Trận đầu đánh thắng
Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:49, 18/12/2010
Minh họa: VH |
Khi tôi về Đoàn M72 thì trận đọ sức đầu tiên giữa Hải quân nhân dân Việt Nam mà đại diện là phân đội 3 tàu phóng lôi của Đoàn M72 với hải quân và không quân Mỹ đã trôi qua được tám năm. Những người con anh hùng của phân đội thì người đã hy sinh người chuyển đơn vị khác, người đành rời tay súng với thương tật trên mình. Người duy nhất còn lại của phân đội lúc này đang là tham mưu trưởng của Đoàn M72, thiếu tá Nguyễn Xuân Bột. Anh Bột hơn tôi gần một thế hệ. Nhưng ngoài giờ làm việc tôi thường gọi là anh. Tôi và anh là đồng hương cùng tỉnh Nam Định. Quê anh ở dưới vùng biển Hải Hậu. Còn tôi lại ở trên Mỹ Lộc, cách nhau trên năm chục cây số. Khỏi phải nói tình cảm đồng hương thời đó thắm đượm như thế nào. Dẫu chỉ là cùng tỉnh. Nó rất nhân văn, rất con người. Dường như ranh giới giữa cái sống và cái chết quá gần nên con người yêu thương nhau hơn, quý trọng nhau hơn. Tôi luôn được anh Bột quan tâm về mọi mặt. Tôi nhớ một lần anh gọi tôi lên nhắc nhở: "Nghe đại đội trưởng của cậu phản ánh, dạo này cậu chểnh mảng lắm. Mơ mộng ít thôi, phải chú ý vào nhiệm vụ. Cậu còn trẻ phải tranh thủ phấn đấu kẻo sau này về già chỉ có ngồi nhìn mà ngáp". Nghe lời anh, tôi chịu khó hơn và được khen nhiều lần trước đại đội. Nhưng lời khuyên nhủ của anh Bột lại bị anh em trong đơn vị biến tướng sang tất cả mọi công việc, kể cả việc ăn nằm với vợ. Anh Bột nghe vậy liền bảo: "Tầm bậy". Ngẫm nghĩ một chút anh phá lên cười: "Ừ, mà cũng rất có lý". Có lần nhân lúc anh Bột vui vẻ, tôi ngỏ ý muốn nghe lại cuộc chiến đấu đêm mồng 2 tháng 8 năm 1964 của anh, với ý định viết một bài báo. Vài ba lần đầu anh Bột gạt đi. Sau bị tôi đòi hỏi nhiều quá, anh bảo: "Có gì đáng kể đâu. Vào cương vị như tôi, bất kể người lính nào chúng ta cũng làm được”. Anh tủm tỉm: "Chả dại. Kể ra rồi với con mắt méo mó văn chương của mày lại biến tao thành trò cười cho thiên hạ. Thôi dẹp". Tính anh Bột là thế. Sởi lởi vui vẻ trong quan hệ, khiêm tốn, chỉn chu, nghiêm khắc trong công việc. Tôi chấp nhận chờ cơ hội khác.
Lại 35 năm nữa vụt qua như bóng câu cửa sổ. Ước mơ viết một bài báo về trận đánh đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam trong tôi cứ dần phai nhạt. Nhiều lúc bận rộn với miếng cơm manh áo tôi quên chẳng thể nhớ nổi một thời những con tàu phóng lôi từng là biểu tượng cao đẹp trong tâm trí. Bỗng một ngày đầu tháng 5 năm 2010 tôi thấy lòng mình xôn xang lạ thường. Vì sao, tôi không thể định nghĩa được cụ thể rõ ràng. Tôi quyết định về thăm đơn vị cũ. Tất cả, từ con người đến cảnh vật nơi đây đều lạ lẫm đổi khác. Tiếp đón tôi ở sở chỉ huy Đoàn M72 là thượng tá Đỗ Văn Khải, Phó Chỉ huy đoàn phụ trách về chính trị. Ngày xưa chúng tôi gọi là chính ủy đoàn. Trông Khải trẻ hơn tuổi 45 của anh. Tôi và anh hoàn toàn không biết nhau. Nhưng anh vẫn hồ hởi đón tiếp tôi như đón tiếp người thân đi lâu ngày trở về thăm nhà. Anh vui vẻ thông báo cho tôi hay rằng hiện nay dưới quân cảng có một số anh em cựu chiến binh vùng biển Thái Bình, Nam Định cũng đang trở về thăm đơn vị cũ như tôi. Thế là tôi cám ơn "chính ủy của tôi" rồi vội lao xuống quân cảng. Ý tưởng năm xưa lại được dịp bùng lên trong tâm hồn tôi. Đây rồi, cựu đại tá Nguyễn Công Tản, nguyên trung úy, thuyền trưởng tàu 336. Cựu thượng tá Vũ Khắc Kiểm, nguyên thượng sĩ pháo phòng không 14,5 ly tàu 333. Cuộc gặp gỡ không hẹn trước đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (7-5-1955 - 7-5-2010), tiền thân của quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Niềm vui của chúng tôi được nhân lên gấp bội. Không có thời gian rào đón sau trước gì hết, tôi kéo cựu đai tá Nguyễn Công Tản ra bờ cảng nói ý định của mình. Đại tá cười và bắt đầu kể.
Ngay từ đầu tháng 7 năm 1964 toàn quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam chuyển hoạt động sang chế độ thời chiến. Chỉ trong vòng có 5 ngày mọi công tác sẵn sàng chiến đấu đã hoàn tất. Cán bộ, chiến sĩ quyết tâm đánh thắng trận đầu. Về phía địch, hạm đội 7 tiến dần lên phía bắc. Hằng đêm tàu khu trục Ma Đốc tách khỏi đội hình xâm phạm lãnh hải của ta ở Quảng Bình. Trên đường đi chúng mở hết công suất máy phát sóng vô tuyến điện hướng vào đất liền để do thám mạng lưới bố phòng của ta. Chủ yếu là chúng thăm dò phản ứng hệ thống ra đa của hải quân ta trên đất liền, trên đảo. Mọi khiêu khích trắng trợn của địch đã bị ta phát hiện, theo dõi và báo cáo về sở chỉ huy quân chủng và Bộ Tổng tham mưu. Thiếu tướng, Tư lệnh phó Quân chủng Nguyễn Bá Phát là người trực tiếp vạch ra kế hoạch tấn công tàu Ma Đốc. Công bằng mà nói, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam lúc này là quá mỏng manh. Tuy đã qua 9 năm xây dựng kể từ ngày thành lập, lại được sự giúp đỡ của mấy nước xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng không mạnh lên được bao nhiêu. Chủ yếu là những con tàu pha sông biển của Pháp mà ta thu được. Vài phân đội tàu chiến được trang bị một khẩu pháo phòng không cỡ 37 ly loại một nòng. Vài phân đội tàu phóng ngư lôi loại hai ống. Một phân đội tàu vận tải cỡ 200 tấn. Tất cả đều trực thuộc Đoàn M72. Tương quan lực lượng là rất chênh lệch. Dường như kẻ địch cũng biết điều này, nên chúng ung dung xâm phạm lãnh hải của ta. Nếu hai bên cứ giao tranh như các nước trong Thế chiến thứ 2 hải quân ta sẽ cầm chắc thất bại. Điều đó là hiển nhiên. "Phải tìm ra cách đánh riêng của mình", Sở Chỉ huy Quân chủng ngày đêm tìm tòi suy nghĩ. Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng gọi điện nhắc nhở: "Đất nước ta còn nghèo, những con tàu của ta là vốn quý và hiếm. Đánh thắng địch nhưng phải bảo vệ được mình mới là thắng lợi trọn vẹn". Kế hoạch tấn công tàu Ma Đốc được Sở Chỉ huy Quân chủng vạch ra với tất cả mọi tình huống có thể xảy ra. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi thì hậu quả cũng khôn lường. Kế hoạch được Bộ Tổng tham mưu chuẩn y. Đại tướng Văn Tiến Dũng còn dặn dò: "Đây là trận đầu, phải đánh thắng. Chúc các đồng chí thắng lợi". Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này giao cho phân đội 3 tàu phóng lôi thuộc Đoàn M72.
16 giờ ngày 1 tháng 8 năm 1964, tại hội trường Đoàn M72, lễ xuất quân được tổ chức vô cùng trọng thể. 34 cán bộ, chiến sĩ của phân đội 3 gồm 3 tàu: 333, 336, 339 do trung úy Nguyễn Xuân Bột làm phân đội trưởng, đứng nghiêm trang dưới lá cờ Tổ quốc và bức chân dung Hồ Chủ tịch. Bức chân dung Bác Hồ trong bộ lễ phục sĩ quan hải quân Việt Nam được phóng lên rất to và treo ở nơi trang trọng nhất. Đây là bức ảnh chụp khi Bác Hồ về thăm Đoàn M72 ngày 15-3-1961. Bên dưới bức chân dung là lời dạy của Bác Hồ: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Trung úy Nguyễn Xuân Bột thay mặt phân đội đọc lời tuyên thệ. Anh hứa với Bác sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 17 giờ 30 phân đội kéo còi tạm biệt quân cảng lao nhanh về hướng hang Q. Lẽ thường trong chiến tranh trên biển bao giờ cũng đầy đủ tàu như tàu phóng lôi, tàu chiến đấu, tàu chỉ huy... Nghĩa là nhiều loại tàu để chúng còn hỗ trợ cho nhau, bảo vệ lẫn nhau. Chỉ riêng điều khác biệt này thôi đã chứng minh sự sáng suốt của Sở Chỉ huy Quân chủng. Phương châm dùng một lực lượng nhỏ, cơ động nhanh, bất ngờ tấn công dồn dập kẻ thù chiếm thế chủ động giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay cả việc phân đội tàu phóng lôi rời cảng giữa ban ngày cũng nằm trong kế hoạch. Lúc này trên trên bầu trời nước ta luôn có máy bay do thám U2 của Mỹ. Một biến động nhỏ cũng khiến kẻ địch kịp thời đối phó. Tới hang Q., phân đội trưởng Bột cho gửi một bức điện về Sở chỉ huy: "Tất cả tàu đã lên đốc an toàn". Bức điện tín này được tung vào không trung hai lần cách nhau 5 phút. Mật mã đơn giản, không cần tốn nhiều công sức, người ngoài cũng nhanh chóng dịch được. Bắt đầu từ đây phân đội hoàn toàn im lặng. Hang Q. nằm sâu trong lòng một hòn đảo không tên khá lớn ngoài vịnh Hạ Long. Mấy năm trước một đơn vị công binh của hải quân ta đã mở rộng hang dùng làm nơi sửa chữa, bảo dưỡng cho Đoàn M72. Lòng hang rất rộng có thể chứa được vài chục tàu phóng lôi. Chính từ nơi đây, tháng 4 năm 1975 (lúc này lực lượng hải quân của ta rất hùng mạnh), những con tàu này đã hình thành một mũi nhọn vào ra mọi vùng biển đảo phía Nam, cùng các lực lượng vũ trang khác giải phóng tất cả các đảo do ngụy quyền tạm chiếm.
Khu trục hạm Ma Đốc quen như mọi lần, đêm đêm tiến lên phía bắc, khoảng ngang vùng Hòn Bút, Hòn Mê, Lạch Trường, xâm phạm sâu vào lãnh hải của ta chừng 20 hải lý. Nói là đường biên giới trên biển nhưng làm gì có cột mốc, cột cây số. Giữa biển khơi ngàn trùng chỉ có trời và nước. Đến một cánh chim hải âu cũng hiếm hoi cô đơn. Tất cả đều trông chờ vào tài năng xác định tọa độ của người chỉ huy. 21 giờ phân đội bí mật rời khỏi hang Q. chạy về hướng nam. Tàu phóng lôi là nỗi khiếp đảm của tất cả các loại tàu trên biển. Bởi nó nhỏ gọn tính năng cơ động rất cao. Tốc độ tối đa trên 50 hải lý/giờ (khoảng 100 km/h). Sức công phá của quả ngư lôi tương đương với 500 cân thuốc nổ. Tàu Ma Đốc hiện ra trước mắt mọi người. Tàu cao lừng lững, đèn điện trên tàu sáng choang. Kẻ địch quá ngông nghênh, coi thường hải quân ta. Phân đội 3 tiến tới áp sát tàu địch. Còn cách tàu Ma Đốc ngót một hải lý bỗng nhiên cả vùng biển rộng lớn sáng bừng như ban ngày. Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột nhắc mọi người: "Cứ bình tĩnh. Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Chờ lệnh của tôi”. Chiến đấu trên biển hoàn toàn khác với trên bộ. Không vật che khuất, không vật che đỡ. Mọi vật hiển hiện ra trước mắt. Ấy là chưa kể đến sóng to gió lớn, con tàu nhỏ bé chao như đưa võng. Mọi hoạt động trên tàu đều phải tính đến độ lắc của sóng. Tàu phóng lôi của ta so với tàu Ma Đốc của địch chỉ như con đò ngang so với ngôi nhà 3 tầng, dài ngót trăm mét. Ngay lúc đó 4 chiếc máy bay AD6 của hải quân Mỹ lao xuống dội bom cản đường. Đạn rốc két, đạn 20 ly bắn xuống đội hình của ta như người nông dân vãi mạ. Trận đánh bỗng chuyển sang một hướng khác. Ban đầu là hải đối hải, nay thành hải đối không. Tình huống này đã được Bộ Chỉ huy Quân chủng dự tính nên cán bộ và chiến sĩ phân đội rất bình tĩnh. Cả 3 con tàu vừa phải đánh trả máy bay địch trên không vừa phải tránh trọng pháo địch từ tàu Ma Đốc bắn ra. Nguyễn Xuân Bột ra lệnh: "Thả hỏa mù". Hỏa mù là một loại nhiên liệu đặc biệt ở thể rắn, do xưởng quân giới hải quân chế tạo. Khi đốt lên không phát lửa mà chỉ phun ra toàn khói đen. Trong khoảnh khắc cả vùng biển rộng lớn bị màn khói đen khổng lồ trùm kín. Đứng cách vài mét là không nhìn thấy gì hết. Chừng như cảm nhận thấy sự nguy hiểm, tàu Ma Đốc lùi dần ra hải phận quốc tế. Nguyễn Xuân Bột hô to: "Tàu 339 tiến công. Hai quả, phóng". Tàu 339 bất chợt gầm lên dữ dội vọt tới với tốc độ tối đa. Hai quả ngư lôi rời khỏi ống phóng lao đi. Tàu Ma Đốc trông đồ sộ như vậy nhưng xoay xỏa rất nhanh. Hai quả ngư lôi chạm khẽ vào mũi tàu rồi trượt theo mạn tàu văng ra hai hướng.
Từ trên đài quan sát của tàu 336, Nguyễn Xuân Bột dậm chân tiếc rẻ. Anh định lệnh cho tàu 333 tiếp tục tiến công thì nhận được tin tàu 333 bị rốc két bắn vỡ két dầu khẩu 14,5 ly bị vỡ nòng không hoạt động được. Anh Bột bảo thuyền trưởng Nguyễn Công Tản: "Tàu 333 bị thương rồi. Tàu ta sẽ tiến công, tàu 339 làm nhiệm vụ bảo vệ". Đã từng ăn ở tập luyện với nhau từ lâu, thuyền trưởng Tản hiểu ý định của phân đội trưởng. Anh xuống khoang lái trợ giúp cho chiến sĩ hàng hải đang bị thương vào chân phải dùng dây buộc người vào cạnh bàn mới đứng vững. Tàu 336 lao ra khỏi vùng khói, một thằng AD6 cắm đầu lao xuống. Đạn 20 ly chạm sàn tàu tóe lửa. Khẩu 14,5 ly duy nhất trên tàu điểm xạ một loạt dài. Chiếc AD6 như dừng lại, dưới thân nó nở bung một vầng lửa sáng lòa. Nó gượng bay, nhưng không nổi. Nó đâm sầm xuống biển, tạo nên một cột lân tinh cao vút. Khoảng cách giữa hai tàu cứ ngắn lại. Còn ba trăm mét, anh Bột hô: "Một quả bên trái. Phóng". Vừa thấy tàu của ta phóng ngư lôi, tàu Ma Đốc vội vã quay mũi về hướng ngư lôi. Lại trượt. Nguyên lý của ngư lôi là khi phóng phải vuông góc với con tàu định bắn. Quả ngư lôi sẽ xuyên thủng mạn tàu vì đây là phần thép mỏng nhất và phát nổ. Khi thiết kế con tàu bao giờ phần mũi cũng được làm độ vát tối đa và bọc thép rất dày, đầu quả ngư lôi lại tròn, nên hai vật chạm nhau là trượt văng ra. Sau khi phóng xong một quả, tàu 336 ngoặt trái gấp, khoảng cách hai tàu quá gần. Các khẩu trọng pháo trên tàu Ma Đốc không còn tác dụng. Lính Mỹ dùng AR15, AT bắn sang như mưa. Phía ta thì AK47, trung liên cầm tay đáp trả không kém. Tàu 336 lượn một đường tròn khá rộng. Không gian hai tàu giãn ra. "Quay lại. Phải đánh cho chúng hiểu: Biển của ta chứ không phải ao nhà của chúng nó". Câu nói nổi tiếng ấy sau này được một nhạc sĩ phổ nhạc thành một bài hát rất hào hùng, trong đó có câu "... Vùng biển của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó/ Trời xanh của ta đâu cho chúng kéo đến hành hung/ Quật chúng nó xuống đất/ Đuổi chúng cút ra khơi...”. Bây giờ trên tàu chỉ còn một quả ngư lôi. Tàu luôn bị lệch sang phải, cơ động rất khó khăn. Nếu không khéo cả con tàu sẽ bị lật úp. Dưới bàn tay điêu luyện của mình, thuyền trưởng Nguyễn Công Tản lái con tàu lựa sóng lướt băng băng. Anh cho tàu quay mũi chuẩn bị tấn công lần thứ hai, thì nhận được lệnh trở về. Thì ra trong lúc tàu của ta mải đánh trả lũ AD6 tàu Ma Đốc đã lùi ra tới hải phận quốc tế. Khi tàu Ma Đốc không bị tấn công nữa thì ba chiếc AD6 còn lại cũng cút sạch. Tàu 336 trở lại cùng tàu 339 cấp cứu các chiến sĩ bị thương và kéo tàu 333 về vị trí tập kết chờ lệnh mới. Ngay đêm ấy, đêm mồng 2 tháng 8 năm 1964 quân và dân đảo Hòn Nẹ, Lạch Trường, Sầm Sơn, Thanh Hóa thay mặt cả nước đón mừng phân đội 3 Đoàn M72 chiến thắng trở về.
Nguyên đại tá Nguyễn Công Tản dừng câu chuyện ở đây. Ngẫm nghĩ một lát, anh nói tiếp như kết luận: "Trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam với số lượng tàu ít, nhỏ bé, tính năng tác dụng còn rất hạn chế, lạc hậu lại phải chiến đấu độc lập với hải quân, không quân Mỹ mà vẫn chiến thắng trở về. Nhưng ta cũng nhận thấy hỏa lực phòng không trên tàu là quá mỏng manh". Giọng anh Tản chợt sôi nổi hẳn lên: "46 năm trôi qua, cậu thấy rồi đấy, lực lượng hải quân của ta quá hùng mạnh, đủ sức bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc theo lời Bác Hồ dạy".
Chúng tôi chia tay trong sự lưu luyến, hẹn gặp lại. Tôi hiểu lần gặp sau không biết đến bao giờ. Và lần gặp sau ấy liệu ai còn, ai mất. Thời gian, tuổi tác thật khắc nghiệt. Nhưng kỷ niệm về trận đầu đánh thắng sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng mỗi người lính hải quân chúng tôi nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Và chúng ta luôn tự hào về điều đó.
Truyện ký của NGUYỄN SỸ ĐOÀN