Bình sữa có chất BPA: Vẫn mua bán bình thường
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:17, 10/12/2010
Bình sữa có chất BPA được bán phổ biến trên thị trường - Ảnh: Trí Quang
Đáng nói là chất BPA lại có trong các bình sữa trẻ em đang được bày rộng rãi trong khi người dân Việt Nam (VN ) lại không hề hay biết.
Nhiều nước đã cấm BPA
Vào tháng trước, Liên minh châu Âu đã theo bước Canada cấm sử dụng BPA trong các bình sữa trẻ em sau khi những thí nghiệm cho thấy BPA có thể tác động đến sự phát triển của hệ thần kinh và hành vi của động vật khi chúng tiếp xúc với chất này trong giai đoạn thai nghén hoặc mới ra đời.
Theo đó, các quốc gia châu Âu phải dừng việc sản xuất các bình sữa trẻ em có chất BPA trước tháng 3-2011 và chấm dứt việc bán ra hoặc nhập khẩu chúng trước tháng 6-2011.
Tuy nhiên, BPA hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong nước đóng chai, vỏ bọc điện thoại di động, máy tính và các sản phẩm tiêu dùng khác.
Tác động của BPA với sức khỏe con người vốn là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Vào tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng BPA không tích lũy trong cơ thể song thừa nhận “những nghiên cứu dịch tễ và thí nghiệm gần đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với BPA ở mức độ thấp và một số tác động bất lợi với sức khỏe”.
Còn tài liệu y khoa Mỹ Uptodate ghi thẳng và khuyến cáo: "Phải tránh những cái vật dụng, chứa đựng bằng nhựa trong suốt mà có chứa BPA, nên tránh dùng bởi vì sự tiếp xúc với BPA có thể đi kèm với những tổn hại phát triển của trẻ em”.
Bình sữa có BPA bán đầy vì giá rẻ
Khảo sát nhiều cửa hàng bán sản phẩm bình sữa dành cho trẻ em tại TP Hồ Chí Minh 9-12, phóng viên nhận thấy nhiều người dân không để ý thông tin liên quan đến chất BPA, một hóa chất có thể gây vô sinh ở nam giới, hay ung thư mà các nước khác đã khuyến cáo.
Vào vai người đi mua bình sữa cho con, chúng tôi ghé vào một cửa hàng trên đường Phạm Viết Chánh (Q.1, TP Hồ Chí Minh) để tìm bình sữa không có chất BPA.
Chủ cửa hàng cho biết có hai loại cơ bản là loại làm theo công nghệ mới, không có chất BPA và loại công nghệ cũ, có chất BPA. Loại không chất BPA có giá 160.000 đồng/bình, đắt hơn từ hai đến ba lần loại thường (60.000 đồng/bình).
"Trong thông tin của sản phẩm đâu có chỗ nào ghi bình này không có BPA?", nghe chúng tôi hỏi sau khi xem kỹ nhãn hiệu trên bình, chủ cửa hàng ấp úng: "Loại không có BPA thường làm bằng thủy tinh, dù gặp nước nóng thế nào cũng chẳng sao, còn các loại bình nhựa thì gặp nước nóng lâu ngày sẽ phát tiết ra chất BPA".
Thấy khách lưỡng lự, chị này bồi thêm: "Trước giờ, nhiều người vẫn xài loại bình thường, có BPA, có sao đâu, ai đâu mà để ý. Với lại chất BPA đó cũng không gây hại gì ghê gớm. Nếu muốn chắc chắn thì em đi đâu rồi lát nữa quay lại, chị sẽ tìm ra tờ giấy có chứng nhận không chất BPA cho em yên tâm".
Tại một cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng (Q.1, TP Hồ Chí Minh), biết chúng tôi hỏi mua sản phẩm bình sữa không chất BPA, chủ tiệm nói ngay: "Gần đây cũng có khách tìm mua bình bú không BPA như ông anh, nhưng ở đây bán phổ biến nhất là loại thường, tức loại có BPA".
Theo chủ cửa hàng nói trên, loại bình có BPA có giá thấp hơn nhiều so với bình không có BPA.
"Bình không có chất BPA sẽ có ghi chữ "BPA Free", còn sản phẩm nào không ghi hai chữ này thì thuộc loại có BPA. Tuy nhiên người dân vẫn xài phổ biến loại thường vì không phải ai cũng có điều kiện về kinh tế để chọn loại có ghi "BPA Free" giá cao", chủ cửa hàng trên cho biết.
Tại quầy tính tiền, chúng tôi thấy rất nhiều khách hàng mua sản phẩm bình bú loại thường, tức loại không ghi chữ "BPA Free".
"Tại trước giờ xài loại nào thì tôi mua loại đó cho con, chứ cũng không để ý thông tin về chất BPA gì đó. Tôi cũng nghe chủ tiệm nói sơ, nhưng loại đó đắt lắm!", anh Tâm, một khách hàng cho biết.
Cơ quan chức năng nên sớm có khuyến cáo
Một cán bộ nghiên cứu Phòng polymer thuộc Viện Công nghệ hóa học cho biết, BPA độc hại nhưng không phải là một chất độc cấp thời, do vậy có thể khiến tâm lý nhiều người không chú ý đến.
Điều quan trọng, cán bộ này nhận xét là, các sản phẩm có chất BPA đều khá rẻ, do vậy đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của nhiều người. Cách duy nhất khi các cơ quan trong nước chưa có khuyến cáo về sản phẩm này là nên tự mình lo xa, tránh mua các sản phẩm có BPA để bảo vệ sức khỏe.
Một cán bộ phòng nghiệp vụ thuộc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng chất lượng 3 cho biết, có nghe báo chí đề cập đến vấn đề này.
Tuy nhiên, trước đây trung tâm cũng có kiểm định một số mặt hàng bình sữa như đề cập nhưng nếu đối chiếu theo tiêu chí ban hành của Bộ Y tế thì mặt hàng này vẫn đạt chất lượng.
Đồng thời, vị cán bộ này cho biết các nước châu Âu đến năm sau mới chính thức cấm theo một tiêu chí của riêng họ nên hiện giờ cũng không thể bình luận.
Chính vì những thực tế đang xảy ra nói trên mà người dân đang rất cần những thông tin chính thức kịp thời từ cơ quan chức trách.
Trong vụ việc này, ngành chức năng cần sớm có những thông cáo chính thức về chất BPA để người dân được biết.
(Nguồn: Thanh niên)