Tân Dân anh hùng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:24, 18/12/2010
Kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong thời kỳ xây dựng đất nước, chính quyền và nhân dân Tân Dân (Kinh Môn) lại kiên cường khắc phục khó khăn, bất lợi, vươn lên xây dựng quê hương.
Diện mạo Tân Dân ngày càng khởi sắc |
Về xã Tân Dân (Kinh Môn) tháng 12 này, chúng tôi được hòa vào sắc đỏ của băng cờ, khẩu hiệu, sống với không khí náo nức, vui mừng của chính quyền và nhân dân chuẩn bị đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Tân Dân có địa thế hiểm trở: 3 mặt núi, một mặt sông; diện tích tự nhiên trên 500 ha, trong đó non nửa là diện tích đồi rừng; diện tích canh tác đa phần là ruộng bậc thang, lầy thụt, chua mặn. Đã vậy, cả xã chỉ có duy nhất một con đường độc đạo cho việc thông thương, đủ thấy các yếu tố thiên thời, địa lợi đều không ưu ái cho mảnh đất này. Nhưng về đây chúng tôi thực sự ngỡ ngàng với sự phát triển trù phú của làng xóm: Những dãy nhà cao tầng san sát; đường bê-tông chạy vào tận ngõ xóm; cơ sở hạ tầng nông thôn được quy hoạch khang trang, gọn ghẽ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược với ý chí kiên cường, quân và dân Tân Dân đã anh dũng chiến đấu ghi những trang sử vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng đất nước, chính quyền và nhân dân Tân Dân lại kiên cường khắc phục mọi khó khăn kiến thiết quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hang chùa Mộ từng là nơi đóng quân của Xưởng X6 (Quân khu 3) trong kháng chiến chống Mỹ |
Đồng chí Thân Văn Bừng, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Tân Dân đã sớm giác ngộ cách mạng từ phong trào vô sản hoá ở khu vực hầm mỏ Quảng Ninh. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp do địa hình hiểm trở, Tân Dân trở thành căn cứ địa của huyện: nơi tập kết của đại đội Lê Lợi-Quân khu 3; nơi Huyện uỷ Kinh Môn tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân xã Tân Dân đã chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên địch, gọi hàng 2 tiểu đội lính ngụy... Thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, Tân Dân nổi lên như một biểu tượng của ý chí đoàn kết toàn Đảng, toàn dân. Về sản xuất nông nghiệp, năm 1967, năng suất lúa đã đạt 5,2 tấn/ha, là xã đầu tiên trong khu Nhị Chiểu đạt trên 5 tấn thóc/ha. Từ năm 1965-1974 xã đã đóng góp cho Nhà nước trên 1.000 tấn lương thực, 220 tấn lợn hơi, hàng nghìn tấn rau, thịt, xcá cho các đơn vị bộ đội và thương binh đóng trên địa bàn; 9 năm liên tục vượt chỉ tiêu lương thực, thực phẩm Nhà nước giao. Năm 1964 khi địch mở rộng đánh phá miền Bắc bằng không quân, xã đã tổ chức đào 4 trận địa phòng không đánh máy bay địch. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, quân và dân xã Tân Dân đã lập thành tích bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Ông Bùi Quang Thập, nguyên xã đội phó, người trực tiếp chỉ huy trận đánh kể lại: “Ngày 29-4-1966, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Cầm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), cách tổ trực chiến ở núi Chùa 2 km về phía tây. Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, anh em chúng tôi ngay lập tức vào vị trí chiến đấu. Khi 1 tốp máy bay địch lọt vào trận địa phục kích, những họng súng lập tức phát hỏa. Ngay loạt đạn đầu một chiếc F4H đã trúng đạn bốc cháy lao ra biển. Với chiến công này quân và dân Tân Dân đã được đi báo cáo kinh nghiệm tại quân khu; được Bác Hồ tặng Huân chương Chiến công hạng nhì”. Còn biết bao chiến công oanh liệt đã được lập trên mảnh đất Tân Dân: Hang chùa Mộ trên địa bàn xã là nơi đóng quân an toàn của Xưởng X6 (Quân khu 3); năm 1966 địch ném bom ở Bến Triều, xã Hoành Sơn, địa phương đã cử 1 tiểu đội, trên 100 dân quân, đoàn viên thanh niên giúp rà phá, san lấp hố bom; khi Bệnh viện 7 (Quân khu 3) chuyển về xã Duy Tân, xã đã cử 10 đoàn viên sang phục vụ; 40 người tình nguyện hiến máu cứu chữa thương binh... Xã cũng cử hàng trăm lượt người tham gia đào đắp trận địa pháo bảo vệ cầu Phú Lương, cầu Lai Vu và dọc đường 5. Từ năm 1965 đến năm 1975, Tân Dân luôn vượt chỉ tiêu tuyển quân với 348 thanh niên nhập ngũ và gần 100 thanh niên xung phong phục vụ chiến trường; 13% số dân tham gia lực lượng dân quân.
Kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong thời kỳ xây dựng đất nước, chính quyền và nhân dân Tân Dân lại kiên cường khắc phục khó khăn, bất lợi, vươn lên xây dựng quê hương. Đồng chí Đặng Văn Vần, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Dân có 4 thôn với dân số trên 4.400 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, diện tích canh tác cho năng suất thấp. Những năm trước đổi mới, trong xã không thiếu các hộ đói, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém. Đảng bộ xã xác định chỉ có nỗ lực vươn lên cộng với đoàn kết toàn dân mới mong thay đổi quê hương. Hàng loạt biện pháp, mục tiêu phát triển được triển khai. Chuyển biến mạnh mẽ nhất là nông nghiệp. Từ mức năng suất thấp kém, năm 2009-2010 đã đạt 110 tạ/ha. Xã cũng mạnh dạn chuyển đổi 50 ha đầm trũng sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung cho thu nhập 70-80 triệu đồng/ha/năm. Phát huy thế mạnh đường sông, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn mua sắm tàu thuyền phát triển vận tải thủy. Đến nay, toàn xã có khoảng 30 hộ gia đình có tàu thuyền, đem lại nguồn thu đáng kể. Ngoài ra, do nằm giáp 2 thị trấn có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, một lượng lớn nhân công trong xã có việc làm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Năm 2010, tổng giá trị thu nhập toàn xã đã đạt trên 37 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,4 triệu đồng. Cùng với phát triển kinh tế, chính quyền và nhân dân trong xã còn huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, đã có trên 8km đường giao thông được đổ nhựa và bê-tông hóa; trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc được kiên cố hóa cao tầng; trên 5km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa... Trường tiểu học và THCS, trạm y tế được công nhận đạt chuẩn; 3/4 làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Cùng với đó, địa phương còn hỗ trợ hàng chục triệu đồng xây dựng và tu sửa nhà “tình nghĩa”; tặng gần 100 sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ. Chỉ tính số tiền địa phương và nhân dân đóng góp kiến thiết quê hương từ năm 2000 trở lại đây đã khoảng 10 tỷ đồng...
Với những thành tích đã đạt được, đã có nhiều phần thưởng quý báu được trao tặng cho quân và dân nơi đây. Đặc biệt năm 2010 này, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tân Dân được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
NGỌC HÙNG
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, xã Tân Dân được Nhà nước tặng: - 2 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Lao động hạng ba. - Xã có 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 104 liệt sĩ, 52 thương, bệnh binh. - Được thưởng 53 cờ thi đua, 430 huân chương, huy chương các loại. - Trong 10 năm (1965 đến 1975), Đảng bộ và chính quyền luôn đạt 4 tốt; lực lượng dân quân luôn đạt danh hiệu Quyết Thắng; lực lượng công an được tỉnh tặng Bằng khen… |