Làng mủa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:31, 25/12/2010

Làng An Thuỷ, xã Hiến Thành trồng mủa từ gần 10 năm nay. Cây mủa đã làm cho An Thuỷ hẻo lánh nghèo nàn thành làng văn hoá trù phú. Người dân An Thuỷ giàu lên ngay trên mảnh đất quê mình.


Chế biến mủa

Gần mười năm nay, cả làng trồng mủa nên mọi người quen gọi là "Làng mủa". Thực ra tên làng là An Thuỷ thuộc xã Hiến Thành (Kinh Môn). An Thuỷ là một làng không lớn, nằm tít mỏm đất tận cùng phía nam của huyện. Ba mặt đều do sông Kinh Môn bao bọc với dân số 1.516 người.  Cho đến hiện tại, từ trung tâm xã về An Thuỷ, ta vẫn phải đi ngót 3km đường bờ đê rải đá khấp khểnh, gồ ghề xóc như muốn bật người ra khỏi xe. Đó là con đường duy nhất của một làng hẻo lánh nối với khu trung tâm xã để rồi về với huyện lỵ miền núi Kinh Môn.

Tôi về An Thuỷ vào ngày cuối tháng 10 âm lịch. Đồng làng bát ngát một màu xanh sẫm của cây mủa. Ruộng nối ruộng mênh mông. Hoạ ra mới gặp một vài luống su hào, bắp cải, cà chua. Dịp này đang độ phát triển của cây mủa. Hầu hết các ruộng mủa đã được cắt lá lần thứ 2. Tôi được anh Khôi dẫn đi thăm đồng và vào các lò sấy mủa khô. Theo anh Khôi kể thì trước đây bà con sống chật vật, làm ăn vất vả mà kinh tế không lên. Từ khi cả làng biết trồng cây mủa thì khởi sắc hẳn. Cây mủa, có nơi gọi là hành hoa vì nó có hoa, trắng, tròn to bằng hạt nhãn. Mủa trồng từ rằm tháng 7 âm lịch bằng cây con gieo từ hạt hoặc bằng nhánh của cây từ vụ trước. Mủa ưa rét và ẩm. Trồng một tháng rưỡi thì được thu hoạch. Thu hoạch mủa không nhổ cả cây như hành, tỏi mà cắt lá, để gốc lại rồi chăm bón tiếp. Lớp lá mới lại mọc lên xanh ngắt. Cứ từ 30 đến 40 ngày lại được cắt. Mỗi lần cắt được từ 8,5 tạ đến 1 tấn lá mỗi sào. Lá cắt về bán ngay cho các lò sấy. Mới đầu vụ, năm nay giá tới 10 nghìn đồng/kg. Giờ đây chỉ còn 4.000 đồng/kg. Bốn nghìn cũng tốt vì mỗi lần cắt, một sào cũng được hơn 3 triệu đồng. Một đời cây mủa, một năm cho 6 lần cắt lá mà chỉ hết 8 tháng, vẫn còn 4 tháng để làm vụ lúa. Có nhà trồng tới 7 sào. Nhà anh Khôi, con đi học xa, vợ lại công tác ở xã nên chỉ trồng có hai sào, thuộc loại ít nhất trong thôn. Theo lời anh kể, tôi nhẩm nhanh cũng thấy được với giá bốn nghìn một cân lá thôi thì nếu trồng 5 sào mủa một năm cũng thu ngót trăm triệu. Đấy là không kể lúc giá cao. Thảo nào mà bà con An Thuỷ gắn bó với cây mủa chặt chẽ là thế.

Tuy vậy, từ cây mủa gia vị bán lẻ ở các chợ, An Thuỷ đã nâng thành cây mủa hàng hoá bán cho trong nước và ngoài nước qua công nghệ sấy khô. Ở đây đã hình thành một vòng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng sản phẩm nông nghiệp thành kinh tế hàng hoá.

Mủa cắt về, rửa sạch, nhặt bỏ lá úa rồi cho vào máy thái. Cách đây 5 năm, một chiếc máy thái đã phải mua tới bốn chục triệu đồng. Lá mủa được thái nhỏ chừng 5 ly rồi đưa vào lò sấy. Đó là cơ sở của gia đình anh Hồng, anh Chiểu, ông Bang, ông Lượng, ông Từ, anh Toàn. Anh Khôi dẫn tôi vào thăm hai cơ sở lớn nhất của làng đó là cơ sở của nhà anh Hồng và anh Chiểu. Cả hai anh đều đi vắng. Chúng tôi được hai chị giới thiệu về quy trình sấy. Mỗi gia đình có một nhà xưởng dài chừng 25 m, rộng 10m. Trong đó có lò than, giàn sấy, nơi đóng bao sản phẩm. Năm 2006, tôi đã về An Thuỷ xem sấy. Lúc ấy các lò đều sấy bằng than. Hơi nóng trực tiếp làm khô lá mủa trên giàn. Năm nay để có sản phẩm sạch, bà con đều sấy bằng hơi nước. Lò than đun sôi bể nước. Hơi nước được dẫn sang giàn sấy làm khô lá mủa.

Lúc tôi đến xưởng của gia đình anh Hồng, bốn phụ nữ đang đóng bao mủa khô. Mủa khô vẫn giữ màu xanh và thơm. Chị chủ nhà cho biết mỗi mẻ sấy hết 90 phút. Nhà chị có hai giàn. Mỗi giàn sấy 4,5 tạ mủa tươi một mẻ. Tỷ lệ cứ 10 đến 13 kg tươi được một cân khô. Năm nay, mủa khô rẻ, chỉ có 70 nghìn đồng/kg. Có năm lên tới 150 nghìn đồng/kg. Nhà chị sấy quanh năm. Mỗi ngày xưởng của vợ chồng chị "ngốn" gần 10 tấn mủa tươi. Để có được xưởng này, anh chị đã phải đầu tư một tỷ đồng. Ngoài ra, còn tiền mua mủa tươi, tiền trả công người làm, tiền than, tiền thuế...

Tâm lý chung của các nhà kinh doanh không thích công bố cụ thể tiền lãi. Song cứ nhìn cơ ngơi nhà anh chị, tôi hiểu ra cái con số tế nhị kia. Không chỉ các chủ lò sấy giàu có mà cả làng An Thuỷ giờ đây như một thành phố thu nhỏ: Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát. Đường bê-tông vào tận ngõ ngách. Không khí làm ăn sôi động... Có lẽ cây mủa đã làm cho An Thuỷ hẻo lánh nghèo nàn thành làng văn hoá trù phú. Người dân An Thuỷ giàu lên ngay trên mảnh đất quê mình.

VĂN DUY