từ 8 đến 10 triệu đồng/m2. Các khu dân cư mới ở TP Hạ Long, đất biệt thự đẹp giá chỉ từ 7 đến 8 triệu đồng/m2.

Ai quản lý?

Khu đất An Phú ngay đầu cầu Phú Tảo, hơn một năm trước đây, giá bán từ Tập đoàn Nam Cường mới từ 4 đến 6 triệu đồng/m2 tùy vị trí, nay những lô đất đẹp khu vực này đã có giá tới 17 đến 18 triệu đồng/m2. Khu dân cư Vạn Phúc nằm khá xa trung tâm thành phố, đầu năm trước giá đất thấp nhất ở đây có 3 triệu đồng/m2, nay đã vọt lên 13 đến 14 triệu đồng, vị trí đẹp tới 17-18 triệu đồng/m2. Khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long mới ngày nào giá 5-6 triệu đồng/m2, nay đã lên 12 đến 14 triệu đồng/m2... Khu dân cư Trường Thịnh cách trung tâm thành phố 5 km mới bán ra trên 100 suất đất, mọi người dự kiến giá khoảng 14 đến 15 triệu đồng/m2, song do “cò đất” đẩy lên, giá hiện nay đã lên tới 17 đến 18,5 triệu đồng/m2.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trong kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, việc thực hiện vai trò này còn nhiều hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời thị trường bất động sản, chưa tham mưu để quản lý loại hình hoạt động này một cách khoa học.

Thị trường nhà đất TP Hải Dương mỗi năm giao dịch mua bán tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc để thất thu thuế trong mua bán bất động sản, cho thuê nhà đất còn rất nhiều. Nhiều đối tượng mua đất của Tập đoàn Nam Cường với số lượng lớn, đủ tiền "ôm" đất nhưng không đủ tư cách pháp nhân kinh doanh lĩnh vực này. Khi bán cho khách hàng  chỉ có giấy viết tay, ăn chênh lệch hàng tỷ đồng mà không hề mất một đồng tiền thuế. Thuế đất sẽ do người cuối cùng lấy "sổ đỏ" gánh chịu. Có thửa đất qua tay 4-5 người mới đến người tiêu dùng, giá tăng gấp đôi thậm chí gấp bốn lần giá gốc, các trung gian ở giữa cứ việc ăn chênh lệch, không phải nộp bất cứ đồng thuế nào. Quản lý thị trường bất động sản lỏng lẻo, những người có nhu cầu mua đất làm nhà thực sự phải mua với giá quá cao so với giá trị thực của nó.

Hàng nghìn hộ dân TP Hải Dương nhường đất canh tác để phát triển các khu đô thị mới, để người dân mong có điều kiện mua đất, xây nhà dễ dàng với giá hợp lý, nay thì ngược lại, giá đất cao và bán không công khai. Nhà kinh doanh địa ốc lấy lợi nhuận là trên hết, không có chính sách hậu đãi gì với người dân nhường đất cho doanh nghiệp. Đã tới lúc thị trường nhà đất ở TP Hải Dương cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Quản lý tốt sẽ góp phần cho hoạt động kinh doanh nhà đất của thành phố phát triển lành mạnh hơn, tránh được cảnh tranh mua, tranh bán, tùy tiện nâng giá, tránh thất thu thuế cho tỉnh và bình ổn giá bất động sản trên thị trường.

TRUNG TRỰC