Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô
Môi trường - Ngày đăng : 11:05, 30/11/2010
Gần 2 tháng nay, trên địa bàn các huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh, lượng mưa đo được thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động cao.
Rừng đặc dụng khu di tích Côn Sơn |
Ngày 12-11-2010, tại tiểu khu 7, khu 3 + khu 8, vị trí từ lô 7 đến lô 10 thuộc địa phận phường Phả Lại (Chí Linh) đã xảy ra một vụ cháy rừng trên diện tích 4,9 ha, thiệt hại 10%. Đây là diện tích rừng phòng hộ, được trồng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gồm 2 loại cây chính là thông và keo. Cũng trên diện tích rừng này, vào tháng 2 - 2010 đã xảy ra một vụ cháy gây thiệt hại 1 ha. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại lên tới 13 ha, tập trung chủ yếu trên diện tích rừng đặc dụng (3,09 ha) và rừng phòng hộ (9,01 ha). Các vụ cháy rừng thường xảy ra ở các khu vực trọng điểm, nguyên nhân chủ yếu do ý thức kém và sự bất cẩn của người dân trong quá trình sản xuất.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mùa khô năm nay đến sớm và kéo dài hơn so với mọi năm. Gần 2 tháng nay, trên địa bàn huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh, lượng mưa đo được thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động cao. Theo ông Bùi Xuân Thăng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 2 loại rừng dễ cháy là rừng tự nhiên và rừng trồng. Rừng tự nhiên với tổng diện tích trên 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Bắc An và Hoàng Hoa Thám. Diện tích này chủ yếu là rừng nghèo kiệt, được phục hồi sau khai thác nương rẫy, có nhiều dây leo, bụi rậm, tre nứa... Đến mùa hanh khô, lớp cành, lá khô rụng xuống cùng với tre nứa bị chết tạo nên lượng vật liệu dễ cháy lớn và khó kiểm soát khi xảy ra cháy. Rừng trồng khoảng 6.000 ha, gồm rừng thông thuần loại cổ thụ và rừng thông non xen kẽ keo được trồng theo chương trình 327 và chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Hằng năm, lượng nhựa rơi vãi do khai thác và lớp lá khô bên dưới rất dễ bén lửa tạo cháy lớn.
Toàn tỉnh hiện có 10.630 ha rừng các loại. Trong đó, rừng đặc dụng có 1.541 ha, rừng phòng hộ 4.718 ha và rừng sản xuất 4.371 ha. Diện tích rừng của tỉnh ta thường gắn liền với các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như: khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; đền thờ nhà giáo Chu Văn An; chùa Thanh Mai, đền Cao An Phụ... Diện tích rừng của tỉnh ta không nhiều, nhưng lại phân tán ở 34 xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Trên diện tích rừng này có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia đã được xếp hạng. Mỗi năm, vào mùa lễ hội có hàng vạn du khách thập phương đến tham quan, thắp hương, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù rừng đã được giao cho các gia đình chăm sóc, bảo vệ, nhưng do diện tích được nhận ít, cộng với tiền công không cao, hiệu quả kinh tế từ rừng thấp nên người dân chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng để phát triển nghề rừng và góp phần bảo vệ rừng. Đây là những yếu tố có thể gây cháy rừng bất cứ lúc nào.Xác định công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) không phải là nhiệm vụ riêng của lực lượng kiểm lâm, nên trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về PCCR đến các hộ nhận khoán rừng và cộng đồng dân cư sống ven rừng. Chi cục đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn cũng như các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện về PCCR, nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về vai trò và tầm quan trọng của rừng cũng như việc PCCR trên địa bàn. Bên cạnh đó, chi cục cũng yêu cầu Ban quản lý các khu di tích tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định về PCCR khi đi tham quan, vãng cảnh. Các bản tin tuyên truyền về công tác PCCR cũng được kẻ vẽ, sơn sửa và xây dựng mới, bảo đảm tác dụng tuyên truyền đến người dân.
Để chủ động trong công tác PCCR, Chi cục Kiểmlâm tỉnh đã xác định 8 trọng điểm thường xảy ra cháy như: khu vực di tích lịch sửCôn Sơn - Kiếp Bạc, khu vực núi Phượng Hoàng, dãy núi Dây Diều, khu vực rừng tựnhiên của các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, rừng phòng hộ xã Hoàng Tiến (ChíLinh), rừng thuộc xã Tân Dân, An Phụ, rừng giáp ranh 2 xã Lê Ninh và Phúc Thành(Kinh Môn) với diện tích 5.000 ha. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm cũng đã xây dựngcác phương án bảo vệ các trọng điểm này, nhằm huy động lực lượng chữa cháy rừngmột cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến của các vụ cháy rừng |
Với sự chủ động trong xây dựng kế hoạch và chuẩn bị cơ sở vật chất, cộng với nhận thức của người dân về PCCRa được nâng lên, hy vọng những vụ cháy rừng sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
VỊ THUỶ