Mạc Đĩnh Phúc với phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hải Dương

Danh nhân - Ngày đăng : 05:27, 24/12/2010

Mạc Đĩnh Phúc quê ở Cẩm Chế (Thanh Hà). Ông là người thông minh,hiểu biết rộng. Ông nhận mình là dòng dõi nhà Mạc và đứng lên tập hợp nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ 19.

Sau khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892), phong trào khách chiến chống Pháp của nhân dân Hải Dương vẫn tiếp tục được duy trì với những hoạt động lẻ tẻ ở từng địa phương. Đáng chú ý là cuộc nổi dậy dưới khẩu hiệu bình Tây, diệt Nguyễn do Mạc Đĩnh Phúc lãnh đạo ở khu vực phía Nam Hải Dương.

Mạc Đĩnh Phúc, sinh năm 1897, tên thật là Trình, người làng Phương La (nay thuộc xã Cẩm Chế, Thanh Hà). Ông làm con nuôi cho một gia đình họ Nguyễn ở làng Hương Đại, xã Thanh Bình (nay thuộc thị trấn Thanh Hà). Do có học chữ nho nên ông được gọi là khóa Trình. Ông tự trang bị những vốn liếng cần thiết để bói toán, địa lý, tử vi…, nghĩa là đủ món “kỳ phương dị thuật” để có thể hiểu được quần chúng nông dân. Ông chữa bệnh, mách thuốc, đặt mồ mả… Ông tự nhận là dòng dõi họ Mạc ở Bình Hà (nay là thị trấn Thanh Hà). Ông lấy hiệu là Mạc Đĩnh Phúc, xưng là Đông thống nguyên nhung để hô hào nhân dân nổi dậy đánh Pháp, lật đồ nhà Nguyễn, phò nhà Mạc.

Phong trào do ông khởi xướng mang tính thần bí, tôn giáo. Một trong những quan điểm thần bí được tuyên truyền rộng rãi lúc bấy giờ là Mạc Đĩnh Phúc có phép thuật làm cho súng Tây bắn lại Tây, quân khởi nghĩa không cần mua súng, đóng tàu. Vì vậy, trang bị vũ khí của nghĩa quân rất thô sơ, khi lâm trận, tuy dũng cảm có thừa  nhưng khó khăn để có thể thắng được giặc. Phạm vi hoạt động của phong trào lan rộng ra khắp các tỉnh Hải Dương, Quảng Yên, Kiến An, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.

Nghĩa quân có tổ chức chặt chẽ, chia lực lượng thành đội, cơ, vệ; mỗi đội có 30 người, 4 đội là một cơ, 4 cơ là một vệ và đặt ra các chức: Quân lĩnh, Đô trưởng, Thống chế... Nghĩa quân duy trì kỷ luật nghiêm, chống nhũng lạm, được nhân dân hưởng ứng sụi nổi.

Theo kế hoạch của Mạc Đĩnh Phúc, nghĩa quân bí mật chuẩn bị lực lượng, dự định phát động các nơi cùng nổi dậy, tấn công trong cùng một ngày vào tháng 12-1897. Nhưng do thiếu thông tin, phối hợp không chặt chẽ, thống nhất nên cuộc tấn công không đồng loạt nổ ra trên các tỉnh.

Tại Hải Dương, đêm ngày 13-12-1897, nghĩa quân tấn công vào trại lính khố xanh và đốt phá khu chợ. Đêm ngày 16-12-1897, nghĩa quân tổ chức tấn công giặc ở Ninh Giang, đốt cháy đồn binh Pháp. Ở một số nơi, nghĩa quân cũng nổi dậy như ở Vĩnh Bảo, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà... nhưng đều thất bại.

Ngày 29-12-1897, Mạc Đĩnh Phúc bị giặc Pháp bắt và giết hại, phong trào bình Tây, diệt Nguyễn, phò Mạc tan rã.

(Nguồn: Địa chí Hải Dương)