Náo loạn tranh suất hộ nghèo
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:30, 19/12/2010
Không được hộ nghèo là gặp đâu chửi đấy!
Ngay giữa những ngày mùa đông giá rét, vậy mà vừa đến đầu xóm Chuối, xã Ký Phú (Đại Từ - Thái Nguyên) chúng tôi đã cảm nhận được dư âm nóng bỏng khi bản danh sách hộ nghèo của xóm được niêm yết. Rất nhiều người ở đây đã hùng hổ tuyên bố, nếu không xét lại hộ nghèo thì thấy mặt trưởng thôn ở đâu sẽ chửi cho te tua đến đấy! Chuyện bắt đầu khi Bộ LĐTB&XH công bố phương án chuẩn nghèo mới. Theo đó, 500.000 đồng/người/tháng là mức đối với khu vực thành thị; 400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Theo quy chuẩn này, nước ta sẽ có khoảng 3,3 triệu hộ nghèo, tương ứng với 16,5 triệu người nghèo. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta từ 11% như hiện nay sẽ tăng lên khoảng 15%. Là một địa phương miền núi nhưng xóm Chuối có tới 280 hộ, đông nhất nhì xã Ký Phú. Theo chuẩn nghèo mới, xóm Chuối được 25,8% (tương đương với 65 hộ) hộ nghèo, sau khi bình bầu xong xuôi đượt 1 (49 hộ), cán bộ xóm Chuối tiến hành bình xét đợt hai. Điểm khác ở lần bình bầu thứ hai là mấy vị cán bộ xóm tự nhặt hộ nghèo cho vào danh sách mà không họp dân. Đây chính là mấu chốt làm nảy sinh mâu thuẫn gay gắt tại làng quê vốn yên bình này. Đang đẽo cày tại nhà, thấy chúng tôi nhắc tới chuyện bình xét hộ nghèo, ông Ngô Văn Bình ở đội 2 buông tay xổ ngay một tràng bức xúc: “Gia đình tôi có mỗi hai vợ chồng và một người mẹ già đã hết tuổi lao động, vợ tôi lại bị tàn tật cụt mất một chân hơn 20 năm nay, tại sao lại không được hộ nghèo. Trong khi đó, có gia đình cả hai vợ chồng to khỏe như trâu lại được hộ nghèo, anh bảo có phải là quá bất công không?”. Ông Bình bảo đối diện nhà ông có một đảng viên sau khi tranh đấu lấy hộ nghèo giờ ra đường không dám nhìn mặt ai vì xấu hổ. Mặc dù có lương hưu hơn 800.000 đồng/tháng nhưng tại cuộc họp ông kia vẫn đứng lên nước mắt lưng tròng kể lể về quá khứ hào hùng và đầy gian khổ của mình. Nhưng bà con lối xóm không nhất trí vì ông đang ở với con trai có nghề nghiệp và đồng lương ổn định. Ngay lập tức ông tuyên bố đã ra ở riêng rồi và đang trở thành người không nhà không cửa để được vào hộ nghèo. Nay khi đã toại nguyện, người ta vẫn thấy ông ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà với con trai mà dè bỉu bảo ông là đồ bỏ con để lấy hộ nghèo. Gấp hay lấp liếm? Hỏi thăm bà con nhân dân nơi đây chúng tôi biết được nguồn cơn khiến bà con xóm Chuối bức xúc “nổi cơn tam bành” là do việc bình xét hộ nghèo đợt 2 không được công bằng dân chủ. Một người dân tố với chúng tôi là con ông Bí thư xóm Chuối Nguyễn Ngọc Ban là Nguyễn Văn Toàn có cửa hàng tạp hóa, nấu rượu, nuôi lợn bán cho cả làng mà lại được hộ nghèo là điều hết sức vô lý. Trong khi mấy bố con nhà ông Bí thư người nào cũng có một cái ô tô tải chạy lông nhông buôn bán khắp làng trên xóm dưới. Rồi một anh con vị thiếu tá quân đội về hưu đang xây nhà hai tầng cũng được hộ nghèo làm người dân bức xúc, đâm đơn kiện khắp nơi.
Em trai ông Lưu là Đào Văn Xá đã bị Ban Xóa đói giảm nghèo xã Ký Phú gạch tên khỏi danh sách hộ nghèo vì không đủ tiêu chuẩn khiến bà vợ ông ta tức lồng lộn chửi rủa khắp làng. Riêng con trai ông Bí thư Nguyễn Ngọc Ban thì vẫn ngồi chễm chệ trong danh sách hộ nghèo khi ngày ngày anh ta vẫn ở nhà bán hàng tạp hóa cho bà con nghèo xóm Chuối. Nhiều người dân thấy cảnh chướng tai gai mắt đã tuyên bố trước dân làng là gặp mặt ông Trưởng xóm ở đâu là chửi đấy, một số người còn đe dọa sẽ chửi cho đến khi nào ông Lưu vứt hết sổ sách, từ cái chức quyền Trưởng xóm về làm dân thường thì mới thôi. Tìm hiểu kỹ ngọn ngành chúng tôi nhận thấy việc bình xét hộ nghèo tại xóm Chuối và một số xóm khác ở xã Ký Phú chưa được công tâm là do cán bộ thôn, xóm chưa nắm rõ được quy trình và cách thức bầu chọn. Mấy vị cứ tiến hành họp dân, "gió chiều nào xoay chiều ấy" khiến việc bình xét bị xê dịch, thay đổi liên xoành xoạch. Bởi nếu tính thu nhập của người dân ở vùng sâu vùng xa thì hầu hết hộ nào cũng nghèo. Vì vậy mà công tác bình chọn ở các địa phương đó hiện nay chỉ dựa chung chung vào cảm tính như: Người già hết tuổi lao động, tàn tật, mồ côi, có đông con đi học… để mà bình xét nên khó có được sự công bằng. (Nguồn: NNVN) |