Danh tướng triều Trần

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 07:02, 25/12/2010

Danh tướng triều Trần là công trình biên soạn mới đây của nhà báo Phùng Văn Khai, cộng tác viên báo Hải Dương, do Nhà Xuất bản Lao Động xuất bản. Trong lời giới thiệu, tác giả viết: "Trong cuốn sách nhỏ khắc họa chân dung các danh tướng triều Trần, chúng tôi muốn góp một tiếng nói về tài năng, đức độ, cả những tâm tư vì dân vì nước, sự hy sinh mọi mặt của các danh tướng đã đi vào sử sách với cái nhìn gần gũi hơn nữa, để các danh tướng tiếp tục sống mãi trong tâm thức của nhân dân".

Quả thực, trong 175 năm tồn tại trên chính trường, triều Trần nổi bật lên là một triều đại có võ công, có văn hiến, có nhiều nhân tài, vừa sinh Phật, vừa sinh thánh, công minh chính đại vào bậc nhất trong lịch sử. Cuốn sách chỉ giới thiệu có chín nhân vật, nhưng là những nhân vật tiêu biểu, xuất chúng, như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản... Có người không thuộc dòng tôn thất nhưng được trọng dụng vì tài cao đức lớn. Các danh nhân kể trên, trong nhân dân ta, hầu như ai cũng biết đến công tích vì đã được ghi trong lịch sử. Nhưng tác giả Phùng Văn Khai không dừng lại ở mức giới thiệu danh nhân như lịch sử đã viết, mà đã khéo lựa chọn các sự kiện trong cuộc đời nhân vật, hệ thống lại và có sự phân tích, bình luận theo quan điểm công minh, tiến bộ của thời đại hiện nay. Một  nhân vật cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi giữa công và tội là Trần Thủ Độ, thái sư đầu triều Trần, có công sáng lập triều Trần và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước trong khoảng 40 năm đầu tiên của nhà Trần. Nhưng ông không trực tiếp lên ngôi vua, chỉ là trung thần, là chỗ dựa vững chắc cho vua điều hành đất nước. Khi giặc Mông sang tới biên ải, chuẩn bị xâm chiếm nước ta lần thứ nhất, câu nói của ông làm vua yên lòng: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Trong cuộc đời ông có nhiều sự kiện do quyết đoán của ông nhưng lại là hợp với quy luật phát triển của lịch sử như để Trần Cảnh tiếp nhận vương triều nhà Lý (qua việc lấy Lý Chiêu Hoàng), ép vua Trần Thái Tông lấy chị dâu để có con nối dõi tôn thất. Việc sát hại một số công thần nhà Lý để tránh hậu họa cho triều Trần tuy có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng được tác giả phân tích, cho thấy rõ một Trần Thủ Độ, Thượng quốc Thái sư một lòng vì dân vì nước là điều cần khẳng định. Một nhân vật triều Trần khác là Trần Khánh Dư, một tướng thủy binh lắm tài nhưng cũng nhiều tật (sàm sỡ với con dâu Trần Hưng Đạo, để thua trận đầu tại vùng biên Vân Đồn...). Vua cho đòi về trị tội. Ông thấy thời cơ lập công chuộc tội đã đến, đã ở lại không về triều, mà tổ chức đánh tan đoàn thuyền lương của địch, lập công lớn. Cuối đời, ông chỉ là người kinh doanh, buôn bán, khai hoang, lập ấp, được vua tha tội và nhân dân ghi nhớ công ơn.

Với các nhân vật ngoài dòng tôn thất như Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão và có thể nói cả Trần Bình Trọng (dòng dõi Lê Đại Hành, được ban quốc tính họ Trần), tác giả đã nêu bật công trạng to lớn đóng góp vào sự nghiệp giữ nước. Vua đã gả công chúa Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần và nói: "Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay". Phạm Ngũ Lão xuất thân từ nông dân, được Trần Hưng Đạo tin dùng, đánh Nguyên Mông hai lần và chiến thắng quân Chiêm Thành ba lần, được phong là Điện Tiền thượng Tướng quân, có nhiều giai thoại lý thú. Còn Trần Bình Trọng đã trung thành bảo vệ hai đời vua Trần (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông), sống mãi với câu nói nổi tiếng: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc và đã hy sinh lẫm liệt làm kẻ thù run sợ.

Triều Trần, nhiều võ tướng lại có tài trước tác, để lại những tác phẩm có giá trị trong lịch sử và văn học như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư... Các chi tiết đó cũng được Phùng Văn Khai đưa vào sách, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về các danh nhân triều Trần. Cuốn sách Danh tướng triều Trần chỉ mới nói tới chín nhân vật, nhưng qua cách trình bày của tác giả đã toát lên một nhận định khái quát: Thắng lợi và những võ công chống giặc ngoại xâm dưới vương triều Trần là một tất yếu của đúng thắng sai, thiện thắng ác, chính nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thắng cường bạo... Đó là thành công của cuốn sách, mọi người nên tìm đọc.

VƯƠNG BẠCH